Lần đầu tiên trong 150 năm, Ấn Độ vượt qua Anh – nước từng cai trị mình – trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức – trang mạng Sina ngày 21-12 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Kiren Rijiju cho biết.
Tính theo tỷ giá hối đoái ngày 16-12, giá trị GDP của Ấn Độ là 2.300 tỉ USD, trong khi GDP của Anh là 2.290 tỉ USD.
Năm 2016 được xem là năm thành công đối với Ấn Độ về kinh tế. Vào tháng 10-2016, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ danh hiệu nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 7,6% năm 2017.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh chỉ đạt 1,8% năm 2016 và dự báo sẽ giảm xuống còn 1,1% vào năm 2017, do hậu quả của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong 25 năm qua và bảng Anh rớt giá mạnh (gần 20%) trong 12 tháng trở lại đây. Năm 2016, nền kinh tế Ấn Độ được hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá hàng hóa toàn cầu, trong khi lạm phát thấp hơn dự kiến.
Sự kiện trên là dấu mốc có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện đối với Ấn Độ và thế giới nhưng không gây bất ngờ. Trước đó, IMF đã dự báo năm tài khóa này, Ấn Độ sẽ đổi chỗ với Anh.
Việc đảo vị trí về kinh tế nói trên sẽ làm thay đổi đáng kể cục diện quan hệ của Ấn Độ và Anh; giúp đề cao vị thế, vai trò và ảnh hưởng của nhóm BRICS mà Ấn Độ là thành viên, buộc các đối tác phải nhìn nhận Ấn Độ với góc độ khác.
Sau khi Trung Quốc đẩy Nhật Bản xuống vị trí thứ 3, giờ lại có thêm bằng chứng mới về sự thay đổi trong tương quan lực lượng và cục diện quan hệ trên thế giới.
Hệ lụy bất lợi từ Brexit về trung hạn cũng như lâu dài cũng buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải dành ưu tiên mới cho mối quan hệ với các nước thuộc địa xưa trong khuôn khổ Khối thịnh vượng chung mà Ấn Độ là một trong những thành viên quan trọng nhất.
- N.N