Giai đoạn cuối năm luôn là khoảng thời gian bận rộn với nhiều người, bởi chúng ta vừa phải hoàn thành những công việc dang dở của năm cũ, vừa phải tính toán, chuẩn bị cho những kế hoạch tài chính mới, phù hợp cho gia đình và bản thân.
Với các chuyên gia tài chính, doanh nhân, những người đã có được nền tảng tài chính vững chắc, thì họ cũng sử dụng khoảng thời gian quý giá cuối năm này để tổng kết và ghi nhận lại những gì họ đã và chưa làm được trong năm, dựa trên những quan điểm giúp họ có được sự đánh giá tốt nhất cho toàn bộ chặng đường đã qua, từ đó tạo ra một năm mới thành công và thịnh vượng hơn.
Tiền bạc mới chỉ là điểm bắt đầu
Tim Ferriss là một chuyên gia đầu tư người Mỹ với những vụ đầu tư thành công vào các thương hiệu khi còn trong giai đoạn startup như Facebook, Twitter, Uber, Shyp…, người được trang CNN nhận định là “Một trong những nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ hàng đầu thế giới”. Mỗi dịp cuối năm, việc đầu tiên Tim Ferriss làm khi nhìn lại kế hoạch tài chính của mình, đó là tự nhủ tiền bạc mới chỉ là điểm bắt đầu.
“Tôi luôn nhìn lại một năm của mình với một suy nghĩ, rằng tiền bạc chỉ là sự bắt đầu của mọi thứ. Để xây dựng được sự tự do thực sự, tôi còn phải có được hai thứ nữa, là thời gian và sự linh động”.
Cũng vì thế, khi đánh giá kế hoạch tài chính hoặc xây dựng kế hoạch mới, Tim Ferriss luôn nghĩ cách làm sao cho mọi việc tự động hóa ở mức cao nhất, để thời gian và công sức được giảm thiểu.
Thay đổi góc nhìn
Chúng ta có rất nhiều góc nhìn khác nhau cho một sự vật, một hiện tượng. Do đó, tạo ra cho mình những góc nhìn tích cực, đa chiều là cách mà Jeanette Pavini, chuyên gia tài chính người Mỹ, người được website tài chính GOBankingRates đánh giá là “Một trong những nhà tư vấn tài chính cá nhân tốt nhất ở Mỹ”, sử dụng để đánh giá kế hoạch tài chính của mình.
“Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn của bạn. Khi đánh giá lại kế hoạch tài chính cuối năm cũng như vạch ra kế hoạch cho năm mới, tôi luôn tự nhủ rằng, điều quan trọng là kết quả, không phải là cách thức. Giống như nếu kế hoạch tiết kiệm của bạn bị phá sản hoặc bạn gần như bất lực để thực hiện, thì bạn luôn có thể chọn cách nâng cao thu nhập bản thân, kiếm nhiều tiền hơn, để bù đắp vào khoản tiền trên. Bởi mục tiêu cuối cùng, cũng đều là hoàn thành được những gì chúng ta đã đề ra”.
Đừng quên hoàn thiện kế hoạch B
Theo Robert Kiyosaki, doanh nhân và là tác giả của bộ sách best seller Rich Dad, Poor Dad (tạm dịch: Dạy con làm giàu), thì sự cẩn trọng luôn là ưu tiên hàng đầu.
“Tôi luôn bị cho là quá cẩn trọng khi lập kế hoạch tài chính bản thân. Nhưng tôi luôn chỉ cảm thấy an tâm khi chuẩn bị kỹ lưỡng và kiểm soát được mọi chuyện sẽ diễn ra trong năm tới. Vì thế, tôi luôn lập một kế hoạch B, là kế hoạch tài chính dự phòng cho kế hoạch A của mình. Kế hoạch B không chỉ giúp bạn ít bị tổn thương hơn khi kế hoạch A gặp trục trặc, mà nó còn giúp bạn tự tin hơn khi đối mặt với các thử thách. Kế hoạch B đơn giản nhất của tôi thường là dự trữ tiền mặt, sử dụng quỹ khẩn cấp cho trường hợp tôi có thể bị phá sản hoặc bị giảm thu nhập đột ngột. Ngoài ra còn là học những việc kinh doanh bán thời gian khác, để có thể vừa tạo ra thu nhập, vừa tạo bước đệm cần thiết cho tôi đương đầu với những trở ngại, khó khăn phía trước”.
Ngừng so sánh
Grant Cardone, triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ, hiện sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 350 triệu USD, người vừa xếp đầu tiên trong danh sách 25 Marketing Influencers to Watch in 2017 của tạp chí Forbes, thì lại tiết lộ, mỗi khi ông nhìn lại một năm tài chính của mình cũng như chuẩn bị cho năm tiếp theo, ông luôn tự vấn một câu hỏi, rằng: “Đã ngừng so sánh hay chưa?”.
“Tôi nhận ra rằng, so sánh mình với người khác là một hành động ngớ ngẩn nhất mà chúng ta thường xuyên mắc phải. Chúng ta không ngừng so sánh thu nhập của mình với người khác, những người lạ, những người nổi tiếng, hoặc người thân của mình. Rồi chúng ta có thể buồn khi mình nghèo hơn Bill Gates, hay lại có thể vui vì giàu hơn một người vô gia cư. Thế giới này có rất nhiều tiền, đừng sợ việc người khác lấy hết chúng. Hãy tập trung vào tiềm năng và kế hoạch của chính bạn. Phát triển nó và hoàn thành mục tiêu của mình. Hãy chỉ so sánh thu nhập của bạn với chính bạn trong quá khứ mà thôi. Đừng sống theo kế hoạch hay mục tiêu của người khác”.
Ngoài ra, theo Grant Cardone, để biết kế hoạch tài chính của mình đã ổn chưa, ông thường tự hỏi ba câu hỏi sau: “Tôi đã đủ tiền để lo cho gia đình mình chưa?”, “Sự nghiệp của tôi đã phát triển như tôi mong muốn chưa?”, “Tôi đã có thể thoải mái đến những nơi mình muốn, ăn những món mình thích mà không phải quan tâm đến giá cả, hay chưa?”.
- Tuấn Thành