Trong gần 22 tháng qua, lực lượng quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã nỗ lực ngăn chặn cuộc nổi dậy trong nước, bạo lực nhất trong số các cuộc nổi dậy của mùa xuân Ả Rập. Theo các thống kê mới nhất, chiến sự tại quốc gia Trung Đông này đã làm khoảng 2,5 triệu người Syria bị mất nhà cửa và phải đi lánh nạn. Liên Hiệp Quốc ước tính số người thiệt mạng là hơn 10.000 người, trong đó có hàng ngàn phụ nữ và trẻ em. Và khi Syria lún sâu hơn vào tình trạng hỗn độn, một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở đất nước này khiến tình hình ngày càng căng thẳng.
Một cuộc tập trận với vũ khí thật của quân đội Syria
Chế độ của Tổng thống Assad đã nhập khẩu vũ khí từ nước Nga là một phần của các thỏa thuận từ lâu giữa hai nước. Theo Tổ chức tư vấn quân sự CAST của Nga, hiện các hợp đồng vũ khí mở giữa Nga và Syria lên đến khoảng 4 tỉ USD.
Về phía các nhóm nổi dậy chiến đấu nhằm lật đổ Tổng thống Assad họ cũng đang nhận được vũ khí từ nước ngoài, điều này khiến cuộc khủng hoảng ở Syria giống như một cuộc xung đột gián tiếp giữa các cường quốc, trong đó đường dây bảo trợ của nó không chỉ từ Moscow mà còn kéo dài qua thế giới Ả Rập và đến tận Washington.
Lợi ích của nước lớn
Nga, Mỹ và châu Âu đều có những lợi ích không nhỏ trong cuộc đấu tranh ở Syria, như hầu hết mọi giáo phái và phe phái sắc tộc ở Trung Đông. Tuy chưa có nước ngoài nào cam kết gửi binh lính, nhưng các phương tiện can dự đều thông qua một cuộc chạy đua vũ trang.
Phương Tây và các đồng minh Ả Rập cho rằng việc ủng hộ lực lượng nổi dậy là cách ít rủi ro để giữ cân bằng trên chiến trường đủ lâu để thuyết phục Assad từ chức.
Đối với châu Âu, mục tiêu thay đổi chế độ được ngầm hiểu là để cho một ống dẫn dầu có thể được xây dựng từ vùng Vịnh đến Địa Trung Hải. Đối với Mỹ, điều họ mong muốn là Iran sẽ bị cô lập khi đồng minh lớn duy nhất ở Trung Đông là Syria sụp đổ.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria bùng lên hồi đầu năm 2011, nhiều người đã đặt câu hỏi, vì sao Nga và Trung Quốc lại sẵn sàng đối mặt với các cường quốc quan trọng chỉ để bảo vệ một chế độ bị xem là tàn ác ở một đất nước nhỏ bé tại Trung Đông?
Theo các nhà quan sát, Syria là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của Nga ở khu vực Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích. Trước hết, Nga sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và vị thếở Trung Đông. Kế đến, Syria là khách hàng vũ khí lớn hàng đầu của Nga. Nếu quay lưng lại với Syria, Nga sẽ mất nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Chưa hết, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải.
Không có mấy lợi ích và ảnh hưởng ở Syria nhưng Trung Quốc lại có chung một động cơ với Nga để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad. Đó là sự lo ngại về việc các nước phương Tây can thiệp và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Nga và Trung Quốc tin rằng, nếu họủng hộ việc phương Tây can thiệp vào Syria thì chắc chắn điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu sau này.
Vũ khí đổ vào điểm nóng
Các nguồn tin của chính quyền và Quốc hội Mỹ nói rằng trong mấy tháng qua, Bộ Ngoại giao nước này đã làm việc để thiết lập mối quan hệ với các tổ chức đối lập ở Syria và đang lên kế hoạch mở cơ quan ở Istanbul để thẩm tra xem liệu các tổ chức này có các mối quan hệ với al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác hay không.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (trái) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad