Này ông, dấu hiệu để nhận biết một người đã già là gì?
Dấu hiệu để biết một “bà già” là tuổi mới ngoài bốn mươi đã gọi chồng bằng… ông.
Đối đáp như vậy xong, cô vợ xuống nước: Ừ thì anh xã yêu quý, dấu hiệu để biết một người đã già là… vẫn thích đọc báo giấy và hay cãi nhau với… cái tivi.
Chẳng phải vậy à? Em thấy anh nghe chương trình thời sự xong thấy nói tổng thống mới của nước Mỹ có hành động đầu tiên là… xóa TPP mà bao người mong chờ. Nghe xong anh nói, đó là cái việc… dễ nhất, vì Quốc hội chưa thông qua.
Hôm nay đọc bài báo dài nói về gia đình, vai trò của gia đình trong việc là pháo đài bảo vệ đạo đức con người Việt Nam chúng ta và các giá trị truyền thống.
Anh nói, cứ nói mãi điều xưa cũ chẳng có gì mới. Bài báo hùng hồn chứng minh rằng, nếu đứa con ngoan hiếu thảo yêu thương cha mẹ, quý trọng gia đình thì chẳng bao giờ đứa trẻ ấy lại có thể trở thành kẻ cướp giết người. Nếu trong gia đình, đứa con chăm chỉ lao động, có ý thức vươn lên thì ra đời chẳng thể là đứa lười biếng mưu mẹo tham lam ăn cắp của công…
Và thế là kết luận: Gia đình là tế bào xã hội. Gia đình là viên gạch xây nên xã hội. Gia đình là thành trì bảo vệ truyền thống, là cái nôi đào tạo ra con người, cha mẹ là người thầy đầu tiên…
Vợ ngạc nhiên nói: Nói như vậy đúng quá rồi, anh còn định “cãi nhau” với báo, với tivi cái gì nào?
Anh chồng gật đầu: Nói đúng chứ sao. Nhưng mà cũ quá rồi. Em biết không, nói điều dù đúng nhưng nói sáo mòn cũ kỹ cũng không thể tạo ra thái độ mới. Tế bào xã hội này nọ, đúng hết, chẳng có gì để bàn.
Vấn đề là, tại sao lại vẫn có những con người vô lương tâm, vẫn xuống cấp đạo đức? Mỗi năm không kể tai nạn giao thông, bệnh tật, số người bị giết chết lên tới cả ngàn người? Con số báo nói đấy nhé. Tức là xã hội ngày càng xuống cấp, con người ngày càng xấu xa hung bạo là do đâu?
Em sẽ nói, do… gia đình không làm tròn trách nhiệm “thành trì bảo vệ đạo đức” chứ gì? Vậy vì đâu gia đình xuống cấp, vì sao “các bậc cha mẹ… hư?”. Không dạy bảo được con cái để chúng đi giết người, ăn trộm, dối trá, lười biếng? Vậy nguyên nhân nào phá được cái “thành trì bảo vệ đạo đức”, làm ung mọt đến tận các “tế bào xã hội”?
Chẳng lẽ xã hội vô can hay sao? Xã hội không được quản lý tốt, nền giáo dục chạy theo những gì to tát mà quên cái gốc dạy cho con người nhân văn. Trung thực là đức tính cao nhất của tri thức, can đảm là đức tính cao nhất của ý chí. Yêu thương là đức tính cao nhất của nhân văn. Tình mẫu tử là yếu tố cao nhất tạo nên nhân tính.
Tất cả những thứ đó đã bị “đả thương tơi bời” trong xã hội đồng tiền. Những thứ đó sao nhà báo không nói, lại cứ đi nhấn mạnh trách nhiệm gia đình. Nói cứ như xã hội này có gì xấu xa là tội của gia đình cả? Còn xã hội có “tội” thế nào trong việc làm hỏng cái nôi rèn con người, thì không thấy nói.
Đấy, anh thấy chưa, em nói có sai đâu. Anh cãi nhau với báo, với tivi. Hễ thấy các phóng viên thường trú ở mãi Tây, Tàu gì cho biết tình hình, thì anh bảo, họ nói chẳng có gì lạ, chẳng… “hơn gì anh” ngồi ở nhà, ra cà phê với bạn bè, lên mạng, đọc báo, biết hết rồi.
Vậy mà nói rằng… triệu chứng già, là không ông nào chịu. Trong khi đó, các vị thường xuyên cãi nhau với báo chí và tivi.
Các vị biết nhiều hơn cả cái… tivi. Vậy thì xin tặng các vị mẩu chuyện cười. Một cô gái đẹp được hỏi tiêu chuẩn chọn chồng. Cô ấy trả lời, chồng lý tưởng là phải biết âm nhạc, hiểu biết nhiều lĩnh vực, thông thái, phải nhiều chuyện vui… này nọ, nhiều nữa. Người ta nói với cô: “Đòi nhiều tiêu chuẩn cao thế, thì chỉ có xin cưới… cái tivi”.
Vậy mà cái tivi bây giờ lại thường xuyên bị… mắng mỏ. Biết làm sao giờ?