Gần đến cuối năm, số liệu thống kê có thể cho chúng ta hình dung được phần nào tình hình kinh tế đất nước.
Trước hết là hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, tính chung trong 11 tháng năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tại Việt Nam là 18,103 tỉ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, số vốn FDI giải ngân được lại tăng 8,3%, vào khoảng 14,3 tỉ USD. Số dự án cấp mới là 2.240, trong khi 1.075 dự án đăng ký điều chỉnh vốn.
Trong 11 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là thu hút nhiều nhất vốn FDI, với 13,4 tỉ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là vốn vào kinh doanh bất động sản với tổng vốn 741 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba, với 685 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.
Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,29 tỉ USD, chiếm 29,2% tổng vốn FDI. Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,05 tỉ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỉ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
Về địa phương thì Hải Phòng thu hút nhiều vốn FDI nhất với 45 dự án cấp mới và 35 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỉ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư.
Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,93 tỉ USD, chiếm 10,7%. Tiếp theo trong Top 5 là Đồng Nai, Hà Nội và TP.HCM, lần lượt với các con số 1,87 tỉ USD, 1,84 tỉ USD và 1,32 tỉ USD.
Có thể kể đến một số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng năm nay.
– Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15-4-2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỉ USD, do LG Display Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư, với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng…
– Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD, do LG Innotek Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư, với mục tiêu sản xuất mô-đun camera tại Hải Phòng.
– Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư, với tổng vốn đăng ký 315,46 triệu USD.
– Dự án thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan triển khai, với mục tiêu xây dựng khu đô thị dịch vụ tại Đồng Nai.
Tính ra trong 11 tháng qua gần 3/4 vốn FDI đổ vào các ngành công nghiệp.
Trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp chịu thua thiệt nhiều. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cứ 100 đồng vốn FDI vào Việt Nam mới có 1 đồng vào nông nghiệp. Cụ thể, tính đến tháng 9-2016, cả nước đã thu hút được 518 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đạt 3,54 tỉ USD (chiếm 2,4% tổng số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư của tất cả các lĩnh vực). Quy mô vốn trung bình của dự án FDI trong ngành nông nghiệp là khoảng 6,7 triệu USD/dự án.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng dòng vốn FDI vào ngành nông nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu của ngành.
Thực tế, vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: năm 2012 chiếm 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%, năm 2014 chiếm 0,5% và đến năm 2015 mới chiếm 1%.
Việc phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều, khi các dự án chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn ít.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, muốn thu hút vốn FDI, ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn.
“Việc thu hút những doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đồng thời sẽ giúp Việt Nam sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, tạo thêm nhiều việc làm và đưa cách thức quản lý tiên tiến ứng dụng vào ngành nông nghiệp” – Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.
Thời gian vừa qua, một số các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến các dự án nông nghiệp tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chuẩn bị những dự án để hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên thực tế số dự án mà hai bên có thể tiến tới cùng đầu tư kinh doanh còn chưa nhiều.
Điều khá bất ngờ là dù bị tác động của các yếu tố liên quan đến môi trường biển, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đạt khoảng 8,07 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 92,8% kế hoạch năm 2016.
Tuy số lượng khách tháng này có sự sụt giảm, nhưng căn cứ vào tính chất mùa vụ khách quốc tế đến Việt Nam thì ngành du lịch vẫn có thể đạt được chỉ tiêu số lượng khách quốc tế là khoảng 8,7 triệu lượt khách quốc tế.
Về thị trường khách quốc tế, du khách châu Á có xu hướng giảm trong khi các thị trường khác đều có mức tăng nhẹ. Cụ thể, tổng lượng khách châu Á đến Việt Nam trong 10 tháng ước đạt 5,87 triệu lượt khách, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách từ thị trường Đông Á không tăng đáng kể. Khách Trung Quốc, Đài Loan chỉ tăng trung bình 2,05%, trong khi thị trường khách thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức giảm đáng kể.
Đặc biệt, thời gian này bước vào mùa cao điểm của du lịch khách châu Âu tới Việt Nam, do vậy lượng khách châu Âu ước tăng 6,9% so với tháng trước. Số lượng khách châu Âu trong 10 tháng ước đạt 1,27 triệu lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, lượng khách từ các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý) được miễn thị thực theo Nghị quyết số 46 của Chính phủ ước tăng mạnh do những hoạt động quảng bá của ngành du lịch đối với thị trường này.
Khách du lịch đến từ Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy với mức tăng bình quân 34,58%. Thị trường châu Mỹ tăng 16,6% so với tháng trước.
- Gia Minh
Xem thêm:
- FDI: điểm sáng còn nhiều thách thức
- Năm tháng đầu năm, TP.HCM thu hút FDI được 1,37 tỉ USD, tăng 45,8%
- Vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt 345,5 triệu USD