Tôi tối kỵ với phây. Mua cái áo mới, diện vào, lên phây. Ăn gì, nấu gì, lên phây. Trong tiệm ăn, bà mẹ quát thằng con khoảng sáu, bảy tuổi đang chọc em gái: “Đầy bàn rồi nè, không lo chụp hình đưa lên phây đi”. Cô ấy chưa nói con ăn, mà nói nó lên phây mời ảo bà con bạn bè và cả người dưng những món mình sắp xơi thiệt cái đã. Kiểu cúng ông bà, nhưng cũng chẳng hưởng được mùi. Cho nên nghe nói phây là “cái chợ trời”, ngại. Nhưng chuyện ghét đó là đời xưa rồi, cái thời mới “biết một” mà chưa “biết hai”.
Biết hai là vì tình cờ nghe những tin mà chỉ phây mới có, là các bài viết công phu trí tuệ, lại hiện diện ngắn gọn, có thể đọc qua cho biết “tình hình rất là tình hình” tới cỡ nào trong dăm mười phút, có bàn ra tán vào, thì cũng tiện. Và cũng hiểu hơn “con người thời đại”. Vậy là tôi nhờ đứa cháu “tậu” cho một cái phây, chỉ đọc tin thôi, chẳng tìm bạn bốn phương, chẳng khoe áo khoe quần hay hàn huyên tâm sự. Đúng kiểu đọc báo.
Đọc, gặp bình luận vui thì được một mẻ cười là coi như xơi mười thang thuốc bổ miễn phí. Cập nhật từng giây phút. Tin nóng hổi vừa thổi vừa đọc, thẳng thắn, gan góc bởi toàn là “phóng viên nhân dân”, nói năng không cần cong lưỡi, viết không cần lách, không có chỉ thị, không bao bì. Cho nên họ luôn “đi trước thời đại”, báo chính thống chỉ lặp lại một số tin mà phây từng bàn tán đã đời rồi, đang cho bà con “phượt” nhiều tin giật mình khác rồi. Còn phần lớn thì báo chính thống không hề nhắc tới, có tin còn nêu nguồn lấy từ Facebook! Hiểu tại sao thiên hạ thích phượt phây. Trễ còn hơn không bạn nhé. Có lần nghe một cụ bà tám mươi ở Hà Nội phượt phây, phục quá, cả chục năm sau mình mới bắt chước để xứng mặt… “em hào” của cụ.
Như phần đông huy chương nào cũng có mặt trái, phây cũng có, dù chủ yếu báo động cái gì không “đúng quy trình”, kêu cứu chuyện khẩn trương, nêu thắc mắc điều gì hơi bị lạ, thường với tư cách người dân nêu lên với chính quyền, v.v… mà điện thoại cũng không nhanh chóng thuận tiện bằng, hoặc những điều mà “vô phây” thì vô phương.
Dù sao đây là mạng xã hội, công cộng, bất kỳ ai cũng có tiếng nói, tự do, chín người có tới mười ý lận, thì làm gì mà chẳng có “mặt trái”. Nhưng ví dụ đọc sách hay đọc tin chẳng khác nào tìm bạn, cũng đều phải chọn. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có tin vịt, nhưng nó sẽ tự biến mất, sẽ bị phây-búk-cơ (facebooker) đào thải.
Riêng tôi thì từ ngày phượt phây, biết được rất nhiều điều mà nếu chỉ nhắm theo sách vở hay truyền thông chính thống thì hy vọng kiếp sau chưa chắc biết, vì lịch sử càng ngày càng dài, nếu giữ hết thì e… thiếu giấy. Cho nên cái gì không tiện cho ta thì cứ cắt ngọt nó đi. Phây cũng cho ta xem nhiều video hoặc hình ảnh rất thú vị và cái thú vị nhất có lẽ là kể cho người “vô phây” nghe để nhận được cái nhìn đồng lõa.
Có những bình luận của học sinh về lịch sử, về xã hội “đúng theo sách vở” đến mức ngớ ngẩn, để rồi người ta chê bai những bình luận đó, dè bỉu “coi giáo dục bây giờ như vậy đó”… Nhưng xin lỗi, đừng cái gì cũng đổ thừa giáo dục. Bởi những người làm trong ngành giáo dục chưa hẳn là ai cũng có giáo dục, và nếu có, thì con đường giáo dục luôn chật hẹp quanh co, còn con đường internet thì thênh thang, dù tùy cái phải chịu khó bắc thang leo tường lửa mới vào được. Những trẻ tự học ngoài đường thường khôn hơn, già dặn hơn trẻ ngoan mài đũng quần trên ghế. Và thời buổi công nghệ thông tin như ngày nay mà không biết tự học thêm thì lỗi của mỗi người. Internet không phải chỉ dùng để chơi game, nghe nhạc hay theo sát gót các siêu sao. Chỉ tại học sinh không hề tham khảo bất cứ thứ gì ngoài sách giáo khoa, thì đúng là lỗi hoàn toàn của ngành giáo dục – bởi vì hình như ngành giáo dục hiện tại thì chẳng ai khen. Nhưng quyển bách khoa toàn thư về mọi chủ đề, bộ óc vạn năng có thể dạy ta và lý giải mọi điều, sự tự do không bến bờ và tính phóng khoáng tận tình truyền đạt cho ta không giấu giếm… là internet. Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Gu Gồ. Có người nói ông Gu Gồ và đồng nghiệp “là công cụ tuyệt vời để giải ngu hiệu quả”. Ai cũng có thể học miễn phí, tha hồ.
Ngoài chuyện “giải ngu”, các mẹ mà phượt phây cũng sẽ giải quyết được vài thắc mắc ẩm thực. Ví dụ ngại nước mắm ngộ độc ư, thì trên phây có nước mắm sản xuất kiểu gia đình. Kiểu này không dám làm ẩu đâu, vì nếu không nghiêm chỉnh là bị “phây thủ” bao vây trong một ngày là tiêu tan sự nghiệp. Hoặc tội gì bỏ tiền mua bánh trung thu từ đâu đâu của năm ngoái cải biên, trên phây sẽ có bánh trung thu cây nhà lá vườn an toàn, ngon lành đẹp mắt.
Ngộ cái, nhiều người thích được khen, được thiên hạ lưu tâm quá thể, nên có những lời phàn nàn buồn cười. Ví dụ một nhà giáo viết: từ nay ai không “like” những gì ông viết thì ông sẽ “unfriend”, là cắt cầu, vì “like” thì cũng như lời chào hỏi. Một em giải thích thầy ơi thông cảm, vì nhiều bạn không có máy, cả tuần mới ra tiệm một lần… Mình là ma mới, dốt, nên hơi ngạc nhiên. Cứ tưởng “like” là khi nào người đọc thấy đồng cảm, thấy thích mới “like” chớ, tự điển Anh – Việt giải nghĩa rõ ràng “Like” là “Thích” mà. Và điều này thì cần gì “friend” hay học trò mới “like”, cứ viết hay ho đúng đắn thì thiếu gì người “like”, tại sao phải bắt bí làm khó học trò hay bạn?
Vì những “chuyện độc” thường là đúng, mới khổ, nên có lời khuyên chân tình: nếu bạn là người ưu thời mẫn thế, Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha kiểu Lục Vân Tiên, thì đừng phượt phây, hoặc nếu phượt thì xong rồi chỉ nên phì cười và nghĩ “toàn là chuyện như đùa”. Chẳng mấy thuở có chuyện hỉ hả vỗ đùi kiểu Kim Thánh Thán “cũng chẳng khoái ru” đâu!
Tại vì phây mà, có phải “phây phây” đâu mà khỏe!