Từ Budapest, tôi quá cảnh ở Madrid rồi bay tới Havana, lần đầu tiên đặt chân đến đất nước thuộc quần đảo Caribbean. Cho tới lúc này, ấn tượng của tôi về Cuba chỉ có hai thứ: bốn câu thơ Tố Hữu học hồi tiểu học và màn đua xe ngoạn mục của Vin Diesel trong Fast and Furious 8.
“Em ạ, Cuba ngọt lịm đường
Mía xanh đồng bãi biếc đồi nương
Cam ngon xoài ngọt vàng nông trại
Ong lạc đường hoa rộn bốn phương”
Nếu như tuổi thơ của ai cũng có một góc mơ mộng nho nhỏ thì bốn câu thơ này cũng từng là một trong những góc mộng mơ tôi để dành cho mình. Giờ thì tôi đã quá già để còn có thể lãng đãng, nhưng phải thừa nhận rằng ấn tượng đẹp đầu tiên bao giờ cũng thật đậm sâu. Mà thôi, Tố Hữu chắc viết mấy câu thơ kia khi ông ấy đang rong ruổi ở một nông trường xã hội chủ nghĩa nơi vùng quê xa xôi nào đó, còn tôi thì vừa đến thủ đô Havana nên màn đua xe điên loạn của Vin Diesel có vẻ liên quan hơn.
Từ sân bay quốc tế José Martí nhỏ và cũ kỹ, tôi đón taxi về nội thành trên một chiếc xe cũng nhỏ và cũ kỹ sặc mùi dầu máy. Nghĩ thật buồn cười. Một đất nước nổi tiếng về các dịch vụ công, về lý tưởng công, nhưng ngay những phút đầu tiên sau khi đặt chân tới tôi phải thuê một chiếc taxi tư để về nơi trọ. Ở đây không có chiếc xe buýt công cộng nào. Giá taxi lại khá chát, 30 euro cho chặng đường hơn nửa tiếng. Có thể là do xăng dầu ở đây mắc mỏ, và cũng có thể do dân ở đây chẳng mấy ai đi taxi.
Tôi về tới căn hộ airbnb ở quận Vedado thì trời cũng đã chạng vạng. Ở đây người ta gọi những căn hộ cho khách thuê kiểu này là casas particulares, tức nhà tư nhân được chính phủ cho phép làm dịch vụ lưu trú. Xavier chủ nhà là một anh chàng người Cuba trạc ba mươi có mái tóc hoe vàng, da trắng, sống mũi cao thanh tú. Khi vào nhà Xavier qua cửa chính, chúng tôi đi ngang phòng khách nơi vợ con anh ta đang dùng cơm tối. Họ vừa ăn vừa xem youtube phát những bài hát nhi đồng bằng tiếng Anh quen thuộc mà cháu tôi ở nhà cũng hay nghe. Xavier đưa tôi về phòng riêng, phòng có một ban công biệt lập rộng rãi ngó ra đường. Tôi cất hành lý xong bèn bước ra ngoài hóng mát. Bên kia đường, một đám người đứng xếp hàng dài thật dài trước một khuôn viên khá rộng hình tròn, vừa giống công viên vừa như một nhà hàng lớn. “À, đó là quán kem Coppelia nổi tiếng của nhà nước do Fidel Castro lập ra đấy”, Xavier giải thích. “Nhiều khi phải xếp hàng chờ một hai tiếng mới được vào trong ngồi để có suất kem”. Tôi rụt vai, tuy cũng tò mò muốn thử nhưng chịu thua. Thứ duy nhất có thể khiến tôi xếp hàng và tự bưng bê là món phở 49 Bát Đàn ở Hà Nội, và sức kiên nhẫn của tôi chắc cũng chỉ tối đa nửa tiếng.
Sáng hôm sau thức dậy, việc tôi cần làm đầu tiên là đi đăng ký ngay một cái sim internet. Đường sá buổi sáng cũng vắng vẻ nhàn tản, không có kiểu không khí chộn rộn ồn ã điển hình của một thành phố lớn. Tới văn phòng nhà mạng, tôi thấy đã có một hàng người đứng dưới chân cầu thang chờ đến lượt được gác cửa gọi vào. Đi đâu cũng thấy xếp hàng. Tôi loay hoay vụ sim sủng cũng mất gần hết buổi sáng. Khi mọi chuyện thu xếp xong xuôi, tôi đi ra hướng biển chỗ đại lộ Malecón để tìm nơi dùng bữa trưa. Những con đường thênh thang vậy mà trống huơ không có mấy hàng quán, nên khi tìm được một nhà hàng tương đối nhỏ nhưng chỉn chu tôi liền ghé vào ngay. Bên trong nhà hàng, Mariah Carey đang nức nở mấy bản ballad phổ biến thời thập niên 90 khiến tôi đâm nghi ngờ thái độ bài Mỹ của dân Cuba. Chỉ nội trong một ngày ngắn ngủi tôi đã thấy từ nhi đồng đến người lớn xứ này đều chuộng nghe loại nhạc của đất nước “kẻ thù”.
Tôi gọi một phần cơm trưa kèm cá chiên và một chai bia. Thức ăn dọn ra khá khiêm tốn, dùng xong bữa tới lúc tính tiền tôi cũng khá bất ngờ với cái bill 17 đô la đắt lòi. Dù chỉ mới ngày thứ hai ở Havana, tôi không thôi ngỡ ngàng với những thứ logic nhảy lưng tưng, nhất là khi liên quan đến chuyện tiền bạc. Ở xứ này, một euro và một đô la có giá trị như nhau. Khỉ thật, trước khi nhập cảnh tôi phải cố đổi lấy một mớ euro tiền mặt vì sợ ở đây thù địch với Mỹ không chịu dùng đô la, cuối cùng tính già hóa non lãnh đủ thiệt thòi tỷ giá. Chưa hết, tuy tỷ giá “quy ước” ở các điểm giao dịch chui trên đường phố là một đô la ăn 180 peso, nhưng nếu tôi dùng peso để thanh toán cho những món đồ niêm yết bằng đô la thì tỷ giá là 200 ăn 1, còn nếu lỡ kẹt không còn peso mà phải móc đô la ra mua đồ thì mỗi đô la chỉ có giá trị 120 đồng bản địa. Những logic lắt léo này ắt khiến dân du lịch hay dùng tiền mặt phải ứa gan. Đó là chưa kể trước kia peso cho dân bản địa và peso cho khách nước ngoài là hai loại tiền khác nhau được lưu hành song song, ai lơ ngơ không biết điều kỳ quái này thường bị kẻ xấu ở chợ đen lừa gạt.
***
“Xin mời khách tiếp theo!”. Cô bé nhân viên trẻ trung có làn da bánh mật mịn màng, tóc bện thừng dõng dạc cất tiếng. Thật ra cô nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong khi tôi thì không biết một chữ bẻ đôi, nhưng tôi đoan chắc là cô đã nói “xin mời khách tiếp theo”. Khi cô mở hé cánh cửa kính tôi liền len vào, phía sau lưng vẫn còn cỡ chục người kiên nhẫn đứng xếp hàng dưới cái nắng trưa nóng nực. Bên trong cửa tiệm chỉ lác đác vài mặt hàng đặt trên các dãy kệ, chủ yếu là bột giặt, nước trái cây đóng chai, bia, rượu rum, đậu hộp, nui khô. Mỗi thứ chỉ đúng một mẫu, cùng kiểu dáng cùng loại bao bì xếp thành hàng dài khiến cho chỗ này giống một nhà kho chứa đồ hơn là một cửa hàng tiện lợi. Điểm cộng duy nhất là máy lạnh phả mát rượi, bước vào như được lên thiên đường. Tôi hơi thắc mắc, không hiểu vì sao người ta luôn phải xếp hàng ở ngoài trong khi bên trong vẫn có đủ không gian cho thêm nhiều người nữa. Tôi với tay lấy một chai nước suối và một hộp nước trái cây. Tại quầy thanh toán, họ bày thêm một tủ kính loe hoe vài gói bánh quy, thứ tôi luôn thấy tràn lan ở khắp các cửa hàng tiện lợi trên thế giới, trừ thành phố này.
Tôi đưa mấy tờ peso. Người trực quầy xua tay, nói bằng thứ tiếng Anh bập bẹ: “Ồ, đây là cửa hàng cashless không dùng tiền mặt. Chúng tôi chỉ chấp nhận thanh toán thẻ”. Cũng tân tiến đó chứ, tôi nghĩ, đoạn đưa thẻ tín dụng ra. Rủi thay, máy báo lỗi. Tôi bèn đưa cái thẻ sơ cua, máy vẫn báo lỗi tiếp. Quái, đây là hai cái thẻ tôi vẫn dùng thường xuyên. “Xin lỗi anh nhé, nhưng chúng tôi không thực hiện giao dịch được”, người nhân viên đứng quầy nói. Điều đó có nghĩa là tôi không thể mua được thứ tôi đang rất muốn mua: chai nước. Tôi đành bỏ mấy món đang cầm trên tay lại quầy, tiu nghỉu bước ra. Người nhân viên nhìn tôi vẻ thương hại: “Thông cảm nhé, hạ tầng tài chính ở nước chúng tôi còn tệ lắm”.
Tôi bước trở ra ngoài. Cái nóng như thiêu như đốt lại phả vào mặt làm tôi khát khô họng. Cả buổi trưa lang thang ven lộ Malecón nổi tiếng cặp bờ biển ở Havana, nơi người ta từng quay những cảnh ngoạn mục trong Fast and Furious 8, tôi không thấy gì ngoài những dãy nhà kiến trúc châu Âu cũ kỹ, vài nơi đổ nát đang chờ tu sửa. Ở đó không có tiệm tạp hóa hay cửa hàng tiện lợi nào, chỉ là những mặt tiền ngó biển trống vắng đìu hiu. Lúc thấy hơi mệt và khát vì cái nóng, tôi rẽ phải vào đại lộ Prado dẫn tới quảng trường trung tâm. Tôi đã mừng húm khi thấy một cửa hàng tiện lợi, nhưng trớ trêu thay, đó là một cửa-hàng-không-tiền-mặt trên một nền hạ tầng rất không-thân-thiện với các loại thẻ.
Rời khỏi cửa hàng vô dụng kia, tôi tiếp tục nhịn khát đi dọc phố Prado. Con phố sạch sẽ lót đá hoa cương nhẵn thín và hàng cây xanh mát, hai bên là những tòa nhà san sát, kiến trúc đa dạng nhiều màu sắc. Đi hết con phố là đến quảng trường trung tâm, trái tim của Havana. Nơi đây có nhà hát lớn quốc gia, tòa nhà quốc hội, mấy khách sạn năm sao, toàn những công trình bề thế lộng lẫy khiến tôi tưởng mình vừa mới lạc trở lại Châu Âu. Dọc hành lang lộ thiên của các khách sạn, khá đông khách Tây ngồi uống bia hoặc chanh rum pha đá để xua đi cái nắng nóng. Ngoài đường có rất nhiều xe hơi cổ, chiếc nào cũng vài chục tuổi đời, sơn phết đủ màu sắc sặc sỡ chạy đi chạy lại như mắc cửi.
Từ nhà hát lớn Havana tôi đi băng qua công viên trung tâm. Sau lưng công viên là khách sạn Manzana Kempinski nguy nga, gần cạnh đó có quán rượu El Floridita nổi tiếng nơi đại văn hào Hemingway thường xuyên lui tới lúc sinh thời. Thế nhưng, chỉ cần đi thêm chừng trăm mét ra phía sau quán rượu là cả một thế giới khác. Ở đó có những con đường bàn cờ đan xen chằng chịt, những dãy phố toàn nhà tập thể hai ba tầng xây san sát đa phần đã cũ kỹ xập xệ. Trong tôi bỗng dậy lên một cảm giác lo ngại kỳ lạ. Dù đã lăn lóc qua bao nhiêu thành phố dơ bẩn, lộn xộn, bát nháo ở Nepal hay Ấn Độ, không hiểu sao tôi thấy những nơi đó lại không có vẻ nguy hiểm đe dọa ngấm ngầm như những ngõ phố sâu hun hút đan xen chằng chịt này. Trời cũng đã tối, tôi bèn lui trở ra khu quảng trường trung tâm rồi lần ngược tới đại lộ Malecón và trở về nơi trọ.
***
Hôm sau tôi lại mò tới quảng trường trung tâm, nhất định muốn lang thang một vòng cho biết những xóm lao động đó. Lần này rút kinh nghiệm, tôi mang theo đủ bánh trái và nước uống vì việc tìm được một tiệm tạp hóa ở Havana là không dễ. Chẳng hiểu hàng ngày người ta sinh hoạt thế nào, nhưng tôi thấy việc buôn bán giao dịch ở đây khá hạn chế. Thứ được bán phổ biến nhất có lẽ là rượu và thuốc lá, đó là chưa kể mấy gã cò đường phố hay tiếp cận mời chào đổi ngoại tệ hoặc xì gà.
Trong mấy ngày ở Havana tôi dường như là gã Á châu duy nhất. Lắm lúc tôi mong được thấy bóng dáng một lữ khách người Nhật cũng lang thang trên đường như tôi, nhưng dường như người Nhật đã chán không còn muốn đi du hành thế giới nữa. Người Trung Quốc vốn nhan nhản khắp nơi cũng chẳng thấy đâu. Khi nghe nói Havana có Chinatown tôi đã tò mò tìm đến. Nhưng thật không thể tin được. Ngoài cái cổng chào đúng kiểu Chinatown to vật, ở đó chỉ có lác đác vài nhà hàng bán đồ ăn Tàu mà từ quản lý đến phục vụ bàn đều là dân bản xứ. Thật ra Chinatown còn có cả một trung tâm sinh hoạt cộng đồng kiến trúc bên ngoài đặc Hoa, cũng ngói sơn đỏ chót cũng trang trí rồng phượng, nhưng lúc tôi tới thăm, bên trong đang có một lớp wushu mà cả sư phụ, học trò và nhóm phụ huynh ngồi dự khán không có ai gốc Á hết. Khi đi trên đường, tôi phải dần tập làm quen với những ánh mắt nhìn mình chằm chằm. Thi thoảng có ai đó hét lên “Chinos!” tức “Ê thằng Tàu”, tôi liền đáp lại “No, Vietnamita!”. Và hầu như lần nào cũng vậy, hai chữ Việt Nam hệt như câu thần chú có sức thay đổi kẻ đối diện, đang từ vẻ phân biệt kỳ thị chuyển ngay sang thân thiện. “Ah, Vietnamita! Fidel Castro – Ho Chi Minh, friend friend. America, boom boom. Vietnam good!”. Rõ ràng cho đến mãi tận bây giờ, “kẻ thù” đế quốc Mỹ năm nảo và thể chế cộng sản vẫn là điểm chung giữa hai người anh em Cuba – Việt Nam.
Nắng trưa gay gắt. Tôi ngồi nghỉ chân ở một công viên nhỏ gần Chinatown, phía sau lưng khu vực tòa nhà quốc hội bề thế. Một cậu thanh niên bán thứ nước giải khát gì đó đủ màu xanh vàng đỏ ngồi cạnh bên trên băng ghế cũ kỹ, chiếc xe chở quầy nước mini di động của cậu ta đỗ cặp vỉa hè ngay trước mặt. Cậu thanh niên nói một tràng tiếng Tây Ban Nha. Tôi ra hiệu không hiểu, cậu ta bèn móc điện thoại ra nói vào google dịch:
“Trời nóng quá, anh dùng bịch nước giải khát nhé?”
Bình thường tôi không bao giờ đụng đến món nước đủ màu kiểu này. Nhưng giữa trời trưa nắng đổ lửa như bây giờ nó quả có sức hấp dẫn thật. Những bịch nước màu làm tôi nhớ đến thời còn là học sinh cấp một, trước cổng trường có ông già đi chiếc xe đạp lọc cọc phía sau yên chở thùng kem đá, bọn tôi vét túi lấy ra những đồng năm mươi xu quý giá mỗi đứa mua một bịch, và cứ thế say mê mút mát thứ kem đầy phẩm màu đó.
Tôi mua bọc nước giá rẻ bèo. Cậu thanh niên tiếp tục bắt chuyện với tôi qua google dịch. Tôi nhìn vào màn hình điện thoại, có hơi bất ngờ với lời đề nghị của cậu ta:
“Anh có muốn phang gái không? Gái ở đây rất đẹp và rẻ nhé”.
Tôi cười cười:
“Đẹp là đẹp như nào? Và rẻ là rẻ cỡ nào?”
“Đẹp cỡ cô bé này này”, cậu ta chỉ tay về một cô gái mặc áo thun ba lỗ có nước da sô cô la mịn màng, vóc dáng cực kỳ thon thả, tóc xù bung xòe, tai đeo headphone mới đi vụt ngang qua. Rồi cậu ta huýt sáo đuổi với theo cô gái, bộ dạng khá ngổ ngáo. Tôi nhìn cậu chàng, không, tôi đang không có hứng phang phập gì giữa trời trưa nắng điên loạn như này. Cậu ta lại tiếp tục sấn sổ với những mẩu hội thoại qua google dịch, toàn những câu chuyện nhảm nhí để cuối cùng dẫn về vấn đề phang gái. Ban đầu tôi cũng định cố trò chuyện với cậu chàng, sau đành phải đứng dậy bỏ đi để không bị quấy rầy mãi.
Tôi đi loanh quanh những con đường bàn cờ dọc ngang chằng chịt. Khu vực gần quảng trường trung tâm vẫn còn khá đông đúc. Ở đó có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng, quán ăn nhỏ phục vụ du khách, chủ yếu là khách Tây. Họ chơi nhạc latin rộn rã, cười nói hát hò ầm ĩ. Ngoài đường, bọn cò mồi đổi ngoại tệ và bán xì gà lượn vo ve như ruồi. Vài góc phố có mấy sạp xe đẩy bán trái cây, trên đó bày những loại quả quen thuộc như bơ, đu đủ, chuối, xoài nhưng toàn chín nẫu hom hem nhìn không được tươi ngon cho lắm. Càng đi sâu vào bên trong khu bàn cờ phố xá càng thưa. Bên bậu cửa, mấy ông già kê bàn xịch ra mé ngoài đường vừa chơi cờ vừa uống rượu. Phụ nữ đa phần da sẫm màu mặc những chiếc váy hoa sặc sỡ, hoặc tụm năm tụm ba tán chuyện phiếm hoặc ngồi chống cằm thẫn thờ trước hiên nhà. Bên vệ đường, mấy chiếc xe hơi đời cổ lai hy sơn màu hồng màu cam màu xanh lá phủ đầy bụi nằm ngái ngủ giữa ban trưa. Dưới đất con nít vô tư đùa giỡn lấm lem, còn trên trời áo quần phơi ngoài ban công nhà tập thể bay lượn phấp phới. Vài góc phố rác rưởi chất đống, mùi rác lưu cữu lâu ngày bốc lên thum thủm dưới cái nắng hè nồng nực. Nói chung nơi này không khác gì mấy xóm lao động phức tạp ở Việt Nam, nhưng thay vì nhà mái tôn lụp xụp thì là những khối nhà tập thể hai ba tầng cũ kỹ theo kiến trúc thuộc địa, thay vì nhạc bolero não nề thê thiết thì là nhạc latin tưng bừng rộn rã.
Tôi tiếp tục đi loanh quanh. Rồi giữa những con phố tồi tàn đó, sau vài ngả rẽ quanh co, tự nhiên tôi lạc qua một quảng trường nhỏ xinh xắn kiểu Châu Âu sân lót đá sạch sẽ. Giữa quảng trường là ngôi giáo đường và tháp chuông theo kiến trúc baroque xinh đẹp, xung quanh vắng lặng yên bình. Từ quảng trường lại mở ra những ngõ nhỏ đi đến những công trình kiến trúc baroque xinh đẹp khác, tất cả được xây dựng từ thế kỷ 18 thời thuộc địa Tây Ban Nha. Havana thật biết tạo ra những bất ngờ. Đang ở quảng trường trung tâm sang trọng hoành tráng thoắt cái lạc vào những con phố bàn cờ khu lao động nghèo nàn bẩn thỉu, rồi trong lòng khu phố đó thoắt cái lại có những công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo và trang nhã.
Tôi ngồi chơi dưới bóng mát trong khu Havana cổ tới khi nắng dịu xuống rồi mới đi trở ngược lại quán bar El Floridita. Trên đường đi, ngay góc một nhà thờ cũ kỹ xập xệ tôi gặp một ông già bán vé số trạc bảy mươi. Ông có dáng người nhỏ thó ốm yếu, tay chống gậy, đầu đội chiếc nón kết cũ, áo cộc tay màu cháo lòng. Ông mời tôi tờ vé số. Khi biết tôi là người Việt Nam, ông nắm vai tôi thật chặt: “Để tôi hát tặng cậu một bài”, đoạn cởi khẩu trang ra lộ chiếc miệng móm răng rụng gần hết. Tôi nghĩ cái giọng phều phào của ông chắc chỉ đủ nghêu ngao một bản dân ca ngắn để tặng tôi. Vậy mà khi ông cất lời, không chỉ tôi mà cả những người đang đi xung quanh đều giật mình. Ông ngân một bản opera cao chót vót, giọng vang rền hào sảng, như thể vỉa hè ông đang đứng là sân khấu nhà hát quốc gia vậy. Chứng kiến tận mắt mà tôi vẫn như không muốn tin tiếng hát đẹp đẽ sang trọng nhường kia lại có thể phát ra từ cơ thể gầy gò ốm yếu của một ông già bảy mươi miệng móm sọm.
“Đất nước của tôi luôn có những bất ngờ, đúng không”, một cậu thanh niên trẻ đứng gần tôi cười hỏi. Tôi gật đầu đồng ý với cậu ta. Havana tạo cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những logic cứ xoay theo vũ điệu tít mù, buồn vui lẫn lộn. Chàng thanh niên tên Carlos, là sinh viên khoa lịch sử đại học Havana. Sau khi chào tạm biệt ông lão bán vé số, Carlos rủ tôi đi thăm một khu nghệ thuật đường phố ở gần trường cậu ta.
Chúng tôi ghé Calle Jon de Hamel. Ở đó có những bức vẽ graffiti, nghệ thuật sơn tường và những tác phẩm sắp đặt của các nghệ sĩ đường phố theo phong cách mạnh mẽ phóng khoáng có chút cuồng dại của Mỹ Latin. Carlos rủ tôi vào một quán nước, gọi món mojito mà ở đây người ta gọi là Cuba libre để giải khát. Tôi vui vẻ đi theo cậu ta. Mấy ngày ở Havana tôi vẫn chưa có dịp chuyện trò thực sự với một người bạn bản xứ nào. Xavier chủ căn hộ nơi tôi ở thì vô cùng bận rộn, cậu ta cứ đi suốt.
Carlos hai tám tuổi, nói tiếng Anh tốt, học đại học hơi trễ. Cậu ta có một người anh trai hiện đã qua Mỹ sống theo đường vượt biên.
“Kể cho tôi nghe đi, có thật là người Cuba khi vượt biên bằng đường biển, hễ chạm được chân xuống đất bên đó là sẽ được Mỹ chấp thuận cho nhập cảnh, còn nếu vẫn còn lênh đênh trên mặt nước, dù đã sát bờ vẫn bị tuần duyên Mỹ đuổi về?”
“Thật là như vậy đấy, anh trai tôi chính là một ca điển hình”, Carlos trả lời. “Florida chỉ cách Cuba trên dưới một trăm dặm, và nhiều người ở đây đã cố thử tìm vận may cho giấc mơ Mỹ từ chính sách chân ướt chân khô đó”.
“Nói thật với cậu, ở Việt Nam tôi đã từng được nghe rất nhiều câu chuyện hay ho về chính sách an sinh xã hội của Cuba, không chỉ từ báo chí tuyên truyền chính thống. Nhưng vì sao mọi người vẫn cứ bỏ đi vậy?”
“Chắc anh cũng biết, phàm cái gì miễn phí thì khó mà tốt được”, Carlos thở dài. “Như tôi đang học đại học, tất cả đều miễn phí, tôi không tốn một đồng nào hết. Mà nghĩ tới cảnh ra trường, dù sẽ được sắp xếp việc làm nhưng với mức lương ba cọc ba đồng không đủ sống tôi cũng không rõ tương lai sẽ ra sao nữa”.
“Thu nhập có thể không cao nhưng bù lại các cậu được thụ hưởng dịch vụ y tế miễn phí. Sống một cuộc đời giản dị, không lo bệnh tật thuốc men, tôi nghĩ đó cũng là một cuộc sống hạnh phúc mà nhiều nơi khác mong muốn đấy chứ?”, tôi vẫn thắc mắc.
Thật vậy, dịch vụ y tế miễn phí ở Cuba là điều luôn khiến tôi thích thú tò mò. Mấy hôm trước, tôi cố thử ghé vài bệnh viện công ở Havana định xem thực hư bên trong thế nào. Tôi đã đến Hermanos Ameijeiras, tòa cao ốc bề thế nhìn ra vịnh biển Malecón, và tôi cũng ghé General Calixto Garcia, nơi có bức chân dung Che Guevara to đùng dựng ở trước cổng. Chỉ tiếc, vì là người nước ngoài nên tôi không vào được.
“Y tế ở đây vẫn miễn phí cho người bản xứ mà anh. Nhưng vấn đề là đội ngũ bác sĩ thì đông mà y cụ thuốc men thì thiếu”, nói đoạn Carlos chỉ tay về một người đàn ông đeo một cái rương nhỏ đang đi lởn vởn bên ngoài quán. “Anh nhìn mà xem, ông ta bán thuốc chợ đen đó. Anh có thể hỏi mua từ viên aspirin thông thường cho đến biệt dược. Ở đây đang vận hành theo cách như vậy đấy, nhất là những năm về sau này”.
Carlos còn kể thêm về chuyện đội ngũ y tế tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế của Cuba trong mùa covid, nhiều người trong số đó đã không quay trở lại quê nhà sau khi nhiệm vụ kết thúc. “Nhưng truyền thông chính thống sẽ không bao giờ nói những chuyện ấy đâu. Trên mặt trận thông tin, họ phải là những người anh hùng”, cậu ta thở dài, “dù là những anh hùng đói kém”.
Tôi chăm chú lắng nghe Carlos tâm sự, cũng không quá khó để hình dung những điều đang xảy ra. Nhưng cuộc sống ở đây vẫn cứ trôi. Bên cạnh những người hay suy tư như Carlos, rất nhiều người vẫn vui vẻ với cuộc đời vô tư không sầu lo hiện tại của họ, với rượu rum, với điệu nhảy bất tận cùng tiếng nhạc dập dồn rộn rã. Chia tay Carlos, tôi giành phần thanh toán tiền. Chúng tôi mỗi đứa uống hai cốc mojito nhỏ xíu, tổng cộng 20 euro, đắt gấp năm lần giá bình thường. Carlos là sinh viên nghèo, nhưng cậu ta có vẻ rất quen thuộc với nơi này. Ngay từ lúc bước vào tôi đã thấy điều đó. Vậy cậu ta có phải là người tử tế không, và tôi nên tin bao nhiêu phần trong những điều cậu vừa chia sẻ? Nhưng thôi, tôi vẫn vui vẻ đón nhận mọi nghịch lý bất ngờ mà Havana đã dành cho tôi, tới tận lúc này.
- Xem thêm: Bogotá. Chút lãng mạn hiểm nguy