Cũng không nghĩ một ngày nào tôi đó sẽ gặp lại Jim, mà lại ở một nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất như thế này. Jim là sếp cũ của tôi cách đây hơn chục năm. Khi đó chúng tôi cùng làm việc cho một tập đoàn lớn có trụ sở ở Sài Gòn. Làm chung một thời gian, tôi chuyển bộ phận rồi sau đổi việc qua mấy công ty, còn Jim cũng trở về nước làm ở tổng hành dinh. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là ở đám tang ba tôi, cách đây bảy năm. Và giờ tôi sắp gặp lại anh ấy tại Bogotá, thủ đô Colombia.
Tôi đi taxi từ chỗ trọ đến văn phòng nơi Jim làm việc cách đó 12 km. Tôi ở trung tâm phố cổ, nơi có những dãy nhà thấp tầng và những con đường lót gạch đỏ lãng mạn, còn chỗ của Jim là thành phố thương mại toàn cao ốc chọc trời. Bên hông tòa nhà của Jim, lối dẫn xuống hầm xe có khá đông cảnh vệ cùng chó nghiệp vụ đứng trực. Bất kể chiếc ô tô nào đi vào đều được lục soát kiểm tra kỹ lưỡng, từ chỗ ngồi cho đến cốp xe, khiến bầu không khí xung quanh trông khá hình sự.
Jim phải đích thân xuống đón tôi mới đi qua được ải an ninh để vào bên trong tòa nhà. Chúng tôi tới văn phòng công ty Jim lúc còn tương đối sớm, ở đó chỉ mới có lác đác vài nhân viên đến làm việc. Jim đưa tôi vào phòng riêng của anh. Chúng tôi uống cà phê nóng và tranh thủ trò chuyện trước khi anh lại bắt đầu một ngày làm việc siêu bận rộn. Sau nhiều năm không gặp, Jim trông đường bệ oai phong hơn. Dù gì anh cũng mới được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại trụ sở ở Colombia của tập đoàn vài tháng trước.
Jim bảo anh nhớ những ngày tháng ở Việt Nam, nhớ ẩm thực và con người ở đó. Thật không gì sướng hơn khi được sống trong một môi trường tương đồng về văn hóa, thức ăn ngon, đa dạng và nhân viên thì cần cù, chăm chỉ làm việc. Còn ở đây thì sao, tôi hỏi. Jim nhún vai, vẫn chưa đủ lâu để đánh giá và phán xét, nhưng anh đang phải đau đầu giải quyết bài toán nhân sự. Người Colombia có kiểu sống khá thoải mái nhàn tản. Họ không thích gấp gáp, không thích đặt mình dưới áp lực và tâm lý chỉ muốn làm việc vừa đủ để có thời gian hưởng thụ những thú vui khác trong cuộc sống. Kẹt nỗi, điều đó khá trái ngược với văn hóa tập đoàn vốn luôn khuyến khích mọi thứ phải “nhanh nhanh” và thích kiểu làm việc cày ngày cày đêm.
“Thêm một chuyện đau đầu”, Jim nói, “từ sau dịch covid, hầu hết nhân viên đều muốn được làm việc tại nhà ít nhất tuần ba ngày. Với những nhân sự ứng tuyển ở vị trí quan trọng, thường đó là điều kiện tiên quyết. Nhiều lần tớ tìm được ứng viên ưng ý rồi mà toàn bị hụt mất giờ chót chỉ vì chính sách công ty không đáp ứng được yêu cầu đó”.
Jim giải thích, ngoài việc muốn được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, dân ở đây còn cố gắng hạn chế đến văn phòng vì lý do an ninh. Họ muốn giảm thiểu rủi ro bị trấn lột, cướp giật, thậm chí bắt cóc. Tôi hơi ngạc nhiên. Tuy biết an ninh vẫn là vấn đề nổi cộm ở Colombia nhưng tôi không tin nó vẫn còn nghiêm trọng đến vậy. Từng là quốc gia bị hoành hành bởi nạn buôn bán ma túy và sự lũng đoạn của các tập đoàn mafia, Colombia đã trở nên vô cùng tai tiếng trong dư luận quốc tế. Nhưng tôi cũng biết trong mấy năm gần đây, chính phủ đã tiến hành những chiến dịch truy quét lớn nhằm thắt chặt trật tự và cải thiện tình hình an ninh trong nước. Thực tình mà nói, trong một hai ngày đầu sống ở Bogotá tôi thấy mọi thứ cũng không đến nỗi. Ăn mày cướp giật lừa đảo thì thành phố lớn nào mà chả có.
Jim nói: “Tớ không cường điệu đâu. Ở văn phòng này đã có một vài nhân viên bị tấn công trên đường đi làm. Chuyên viên người Hàn cũng bị nữa chứ không phải chỉ riêng dân bản địa. Thế nên cậu phải hết sức cẩn thận để tránh chuyện đáng tiếc”.
“Rồi anh sống ở đây thế nào?”, tôi tò mò hỏi. “Anh đã đưa gia đình sang cùng chưa?”
“Ồ chưa đâu, vợ con tớ vẫn còn ở bên nhà. Mọi thứ ở đây đang ngổn ngang quá, và công việc thì rất stress. Tớ đang rất bận rộn để sắp xếp lại mọi thứ, chắc cũng phải hết năm đầu tiên trong nhiệm kỳ rồi mới tính xem sao. Còn bây giờ hả, tớ sống một đời sống expat khép kín, giống như kiểu sống của tầng lớp trên trong xã hội này. Bọn tớ đi xe luôn có vệ sĩ, chỉ ăn ở những nhà hàng nhất định, đi đánh golf hoặc thậm chí uống rượu giải trí cuối tuần cũng chỉ ở những câu lạc bộ nhất định. Tất cả những nơi đó đều có lớp bảo vệ nghiêm ngặt”.
“Tớ ước gì được sống tự do tự tại như cậu bây giờ đấy”, Jim cười cười. Tôi biết anh chỉ nói cho vui. Jim thuộc mẫu người lấy công việc làm lẽ sống, và tạng của anh không bao giờ phù hợp với cái kiểu lang bạt hiện tại của tôi. Sáng nay lúc trước khi đến gặp Jim tôi còn phải lục tung vali, lôi cái áo blazer và chiếc sơ mi tương đối lịch sự nhét tít dưới đáy ra để mặc. Lần tôi mặc chúng trước đây là hôm đi xem show Cabaret Parisien ở Havana, còn những ngày lang thang sau đó tôi có khi nào cần đến những bộ quần áo lịch sự kiểu này đâu.
Trước đây tôi cũng từng giữ vị trí quản lý cấp cao trong vài công ty. Tôi hiểu được sự ngột ngạt giữa bốn bức tường căng thẳng và nỗi cô đơn nơi gió lộng. Nhưng tôi biết cái vibe ấy thật ra không phải lúc nào cũng tệ. Một số người cứ thế mà khớp vào một cách rất tự nhiên, họ thoải mái trong thế giới ấy. Một số khác thì khiên cưỡng gồng gượng nhưng lại không chắc chắn về một lựa chọn thay thế tốt hơn. Với Jim, tôi nghĩ anh phần nhiều thiên về nhóm đầu tiên. Còn tôi, có lẽ tôi đang tự cho phép mình được lãng mạn đôi chút, cho dù sự lãng mạn đó có hàm chứa một phần hiểm nguy và rủi ro nhất định.
Chúng tôi trò chuyện thêm một lát tới khi cốc cà phê đã cạn. Tôi chủ động chia tay để Jim bắt đầu lịch trình làm việc bận rộn của mình. Vẫn cái tính ân cần chu đáo với cấp dưới như bao năm, Jim nhất định không cho tôi tự đi về. Anh gọi điện bảo tài xế chờ sẵn dưới hầm. Tôi sẽ trở lại khu phố cổ trên chiếc BMW X6 có lắp kính chống đạn của Jim, được lái bởi người tài xế riêng trông hiền lành ít nói nhưng thực ra là một võ sĩ chuyên nghiệp luôn giắt súng bên người. Lúc bắt tay Jim, những chiếc móng dài chưa kịp cắt gọn của tôi dường như cấn xước nhẹ mu bàn tay trơn láng của anh, khiến tôi mỗi lần nhớ lại cứ cảm thấy ái ngại mãi.
***
Những ngày ở Bogotá tôi hay tụ tập ăn sáng trò chuyện cùng bọn bạn chung chỗ trọ trước khi mỗi đứa tỏa ra theo một hành trình riêng. Chủ đề yêu thích của chúng tôi là những bí kíp “giữ mình” trong thời gian ở Colombia, và nhân vật trung tâm của nhóm luôn là Morgane. Cô gái người Pháp này đã lui tới nơi đây tận sáu lần mỗi khi có dịp, đơn giản “chỉ vì yêu” dù cô đã từng bị trấn lột hết một lần ở Medellín. Tuy là những kẻ đến từ những nơi rất khác nhau, bọn tôi lại luôn thống nhất cùng một điểm: bất cứ chỗ nào trên thế giới và bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro, miễn ta cẩn tắc vô ưu, còn thì cứ “xuôi dòng” mà tận hưởng cuộc sống thay vì để nỗi âu lo thường trực ám lấy.
Nếu như bọn bạn thường chỉ ở Bogotá một thời gian ngắn rồi đi sang các nơi khác như Cartagena, Medellín, Cali, tôi lại yêu thành phố thủ đô này nhất. Tọa lạc tại một thung lũng bao quanh bởi những ngọn đồi có độ cao hơn 2,500 mét so với mực nước biển, Bogotá là một trong những thủ đô có vị trí cao nhất thế giới. Ở đây khí hậu lúc nào cũng se lạnh với những con dốc trập trùng lãng mạn, những dãy nhà cổ xinh xắn, những con đường lót gạch đỏ, thậm chí nhiều khu chung cư mới cũng xây thấp tầng đỏ au màu gạch cổ kính đặc trưng. Hôm đầu tiên tôi đến, đón tôi là một chị lái xe Uber dáng người béo tròn nhưng vui vẻ dễ thương. Suốt đoạn đường chị cứ nghêu ngao những giai điệu latin rộn rã phát ra từ máy hát trong xe làm tôi cũng bớt đi cảm giác lo lắng.
Ở Bogotá có hai nhân vật lớn để lại dấu ấn khắp nơi trong thành phố, đó là nhà lãnh đạo chính trị quân sự Simón Bolívar và điêu khắc gia Fernando Botero. Simón Bolívar là người Venezuela, dù thừa hưởng nền giáo dục quý tộc của Tây Ban Nha nhưng cả đời ông đã bền bỉ tranh đấu chống lại đế quốc này để giành độc lập cho các nước khu vực Nam Mỹ. Năm 42 tuổi, Bolívar đã là lãnh đạo tối cao của đồng thời các quốc gia Peru, Bolivia, Venezuela, Ecuador, Panama, Colombia – thật là một nhân vật vĩ đại. Còn Botero là nhà điêu khắc người Colombia, quê ở Medellín. Với thế giới quan độc nhất vô nhị trong đó tất cả các nhân vật đều được thổi phồng tròn căng béo múp, Botero là nghệ sĩ hiếm hoi sống đủ thọ để thấy các tác phẩm điêu khắc của mình được trưng bày ở khắp các quảng trường lớn trên thế giới, từ New York, Paris, London đến Berlin, Barcelona, Singapore… Tại thủ đô Bogotá, quảng trường trung tâm và các khu kiến trúc đồ sộ lộng lẫy xung quanh được mang tên Bolívar, còn Botero thì có cả một bảo tàng lớn chứa vô số tác phẩm điêu khắc và hội họa của ông ở khu phố cổ gần đó. Trong tiết trời se lạnh và cái nắng vàng ươm, tôi cứ lang thang mãi ở những nơi này mà không biết chán.
Những ngày ở thủ đô tới lúc này tôi vẫn chưa gặp phải vấn đề gì, phần vì luôn cảnh giác cao độ, phần vì ở những khu vực chính luôn có cảnh sát và chó nghiệp vụ liên tục đi lại canh gác. Thảng hoặc, tôi vẫn gặp những kẻ vô gia cư ăn xin ở đây. Họ đúng là dữ tợn hung hăng hơn những nơi khác, nhưng chỉ cần tránh tiếp xúc bằng mắt và tảng lờ không nghe thấy họ nói gì thì ổn thôi. Với tôi, Bogotá vẫn là một thành phố có nét lãng mạn đáng yêu. Tôi thích bầu không khí se lạnh cùng tông màu đỏ nâu trầm lắng chủ đạo và nhịp sống chậm rãi của nó. Nhưng mãi tới hôm đi thăm nhà thờ Muối cách thủ đô tầm 60 km tôi mới bắt gặp một Bogotá rất khác. Trên đường tới đó bằng xe khách, vừa ra đến khu ngoại vi tôi thấy chi chít những ngôi nhà nhỏ sơn phết đủ màu đỏ xanh vàng tím nom thật ngoạn mục trên một sườn đồi. Lúc quay trở về vào buổi chiều, trên chuyến tàu hỏa chạy bằng hơi nước phả khói đen mù trời, tôi lại đi ngang qua một khu khác, hoang tàn như một cảnh phim chủ đề hậu tận thế. Ở đó có những cửa hiệu vắng chỏng chơ, những vách tường chằng chịt các bức vẽ graffiti, nylon rác rến bay lơ thơ trên mặt đường vắng ngắt, và ngay giữa lòng đường trong ánh chiều chạng vạng, mấy tay nghiện râu tóc bờm xờm bẩn thỉu ngồi vật vờ vô hồn như những xác zoombie. Tôi tự nhủ sẽ phải tìm hiểu thêm về một Bogotá rất khác này.
Nghĩ là làm. Sáng hôm sau, tôi lại trở ra quảng trường trung tâm. Ở đó tôi hỏi thăm loanh quanh thì được hướng dẫn nên ra thử khu Los Puentes. Đây là khu định cư ven sườn đồi, có những dãy nhà đủ màu sắc như tôi vừa thấy hôm trước.
Theo khoa học thường thức, nếu đi trong rừng mà vô tình thấy những cây nấm màu sặc sỡ thì chớ có đụng vào, vì đó thường là nấm độc có thể gây chết người. Lúc ở khu trọ, tôi được bọn bạn phượt rỉ tai cho chút kinh nghiệm, rằng mấy khu nhà sơn đủ màu trông xinh đẹp bắt mắt vậy chứ cũng như nấm độc, là những khu nguy hiểm chớ nên bén mảng. Chuyện là thế này. Colombia vốn là quốc gia được bao bọc bởi dãy núi Andes, các thành phố lớn kể cả thủ đô Bogotá đều tọa lạc trong lòng các thung lũng. Ngày trước, thị dân tầng lớp dưới cùng nếu túng quá không mảnh đất cắm dùi thì cứ lên các sườn đồi cất nhà gạch tạm bợ mà ở. Hễ dọn đi thì có người khác trám chỗ ngay, không giấy tờ quản lý gì. Mãi tận về sau nhà nước mới đụng vào, nhưng nói chung tình hình vẫn rất phức tạp. Một vài khu nhếch nhác quá thì có đội họa sĩ đường phố được tài trợ xung phong lên sơn phết, phóng tay vẽ vời làm cho nó sống động và hấp dẫn hẳn. Nhưng thành phần cư dân ở đó thì vẫn vậy, là dân lao động nghèo, dân thất nghiệp, nghiện ngập hút chích, giựt dọc.
Tuy biết vậy nhưng tôi vẫn quyết định đi lên Los Puentes xem thử cho biết. Chọn khu này vì thấy trên mạng có mấy bài review ý kiến tương đối trái chiều. Người thì nói không đến nỗi nào người thì đánh giá nguy hiểm đừng đi, thấy cũng 50:50 nên tôi chọn. Ông già lái taxi hiền khô tỏ vẻ thắc mắc khi tôi nói điểm muốn đến, không hiểu gã Á châu này định mò lên đó để làm gì. Nhưng rồi cuối cùng ông cũng đồng ý chở. Ông già nói toàn tiếng Tây Ban Nha, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Còn tôi thì từ ngày sang Nam Mỹ, vốn liếng tiếng Tây Ban Nha chỉ gói gọn trong ba chữ “hola” (xin chào), “gracias” (cảm ơn) và “baño” (toilet) nên cũng không giúp ích gì được mấy. Cuối cùng chúng tôi quyết định tìm hiểu nhau qua “google dịch”. Thông tin đầu tiên của ông già là “Los Puentes tuy phức tạp nhưng đi thì vẫn ok”, điều đó làm tôi thấy yên tâm hơn.
Xe vừa ra khỏi trung tâm Bogotá đi qua một con đường vành đai thì quang cảnh trở nên khác ngay. Phố xá bẩn thỉu tiêu điều hẳn. Lúc xe chạy ngang một ngã tư bị dính đèn đỏ, tôi chợt thấy có mấy gã cô hồn đứng bang bang giữa đường, tay cầm gậy gộc vẻ muốn tiến lại. Ông già lái xe mặt căng thẳng, xua tay lia lịa ra hiệu bảo tôi núp ngay. Tôi vội thụp xuống băng ghế sau, lúc này mới đâm hoảng, nghĩ đang ngồi ở trong xe mà còn ghê vậy huống gì đi ra ngoài. Đã nhát định thối lui nhưng lại vẫn thấy tiếc, nên vừa núp sau băng ghế tôi vừa tranh thủ gõ google dịch “theo ông thì ta nên đi tiếp hay quay lại?”, xong chìa điện thoại ra phía trước. Tội nghiệp ông già mắt mũi kèm nhèm, vừa lo lái xe vừa ráng đọc. Đọc xong ông xổ một tràng tiếng Tây Ban Nha. Dĩ nhiên là tôi không hiểu gì hết, bèn ra hiệu “ông nói vào cái micro dịch đi”. Mạng mẽo chập chờn, ông già nói chưa tròn câu thì mạng đứt không dịch được. Đi hay về, về hay đi, chủ khách chưa kịp hiểu nhau nên ông già vẫn phải chạy càn trong cơn bối rối, rất chi khổ sở.
Vừa may lúc đó tôi thấy bóng một chiếc mô tô cảnh sát đi tuần chạy cùng hướng. Tinh thần lập tức vững lại, tôi bèn gõ lia lịa: “Ta cứ đi tiếp nhé. Lên đến đó xong ông quay xe về địa điểm cũ ngay. Cháu sẽ không xuống xe, xem như mình đi chuyến hai chiều”. Ông già nhíu mắt nhíu mày đọc. Khi hiểu quyết định của tôi đã chốt rồi thì ông tập trung ngay vào vô lăng, lướt rất nhanh. Xe chạy vòng vèo qua các lối quanh co trên đồi, ngang qua những khu phố nghèo chằng chịt. Ông già vừa đánh lái liên tục vừa nhiệt tình giải thích sơ lịch sử khu này qua google dịch cho tôi hiểu. Rồi tới một đoạn có vẻ ổn, ông còn dừng xe đánh xịch, ra hiệu bảo tôi bước xuống để chụp nhanh tấm hình kỷ niệm. Vừa chụp xong cả hai nhanh chóng quay trở lại xe và vọt đi. Thật là một chuyến “cưỡi hỏa tiễn xem hoa” của những kẻ nhát gan.
Ông già dễ thương quá nên hôm cuối cùng ở Colombia tôi có liên lạc bảo ông chở ra sân bay. Tôi check out lúc 4:00 sáng, thay vì nhờ khách sạn sắp xếp xe cho an toàn như thường lệ thì tôi nhắn ông. Đúng bon giờ ông già có mặt. Ra tới sân bay đồng hồ chỉ bao nhiêu ông lấy đúng bấy nhiêu, không ngỏ ý đòi hỏi gì thêm. Mà cuốc xe rẻ bèo, tôi bèn vét sạch tiền còn trong ví để biếu ông, tính ra tiền típ gấp mấy lần tiền xe. Tôi thoáng bâng khuâng. Những con người tử tế và chăm chỉ lao động ở nơi chốn hiểm nguy như ông già Bogotá này biết khi nào còn gặp lại?
- Xem thêm: Anuradhapura. Lá tìm về cội