Beka trạc ba mươi tuổi, người hơi nhỏ con nhưng vẻ mặt sáng sủa, lanh lợi. Anh ta đón tôi ở Jinka, một thị trấn miền núi nhỏ cách thủ đô Addis Ababa gần 700 km về phía nam. Trước khi tới Jinka, tôi cứ tưởng Gilgit ở Pakistan là sân bay nhỏ nhất, nhưng Jinka thực sự còn nhỏ hơn. Giữa khoảnh đất trống trơ trọi là một dãy nhà xây cất sơ sài chừng hơn 200 mét vuông, bên trong là tất cả những gì cần thiết cho một sân bay: băng chuyền hành lý, quầy kiểm tra an ninh, phòng chờ cho khách và bên ngoài là một đường băng ngắn.
Beka từng du học bên Canada, là chủ một công ty lữ hành có trụ sở đóng ở Addis Ababa. Anh ta cũng bay từ thủ đô xuống đây giống tôi nhưng đến trước một ngày để sắp xếp cho chuyến đi khắp thung lũng Omo sắp tới. Đồng hành cùng Beka là một cô gái dáng điệu tiểu thư, gương mặt xinh xắn. Dù là người Ethiopia nhưng cả hai đều có nước da tương đối sáng, giống người Mỹ lai gốc Phi hơn là người Phi chính hiệu. “Đó là Aida, bạn gái tôi”, Beka nói. “Cô ấy quê ở tận Amhara mạn phía bắc, nơi xảy ra cuộc nội chiến. Gia đình Aida đã chết hết vì bom đạn, và chúng tôi tình cờ quen nhau lúc tôi đang lang thang trên ấy có việc. Tôi đưa bạn gái về thủ đô sống chung nhưng những ký ức kinh hoàng kia vẫn còn ám ảnh cô ấy. Thế nên tuy rất bận rộn với việc điều hành hãng tour, tôi vẫn phải tranh thủ kết hợp công việc đưa bạn gái đi đây đi đó cho khuây khỏa. Ở đây tuy công ty tôi có đại diện và tài xế bản địa, nhưng cũng đã lâu tôi chưa thăm lại, và Aida thì cũng chưa có dịp xuống đây bao giờ. Nay nhân việc anh đặt chuyến, ta sẽ kết hợp đi cùng nhau trong mấy ngày tới”.
Tuy nói “kết hợp” nhưng Beka vẫn rất chuyên nghiệp. Anh ta và bạn gái đi một xe có tài xế riêng, còn tôi và con trai đi cùng hướng dẫn viên trên một chiếc khác, đúng với gói tour mà tôi đã đặt trên mạng. Tôi vốn không thích đi tour, nhưng ở những nơi không có phương tiện công cộng tôi đành phải đặt chuyến qua các hãng lữ hành, thường là tour thiết kế riêng hoặc hạn chế số lượng người.
Chuyến châu Phi này tôi đi cùng Quân, con trai tôi. Đang kỳ nghỉ hè, chơi bời được một vài tuần đâm chán nên cậu chàng “say yes” khi tôi nhắn hỏi có muốn đi cùng không. Tôi cũng khá bất ngờ vì Quân chấp thuận. Ban đầu tôi nghĩ 99% khả năng là cậu chàng sẽ từ chối, vì nói thật cha con tôi vốn không hợp tính và chẳng mấy thuận hòa, như mặt trăng với mặt trời. Nhiều người bảo bọn tuổi teen đứa nào mà chẳng ương bướng khó chiều, nhưng tin tôi đi, tôi hiểu điều đó và cũng đã cố gắng dạy con theo nhiều cách, cương nhu có đủ, chỉ kết quả là chưa thấy đâu. Chúng tôi thường rơi vào trạng thái căng thẳng với nhau, và tôi biết điều đó thật không lành mạnh. Vợ tôi nhắn, “Anh thử dắt con đi một chuyến xem sao, biết đâu mọi thứ sẽ cải thiện hơn”. Ừ thì thử. Đây sẽ là một chuyến đi của hy vọng, một trải nghiệm rất khác, và nói theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ, một chuyến đi chữa lành. Vô tình chúng tôi gặp Beka, anh ta cũng đang thực hiện những chuyến đi chữa lành cho người bạn gái của mình.
Trước khi bay đến Jinka, cha con tôi cùng trải qua vài ngày ở thủ đô Addis Ababa. Lần đầu tiên chúng tôi có nhiều thời gian làm mọi thứ cùng nhau đến vậy: cùng ăn cùng ngủ cùng đi chỗ này chỗ kia. Dĩ nhiên, với thói quen và phong cách sinh hoạt trái ngược, cả hai đều phải cố gắng kềm lại ở một chừng mực nào đó để giữ gìn không gian thuận thảo chung. Quân luôn cho rằng tôi quá nguyên tắc, khắt khe đến vô lý, còn tôi thì không thể nào chịu nổi sự thờ ơ bừa phứa vô kỷ luật của cậu ta. Người ngoài có thể nói, ôi dào, lại là chuyện khoảng cách thế hệ, một ông bố già cổ hủ đối đầu với một anh con trẻ nông nổi. Nhưng thật ra thì, chỉ có kẻ trong cuộc mới hiểu chuyện trong kẹt.
Những ngày ở Addis có một điều khiến tôi thấy ngạc nhiên một cách dễ chịu, đó chính là tinh thần lăn xả sẵn sàng trải nghiệm cái mới của Quân. Dường như đây là điểm chung hiếm hoi giữa cha con tôi. Hôm đầu tiên ra phố ăn trưa, chúng tôi vào một nhà hàng tương đối lớn. Thực khách ăn vận lịch sự, đa phần kiểu dân công sở hoặc dân kinh doanh. Hiềm một nỗi, đây là nhà hàng chuyên phục vụ bò mà món chính là thịt bò sống. Chúng tôi nhìn xung quanh, thấy trên bàn của những con người lịch sự kia là những đĩa thịt sống còn đỏ au như thịt bày trong ngăn lạnh ở siêu thị. Họ nhỏ nhẻ bốc từng miếng xắt viên tươi đỏ, chấm vào một loại nước chấm gì đó rồi đưa lên miệng nhai ngon lành cùng với thứ bánh bột mềm truyền thống màu nâu. Tôi nói Quân thử nhé, cậu chàng gật đầu. Thế là cha con cùng chén hết đĩa thịt bò sống nhăn đầu tiên trong đời mà vẫn an toàn vô sự. Những ngày tiếp theo, chúng tôi đi bộ trên những con phố cũ kỹ đông đúc, đối diện với những cái nhìn chằm chằm tò mò hoặc những tiếng trêu “China!” sỗ sàng. Quân có chút ngạc nhiên nhưng vẫn thoải mái đón nhận tất cả. Cậu ta còn sẵn sàng hòa mình vào những đám đông nhốn nháo bẩn thỉu, thứ mà khi ở nhà chẳng bao giờ cậu ta bén mảng. Điều đó khiến tôi thấy an tâm hơn và càng hy vọng về một chuyến đi êm xuôi phía trước.
Từ Addis, tôi quyết định dắt con đi xuống vùng thung lũng Omo phía nam. Ở nơi đó có nhiều bộ lạc còn sinh sống theo kiểu rất hoang sơ. Tôi nghĩ Quân có thể học được chút gì từ việc quan sát và trải nghiệm những đời sống khác thường này. Và thế là chúng tôi bay đến Jinka, gặp gỡ Beka ở đó để thu xếp cho chuyến rong ruổi khắp vùng thung lũng rộng lớn trong mấy ngày liền.
***
Đi chung xe với cha con tôi là người hướng dẫn viên địa phương tên Siraj. Anh ta trạc tuổi Beka, tốt nghiệp ngành du lịch, từng viết xong một cái luận văn thạc sĩ về đề tài quản trị du lịch văn hóa bên vững. Siraj nói tiếng Anh lưu loát nhưng cách phát âm hơi khó nghe. Thoạt đầu anh ta cũng giữ kẽ, chỉ giao tiếp chừng mực theo đúng chức phận.
Theo lịch trình, chúng tôi đi từ thị trấn Jinka nằm trên ngọn đồi có độ cao gần 1,500 mét so với mực nước biển xuống thấp dần đến khu vực bình nguyên. Ở dưới đó có con sông Omo rộng lớn, nơi các bộ lạc thuộc các tộc người khác nhau sinh sống rải rác. Siraj cho biết ngôi làng đầu tiên chúng tôi sẽ tới thăm là một ngôi làng thuộc bộ lạc Dasenech. Tôi khá háo hức vì có mang theo nhiều sách truyện để tặng cho các em nhỏ ở đó. Quân nói ở những nơi đói nghèo như này nếu cho bánh kẹo thì có vẻ thực tế hơn. Tôi thì cho rằng bánh kẹo ăn xong rồi cũng hết, trong khi sách truyện là món ăn tinh thần bổ ích thì vẫn còn mãi đó. Tôi tin vào sức mạnh và lợi lộc của những cuốn sách trong khi Quân có vẻ không đồng ý lắm. Nghĩ cũng lạ, lúc nhỏ Quân từng là một đứa trẻ mê sách. Từ lớp ba cậu chàng đã được tôi tập cho đọc những quyển sách dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh, sau đọc quen thì chuyển sang các thể loại thần thoại trong nước ngoài nước, rồi văn chương thiếu nhi kinh điển thế giới, lên lớp sáu còn đọc cả những cuốn dày của Dan Brown. Tôi lập cho Quân một tủ sách lớn, vậy mà tới lớp tám cậu ta dẹp hết, chỉ nghe K-pop, chơi bóng rổ bóng đá, đánh bida, lướt net, xem những bộ phim linh tinh trên mạng.
Xe gần tới Dasenech. Tôi mới kể với Siraj, lần đầu tiên tôi biết tới đất nước Ethiopia của anh ta là hồi còn học tiểu học. Nhớ trong sách giáo khoa có câu chuyện về mấy người khách Châu Âu dong thuyền tới chơi, được vua Ethiopia tặng nhiều quà quý. Khi họ ra bến tàu chuẩn bị về thì quan quân mới yêu cầu họ cởi giày ra, cạo sạch lớp đất dưới đế giày rồi mới cho lên thuyền. Một viên quan nói: “Chúng tôi có thể tặng các ông vàng bạc châu báu, nhưng đất cát quê hương chúng tôi quý như máu thịt nên phải giữ lại”. Có những câu chuyện đại khái kiểu vậy, mà với một đứa trẻ nó có thể gây ấn tượng tới mấy chục năm sau vẫn không quên. Thế nên trong chuyến đi châu Phi lần này, tôi quyết định mang theo một tập thơ in giấy cứng xuất bản bằng tiếng Anh có tranh minh họa rất đẹp, đặc tả một cái tết cổ truyền Việt Nam rực rỡ tươi vui mà đầm ấm. Tôi nghĩ biết đâu nó cũng sẽ để lại một ấn tượng lạ lẫm mà tốt đẹp dài lâu cho một cậu bé cô bé nào đó ở đất nước xa xôi này. Siraj nghe xong cảm thấy rất thú vị, nhưng riêng vụ tặng sách anh đề nghị được phép đứng ra sắp xếp giùm. Tôi cũng đồng ý và không hỏi thêm vì sao.
Bộ lạc Dasenech nằm khá gần con sông Omo vàng quạch. Khi chúng tôi đến, thanh niên trai tráng đã đi đâu hết, trong làng chỉ còn toàn phụ nữ và trẻ con. Trên vạt đất trống, họ dựng những túp lều như những chiếc bát úp lớn, lớp bên trong là rơm rạ cây khô, còn lớp bên ngoài phủ thêm vài tấm tôn úp cong theo thân lều. Những đứa trẻ trong làng đa phần bụng ỏng eo, có đứa quấn vải che phần dưới nhưng cũng nhiều đứa cứ trần truồng chạy lăng quăng. Phụ nữ cũng vậy, có người váy xống đầy đủ nhưng cũng có người vô tư để ngực trần, những đôi vú mướp lõng thõng của các mẹ các chị trung niên và những cặp ngực thanh xuân mây mẩy của các cô gái trẻ.
Tôi với Quân chui thử vào một túp lều. Bên trong lều tối lờ nhờ, trên lớp bạt lót nền đất là lỉnh kỉnh nồi niêu thúng mủng, trên bếp đang đun món cháo lõng bõng khói bốc mịt mù. Có ba đứa trẻ, bé chị chừng bốn năm tuổi đang trông hai đứa em còn nhỏ xíu. Đứa bé nhất mũi dãi lòng thòng, thấy người lạ bèn khóc um lên nên cha con tôi mau chóng rút lui ra. Bên ngoài sân có một nhóm dân làng đang hát ca nhảy múa. Trong lúc vui vẻ, tôi nói Quân chạy về xe ôm đống sách ra để tặng. Vừa định giao sách cho mấy người phụ nữ thì thoắt cái đám trẻ liền bu đến giật ngay, với sức mạnh và độ nhanh lẹ làm tôi thoáng giật mình. Cũng may sách đóng giấy cứng, nếu không chắc đã rách tơi tả. Những đứa trẻ chụp được mấy quyển sách liền háo hức chạy u ra một góc lều giở sách ra ngắm. Có vài đứa bị đạp ngã lăn cù vẫn còn nằm bò dưới đất khóc hu hu. Tôi thấy thương quá, ước gì có thể mang được nhiều sách hơn. Và cũng chợt hiểu vì sao Siraj dặn tôi hãy để anh ấy đứng ra sắp xếp vụ trao tặng mà trong lúc cao hứng tôi đã quên mất. Ở những nơi quá thiếu thốn này, sách vở thì ra cũng chẳng khác gì bánh kẹo, có thể gợi nên lòng tham và gây ra cảnh giành giật giẫm đạp nhau. Tôi có nghĩ đến “của cho”, nhưng chưa nghĩ đủ thấu đáo về “cách cho”.
Một lúc sau trật tự cũng được lặp lại bởi một phụ nữ lớn tuổi. Chúng tôi ở chơi thêm một lúc, chụp vài tấm hình kỷ niệm cùng các em rồi ra đi. Lúc lên xe, tôi ngoái lại nhìn. Một người mẹ trẻ ngực trần vẫn đứng mải mê giở từng trang sách, tò mò ngắm những tranh vẽ lạ lẫm. Mắt cô ta lấp lánh niềm vui trong khi đứa con nhỏ cứ bíu cứng lấy chân mẹ. Quân nói, sách vở có vẻ là thứ hơi phù phiếm ở chốn hoang dã này. Còn tôi thì vẫn tin rằng, nghệ thuật bằng cách nào đó sẽ tự tìm được đường đến tâm hồn của những đứa trẻ ở Dasenech.
***
Rời Dasenech chúng tôi đi tiếp một chặng đường dài xuống phía nam. Dọc đường chúng tôi gặp những người thuộc bộ lạc Benna đi trên những thanh cà kheo cao lỏng khỏng, mặt và thân trét đầy bột trắng vằn vện. Bọn trẻ con Benna điều khiển cà kheo rất thành thạo. Thấy xe chúng tôi từ xa, chúng lao nhanh xuống giữa đường từ dốc cát thoai thoải. “Ở địa hình ngày xưa nhiều đồi núi, người Benna chuyên đi cà kheo để có thể canh rẫy hiệu quả hơn với một tầm quan sát rộng. Nay thì họ không cần phải làm thế nữa”, Siraj giải thích. Bọn trẻ vây quanh xe chúng tôi, xòe tay đòi tiền sau khi chụp ảnh chung với khách. Siraj bảo chúng tôi không phải lo, vì trong giá tour đã bao gồm các loại tiền típ mà Beka sẽ thay mặt thu xếp. Tôi mới nói với anh: “Ta hãy đi đến các làng ở vùng hẻo lánh xa xôi, nơi tôi có thể trải nghiệm những thứ chân thực hơn là kiểu trải nghiệm pha-ke giả cầy này cậu ạ”.
Xe tiếp tục đi xuống phía nam. Càng xuống thấp, khí hậu càng nóng dần lên. Ở mạn dưới này, một số bộ lạc như Hamar hay Nyangatom có tục nhảy bò. Trẻ trai trong làng tới tuổi trưởng thành sẽ phải tham gia một buổi lễ gồm nhiều nghi thức, trong đó có việc phải nhảy và đi qua lưng cỡ chục con bò. Đàn bò xếp hàng ngang, lưng được bôi bùn trơn để tăng độ khó. Chỉ sau khi thực hiện thành công cú nhảy, bọn trai trẻ mới chính thức được công nhận là người trưởng thành, được quyền lấy vợ, dựng nhà và sở hữu đàn gia súc riêng.
Lyan 27 tuổi, là người thuộc bộ lạc Nyangatom sinh sống ở khu vực tam giác biên giới ba nước Ethiopia, Nam Sudan và Kenya. Lyan phụ trách việc giới thiệu về các bản làng thuộc tộc này cho du khách đến thăm. Chính phủ Ethiopia có một quy định khá hay, chỉ những người có gốc từ bộ lạc mới được phép giới thiệu về bộ lạc mình. Lyan nói tiếng Anh trôi chảy, ăn mặc kiểu người hiện đại. Khi đi cùng tôi dạo quanh các túp lều cũng khum khum hình bát úp như ở Dasenech nhưng chỉ phủ thuần rơm và cây khô, Lyan đã kể nhanh về câu chuyện của bản thân mình. “Trước em cũng hoàn thành lễ nhảy bò, được bộ lạc công nhận. Nhưng tới năm 17 tuổi thì em trốn đi. Trốn cách nào hả? Chỉ có một đường duy nhất là bơi qua con sông Omo đục ngầu. Qua được bên kia sông, em đi mãi tới thị trấn, rồi em xoay xở xin được đi học. Em học chữ, học ngoại ngữ, giờ là sinh viên năm nhất cao đẳng rồi đó”.
Thoạt đầu tôi không tin lắm câu chuyện của Lyan. Ở các tộc khác, người phụ trách vai trò dẫn khách đi thăm làng cũng là những thanh niên xuất thân từ bộ lạc. Họ được gởi ra phố cho ăn học, trở thành “người văn minh”, nhưng đó là những trường hợp được các tổ chức phi chính phủ hoặc mạnh thường quân lựa chọn khi họ còn là những đứa trẻ. Lyan thì khác. Khi trốn bản vượt sông cậu ta đã là một thanh niên 17 tuổi. Ở tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, trưởng thành từ một môi trường hoang dã, nơi phụ nữ nhiều người còn vô tư để ngực trần lõng thõng và tóc nhuộm bết từng lọn bằng đất sét, nơi dân bản còn sống kiểu bán du mục trong những căn chòi nhỏ xíu, thì ý tưởng thoát ly của cậu ta cũng chẳng khác gì việc một anh nông dân cả đời cắm mặt cày ruộng bỗng một hôm nảy ý định bay lên cung trăng bằng tàu vũ trụ.
Lyan cười: “Trước em cũng giống mấy đứa nhỏ ăn mặc hoang dã như anh đang thấy. Nhưng em có khiếu ngoại ngữ. Mỗi lần khách du lịch tới thăm em lại học mót được một chút. Rồi em bắt đầu có suy nghĩ, và em biết em khác biệt. Em phải trốn đi, đi thật xa, chứ nếu bị dân bản bắt về thì chịu đòn phạt nặng lắm. Giờ thì thoải mái rồi. Em tham gia làm du lịch kiếm thêm thu nhập, giúp dân bản giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cha mẹ em vẫn sống ở đây và em cũng thường về thăm họ. Dù như đang sống ở hai thế giới khác nhau nhưng nói chung mọi thứ vẫn khá ổn”.
Tôi có xác minh lại với Siraj về câu chuyện cuộc đời Lyan, mới biết những gì cậu ta kể là thật. Chỉ trong vòng mười năm Lyan đã học rất kinh khủng. Bằng cách nào đó cậu đã vào năm nhất cao đẳng ở thị trấn, học bằng tiếng Amharic phổ thông. Lyan trở thành “người văn minh”, việc đó vui hay buồn tôi không dám lạm bàn, vì người văn minh cũng có lắm vấn đề riêng của họ. Điều khiến tôi thực sự rúng động là khả năng vượt qua cái rào chắn vĩ đại trong tâm thức để từ đó tạo nên sự thay đổi ngoạn mục của Lyan. Vì ở độ tuổi mười bảy, cái đầu người trai làng đã đông đặc những định kiến, những tập tục. Họ thường chỉ còn biết nghĩ đến việc lấy bao nhiêu vợ, đẻ bao nhiêu con, chăn đàn gia súc bao lớn.
Thị dân chúng ta hay nhắc đến khái niệm “vùng an toàn” để chỉ những thứ dễ chịu thân thuộc xung quanh và sự khó khăn khi muốn vượt ra khỏi nó. Với trường hợp của Lyan, cái vùng mà cậu ta đã vượt ra khỏi này thật không biết nên gọi là vùng gì. Nhưng là gì cũng kệ thôi. Tôi thích nhớ về Lyan với hình ảnh của một cú nhảy bò. Nhảy qua lưng một ngàn con. Cú nhảy vĩ đại. Tôi nói với con trai, đời ba chưa từng thấy câu chuyện vượt khó nào ngoạn mục hơn thế.
***
Khí hậu nóng khô ở mạn dưới thung lũng khiến cây cối hai bên cũng dần nhường chỗ cho bình nguyên bao la, riêng những tổ mối khổng lồ như những tháp nhọn chĩa lên trời cao là vẫn rải rác đây đó. Dọc con đường tít tắp, thi thoảng lại thấy bóng vài người thổ dân gánh củi đi lẻ loi. Thấy xe chúng tôi từ xa, họ giơ tay vẫy vẫy, ra hiệu xin mấy vỏ chai nước. Mặc cái nắng khô ran, hai bên vệ đường luôn có một loài cây tươi tốt, trái lúc lỉu thân tràn đầy nhựa sống người địa phương gọi là táo sodom. Trái nhìn xanh mướt căng mọng ngon lành, nhưng chỉ cần bóp nhẹ một cái là vỡ, để lộ lớp ruột rỗng bên trong không có gì ngoài một cái lõi nhớp nháp nhựa trắng. “Táo sodom là giống cây ngoại lai không biết từ đâu đến nhưng nhựa nó rất độc, con người và gia súc thảy đều tránh né không đụng tới. Bởi vậy nó cứ thản nhiên xâm lấn và dần tràn lan khắp nơi”, Siraj chia sẻ.
Chúng tôi vừa đến thăm một cái làng thuộc bộ lạc Mursi. Tộc này có một tập quán rất đặc biệt khiến họ trở nên nổi bật hơn cả, đó là tục đeo đĩa môi. Con gái Mursi khi bắt đầu trưởng thành sẽ rạch môi dưới và nhét vào đó một cái đĩa nhỏ. Kích thước đĩa sẽ to dần lên theo thời gian, vì đĩa càng to càng được coi là đẹp. Tôi từng chứng kiến vài tập tục kỳ lạ của đồng bào miền núi ở Đông Nam Á, ví như tục đeo vòng cổ, đeo thật nhiều vòng nong cho cổ dài mãi ra. Nhưng nói thật nó vẫn không tạo nên cảm giác kỳ dị bằng tục đeo đĩa môi này. Mỗi khi ăn uống hoặc cần đỡ vướng víu khi làm việc, phụ nữ Mursi tháo đĩa môi ra. Lớp môi dưới bị nong lâu ngày biến thành một sợi dây da thâm xỉn quăn queo lòng thòng trước ngực. Vì sự đặc biệt này mà người Mursi cũng hay có khách tò mò tới thăm. Lúc chúng tôi đến đã có một nhóm du khách khác ở đó. Họ cười đùa chụp đủ các kiểu ảnh cùng những phụ nữ Mursi, lúc từng người, lúc nhóm hai ba người, lúc đứng lúc ngồi đủ cả. Họ săm soi mấy cái đĩa môi, dí sát máy ảnh vào chụp vẻ hể hả. Những người Mursi có vẻ đã quen với cảnh này. Tôi để ý thấy vài người khẽ nhăn mặt, nhưng đa phần đều thản nhiên trơ trơ cảm xúc. Họ chỉ xòe tay liên tục vòi tiền típ. Tôi bèn rời khỏi nơi bát nháo đó, đi vòng ra một khoảnh sân phía sau mấy cái chòi. Quân không thích chụp hình nên cũng đi theo tôi. Ở đó có một người phụ nữ đang giã một loại ngũ cốc gì đó cùng mấy đứa trẻ con. Tôi lấy điện thoại ra quay cảnh bọn nhóc thì thụp đập cán chày rồi vẫy chúng lại xem clip. Đám trẻ con thích chí cười nắc nẻ, cứ chun chun mấy ngón tay mở to thu nhỏ màn hình đầy vẻ tò mò. Đây là trò chơi yêu thích của tôi với mấy đứa nhỏ ở Phi châu. Quân là con một, ở nhà không có em út nên cũng thích chơi cùng bọn trẻ.
Sau mấy ngày đi cùng nhau, Siraj đã thôi giữ kẽ, bắt đầu mở lòng nhiều hơn. Khi xe lại lăn những vòng quay đều đặn trên đường, anh cất lời giọng đầy tâm sự:
“Làm nghề này đôi khi phải chứng kiến nhiều chuyện bất nhẫn lắm anh ạ. Dù được dặn trước không nên cho tiền thổ dân, nhiều du khách tới thăm các bộ lạc vẫn thản nhiên xòe tiền rồi bắt họ chụp ảnh mua vui. Cũng từng có thời khách cố ở lại qua đêm vào mùa lễ hội. Sau khi rượu chè hát ca nhảy múa họ trà trộn cùng trai làng tham gia vào cuộc giao hoan với các thiếu nữ chưa chồng. Ở các bộ lạc trai gái giao hoan sau lễ hội là chuyện rất bình thường, vì trai làng sau đó sẽ lấy các cô gái này làm vợ. Nhưng khách thì khác. Họ sẽ âm thầm bỏ đi, để lại những đứa con hoang mà ngay lúc chào đời sẽ bị vứt bỏ không thương tiếc. Vì nghiệt ngã một điều, tất cả các bộ tộc ở đây không có khái niệm nuôi dưỡng trẻ không cha. Lại có những vị khách tốt bụng nhưng vô tư, họ đã đến và vung tay phát rất nhiều bánh kẹo đồ ăn, để rồi dân làng động lòng tham lao vào giành giật. Giờ thì họ có thói quen ngửa tay xin xỏ mọi lúc mọi nơi…”
Siraj chia sẻ những lời đau đáu, như thể tấm bằng thạc sĩ quản trị du lịch văn hóa bền vững của anh là minh chứng cho một thất bại to lớn của bản thân. Tôi thoáng giật mình. Những gì chúng tôi đã làm dẫu có ý tứ hơn, có chút suy nghĩ hơn, nhưng xét cho cùng thì cũng có khác gì những du khách kia đâu. Như giống táo sodom, nhựa độc của “người văn minh” mạnh mẽ cứ dần xâm lấn vào cuộc sống hồn nhiên hoang sơ của thổ dân, mà ta hoặc vẫn thản nhiên cười đùa, hoặc vẫn vô tư nghĩ mình đang làm điều tử tế.
Chúng tôi còn đi thăm một vài bộ tộc khác nữa ở hạ lưu con sông Omo, như người Hamar, người Karo, nhưng đã thôi không đòi chụp ảnh chung hoặc tránh tương tác gần khi họ có vẻ không thoải mái. Beka bảo tôi cứ tự nhiên đi, vì anh ta đã trả tiền riêng cho trưởng làng để chúng tôi được thoải mái làm những chuyện đó. Với dân làm ăn như Beka, business là business. Tôi chỉ cười nhẹ cảm ơn, đoạn bảo Quân lấy nốt số sách truyện còn lại gửi hết cho Siraj. Anh ta sẽ giúp chúng tôi chuyển chúng đến một thư viện nhỏ nào đó thuộc về một ngôi làng nào đó trên vùng đất mênh mông đa sắc tộc đa ngôn ngữ này. Còn Quân có suy nghĩ gì khác không sau khi đã mục sở thị những cuộc sống kỳ lại ở nơi đây thì tôi không rõ.
- Xem thêm: Havana. Vũ điệu của logic