Tranh biếm họa là một mảng đề tài quen thuộc trên góc thư giãn của báo chí Việt Nam từ nhiều năm qua. Dù biếm họa là một ngành của Hội Mỹ thuật nhưng phải đến năm 1997 mới có được triển lãm tranh biếm họa đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh và mãi đến nay mới có triển lãm biếm họa lần thứ hai (tại Hội Mỹ thuật, 218A Pasteur, Q.3, từ 12 đến 21-3).
Có được triển lãm này là một nỗ lực rất lớn của những “biếm sĩ” thiết tha với nghề (tài trợ và đồng tổ chức của báo Tuổi trẻ Cười). Triển lãm quy tụ 29 tác giả trong cả nước, từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ… với 230 tác phẩm, phần lớn là các tranh đã được đăng trên báo trong năm 2011, trong đó nhiều tranh đã tham gia các cuộc thi và một số đã đoạt giải thưởng. Như một truyền thống khó lý giải, các biếm sĩ đều ký nghệ danh trúc trắc, lạ lẫm, từ những người cựu trào như Chóe, Tuýt, Ớt… đến những cây cọ biếm đương thời như Nhốp, Ngoéo, Nop, Dad, Ram, Cub, Sa tế, Quạ, Dùi… Đặc biệt hơn, mảng biếm họa đến nay vẫn là sân chơi độc quyền của cánh mày râu, không có bóng hồng nào lai vãng vào khu vườn gai góc này!
Họa sĩ Nop, người chịu trách nhiệm tổ chức triển lãm cho biết: “Tranh biếm họa được xếp vào dạng nhạy cảm vì tính phê phán của nó nên khâu kiểm duyệt rất gắt gao. Cái khó của chúng tôi là phải vượt qua cửa kiểm duyệt mà vẫn thể hiện được điều mình muốn nói. Đây là một công việc đòi hỏi sự lao tâm, nếu không chịu khó thì sẽ không trụ được với nghề”. Anh chia sẻ thêm, vẽ biếm họa cũng phải có kinh nghiệm, biết cách “lách” để không tốn công sức, tức “tự kiểm duyệt” tranh của mình, nói vui là giống như đá bóng, lâu năm trong nghề thì anh em sẽ có “cảm giác bóng” tốt.
Dễ thấy tại triển lãm này nhiều tranh có chủ đề người dân “thấp cổ bé miệng” không tự cứu được mình, cùng nhiều kiểu tự trào của kẻ sĩ trước nhân tình thế thái. Và vẫn là những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như tệ nạn quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm, tham nhũng, cải… lùi hành chính, hàng giả, ô nhiễm môi trường, tăng giá, chạy trường, giao thông, chung chi hoa hồng… Tư duy hình ảnh mới cho những vấn đề cũ là điều không dễ, nhưng bằng những khám phá mang tính ẩn dụ, các biếm sĩ đã làm nên “bình mới, rượu cũ” và mang đến cái nhìn thú vị cho người xem. Có tranh được dẫn dụ bằng lời, nhưng cũng có tranh chỉ có hình ảnh hoặc rất kiệm lời. Chẳng hạn, với Em tan trường về – một bản nhạc rối rắm, họa sĩ Sa tế (Nguyễn Văn Thưởng) đã rất sáng tạo khi nói về việc đổi lệch giờ học. TK (Nguyễn Văn Thục) lại rất sâu sắc trong tranh biếm vẽ xe chở gỗ của lâm tặc có trạm gác của kiểm lâm – lên án những kiểm lâm thông đồng với lâm tặc, thậm chí là một bộ phận của lâm tặc. Vẽ đề tài môi trường, họa sĩ Trần Quyết Thắng (Hà Nội) cho thần chết cũng phải chết vì không chịu nổi ô nhiễm môi trường! Ngoài tranh biếm, triển lãm có một số biếm vật của họa sĩ Nop có tên Cà phê chân dài, Xin ý kiến lãnh đạo, Rượu uống người…