Đường lên đỉnh Kilimanjaro có thể đi theo sáu tuyến xuất phát ở các hướng khác nhau, độ khó từ cao, trung bình đến thấp. Sau khi xem xét và suy nghĩ cuối cùng tôi chọn tuyến Lemosho bảy ngày sáu đêm với độ khó trung bình. Đi tuyến này cha con tôi yên tâm có thêm thời gian làm quen với độ cao tăng dần, và cũng để thong thả thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên trên đường đi. Chúng tôi xuất phát trong đội hình mười người gồm một trưởng đoàn, một trợ lý, một đầu bếp, năm phu khuân vác cùng hai khách. Ban đầu tôi cũng có chút ngỡ ngàng với lực lượng hùng hậu này, nhưng sau khi trải qua nhiều hôm trên núi cơm canh ngày ba bữa nóng sốt đều đặn, đêm về lều bạt túi ngủ chỉn chu mới thấy không thừa chút nào.
Oscar là trưởng đoàn, năm nay 48 tuổi, dáng người gầy, cặp mắt đùng đục và giọng nói hơi lè nhè như kẻ nghiện rượu lâu năm. Lagos phó đoàn trạc tuổi Oscar, gương mặt sáng sủa hiền lành hơn, nghe nói số năm leo Kilimanjaro cũng cỡ cỡ Oscar. Cả hai đều xuất thân là phu khuân vác, tích lũy kinh nghiệm qua năm tháng mà leo dần lên các vị trí dẫn đoàn. Giữa Oscar và Lagos khó biết trình ai hơn, nhưng phải công nhận ở con người Oscar toát ra cái chất của một con sói già lão luyện có thể dẫn bầy.
Từ thị trấn Arusha cả đoàn nhồi vào một chiếc xe 12 chỗ cùng vô số hành lý, lều trại, dụng cụ bếp núc chất đầy trên nóc và lèn vào trong mọi khoảng trống trên xe. Xe đi hơn hai tiếng thì tới cổng gác Lemosho. Đoàn phó nhảy xuống trình vé, hoàn thành các thủ tục cần thiết. Xe chạy thêm một đoạn nữa trên con đường đất dốc dần lên cao, hai bên là những vạt rẫy đang lên luống để trồng các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, và một vạt rừng thông vừa mới thu hoạch xong chờ trồng lứa cây mới. Tới điểm tập kết, cả đoàn dỡ hành lý xuống để tài xế quay về, hẹn bảy ngày sau quay lại đón ở một điểm đã hẹn khác.
Oscar nhìn đôi giày leo núi cha con tôi đang mang liền bảo cởi ra, thay giày chuyên dụng mới thuê ở tiệm dưới thị trấn hôm trước. Tôi mang giày đó vào, thấy nặng trình trịch, bức bí lại còn bó cứng hai ống quyển. Tôi bèn nói với anh ta rằng một hai ngày đầu địa hình chưa phức tạp, cứ để tôi mang giày của tôi cho thoải mái, vì dù gì nó cũng là giày leo núi. Oscar lắc đầu, bảo cứ làm theo lời hướng dẫn rồi sau này sẽ thấy. Tôi có chút bực mình vì tính cứng nhắc của anh ta, nhưng trong những lúc như này thì đành phải tuân thủ kỷ luật của trưởng đoàn. Áo quần giày dép nai nịt xong xuôi, chúng tôi bắt đầu hành trình leo Kilimanjaro bảy ngày theo cung đường Lemosho, lòng phấn khích pha lẫn chút hồi hộp.
***
NGÀY 1 – 3
Ba ngày đầu đi không dễ không khó, cuốc bộ mỗi ngày cỡ sáu bảy tiếng. Lúc xuất phát chúng tôi đi xuyên qua những tán rừng mưa nhiệt đới rậm rạp. Trên đường chúng tôi bắt gặp những chú vượn lông dài hai màu đen trắng rất đẹp nhưng nhút nhát núp kỹ trên cây hoặc đàn gà gô bạo dạn đi long nhong ra giữa lối mòn. Càng lên cao khí hậu càng lạnh khô. Qua khỏi độ cao 2,700 mét vượt lên trên tầng mây thứ nhất, rừng rậm biến mất nhường chỗ cho bình nguyên bao la đầy đá tai mèo và vô số bụi hoa bất tử trắng rợp trời.
Ngày đi đêm nghỉ. Mỗi tối ăn xong bữa, Oscar luôn chui vào lều cha con tôi để kiểm tra nhịp tim và nồng độ oxy trong máu rồi chụp hình nốt lại kỹ lưỡng. Đoàn mười người nhưng chỉ dựng hai lều, một lều nhỏ vừa đủ cho cha con tôi, và một lều lớn cho tất cả những người còn lại. Lều của chúng tôi là lều xịn, bọc mấy lớp kỹ càng, bên trong có hai tấm nệm dày và túi ngủ. Khoảng hở giữa hai tấm nệm đặt phích nước nóng, trà túi lọc, cà phê hòa tan, sữa ca cao, mứt hộp do một cậu tea boy đều đặn mang đến mỗi khi hạ trại, để chúng tôi có thể dùng bất cứ lúc nào. Còn bên lều lớn chỉ trải sơ sài một tấm bạt, lại phải chừa một góc để nấu nướng do bên ngoài nhiều gió và rất lạnh. Nhưng có lẽ những người trong đoàn cũng đã quen với kiểu sống này rồi.
Khác với Everest basecamp nghe nói vốn có đầy đủ các tiện nghi văn minh dọc đường đi, ở đây hoàn toàn không có điện, internet hay quầy tạp hóa nào. Mỗi tối sau khi đo đạc các chỉ số sức khỏe xong, chúng tôi tắt nốt chiếc đèn pin nhỏ phát ra thứ ánh sáng lờ nhờ treo trên nóc lều rồi chui vào túi ngủ dày cộm như nhộng nằm trong kén, nghe gió lạnh căm đánh phần phật bên ngoài. Tối nào cũng nhiêu đó việc, tự nhiên hình thành một nếp sinh hoạt thường nhật mới hoàn toàn trong đời sống.
Trong đêm tối, tôi khẽ hỏi Quân mọi thứ vẫn ổn chứ. Cậu ta trả lời ngắn gọn “ổn ba”. Ô kê, nếu đã ổn thì là ổn. Tôi cũng thầm mừng vì độ thích nghi của chàng công tử này, dù biết cậu ta đang không cảm thấy thoải mái lắm. Ở đây không có mạng mẽo, tức là không thể stream nhạc hay phim ảnh, không thể chat chit, không thể lướt web, mà những thứ đó từ bao giờ đã âm thầm trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày của những cô cậu tuổi teen. Giữa màn đêm mịt mùng chốn đồi núi hoang vu, chúng tôi cứ trăn trở qua lại rồi chìm dần vào giấc ngủ.
NGÀY 4
Sang ngày thứ tư mới thực sự khoai. Chúng tôi phải vượt qua Bức Tường Barranco cao 257 mét với nhiều dốc đá đứng, phải dẹp hết gậy leo núi và bò bám bằng cả tứ chi. Đặc biệt trên đường có một đoạn rất lắt léo vì bị chắn bởi một tảng đá to thòi ra mé vực chênh vênh. Để vượt qua đoạn này, người đi núi chỉ có một cách duy nhất là giang hai tay ôm bám lấy tảng đá đó, mặt kề sát vách đá xong nhích từng bước một theo cái rãnh tương đối hẹp bên dưới để qua mé bên kia. Lúc đi như vậy, sau lưng họ là con dốc thoai thoải đâm thẳng xuống vực sâu. Vì tư thế đi kỳ quái này mà tảng đá được đặt tên là Kissing Wall, tức muốn đi qua phải ôm hôn nó. Chỉ là một đoạn ngắn thôi, và thực ra cũng không quá khó, nhưng nếu ai bị chứng sợ độ cao chắc cũng có khả năng chào thua.
Lời đề nghị phải mang giày chuyên dụng ngay từ ngày đầu của Oscar quả là có dụng ý. Sau ba ngày chân tôi đã quen với nó, không còn cảm thấy gò bò nặng nề nữa. Chỉ những lúc hạ trại nghỉ đêm tôi mới thay ra và dùng giày của mình để đi lại loanh quanh cho tiện. Lúc đó tôi mới cảm nhận được giày tôi mua nó mới mỏng manh làm sao so với độ sắc cứng của đá sỏi dưới mặt đất nơi đây.
Lagos phó đoàn chợt lên tiếng: “Mới hôm qua, ngay trước khi tới Kissing Wall chỗ đoạn dốc xuống này, một phu vác đã sơ ý trượt chân rơi xuống vực phải có trực thăng cứu hộ tới bốc đi. Tới hôm nay vẫn chưa rõ số phận cậu ta ra sao”. Anh vừa nói vừa chỉ tay vào vị trí chỗ xảy ra tai nạn: “Vì vậy mọi người không được chủ quan, phải hết sức cẩn thận nhé!”. Thông tin của Lagos làm tôi hơi lo, lo cho thân thì ít mà lo cho Quân thì nhiều. Bọn thanh niên này không biết sợ trời kiêng đất, cứ muốn chứng tỏ mình hơn người, lúc nào cũng xăm xăm ào ào tiến tới bất chấp mọi thứ.
Sau một hồi đeo bám bò lết cuối cùng chúng tôi cũng vượt khỏi Bức Tường Barranco. Oscar nói cái mốc này đáng để chụp lại vài bức ảnh kỷ niệm, đoạn bảo cha con tôi làm mấy kiểu tung người nhảy cao hứng khởi. Bất ngờ là Quân cũng đồng ý làm theo. Bình thường cậu chàng chả mấy khi chịu chụp hình, chụp chung với tôi càng hiếm hoi, còn tạo dáng theo ý người khác thì thôi khỏi. Có thể lúc này cậu ta đang cao hứng vì cảm giác mới chinh phục xong một chặng đường quan trọng.
Nghỉ ở Barranco một chút chúng tôi lại rút gậy trek ra để tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi đi thêm cả tiếng đồng hồ trong im lặng. Đoàn phu khuân vác đã tranh thủ đi trước từ lâu để có thời gian hạ trại nấu cơm và chuẩn bị lều bạt sẵn sàng khi chúng tôi đến nơi. Còn bốn người thì Oscar đi đầu, cha con tôi ở giữa và Lagos khóa đuôi. Thấp thoáng phía xa đã thấy khu trại. Tôi mừng quá vì tưởng sắp được nghỉ ngơi, nhưng hóa ra campsite lại nằm bên kia rìa một thung lũng có tên là Karanga. Muốn tới đó trước tiên phải leo xuống đáy thung rồi lại trèo ngược lên, cực không kể xiết.
Chân cẳng rã rời nhưng không còn chọn lựa nào khác, chúng tôi bắt đầu đi xuống lòng thung. Dù sao cảm giác xuống dốc vẫn nhẹ nhàng, đỡ nhọc hơn đi lên. Càng xuống sâu bên dưới phong cảnh càng biến đổi. Bắt đầu xuất hiện một loại cây to hình dáng kỳ lạ gọi là giant groundsel. Trông xa chúng như những bụi xương rồng, mà đến gần thì lại giống những bó kem ốc quế khổng lồ xòe ra, thân dưới lá cháy khô mà phía trên chỏm lại bung nở chùm bông to xanh biếc nhìn như bụi dứa dại.
Trời đã chạng vạng, sương mù không biết từ đâu cứ đùn mãi ra, lẩn quất quanh mấy bụi giant groundsel càng tạo cho khung cảnh xung quanh một vẻ đẹp ma mị thời tiền sử. Chúng tôi lầm lũi đi xuyên vào trong màn sương mù và rừng cây kỳ lạ đó, lần theo lối mòn để lên phía bên kia thung. Tôi bất giác ngoái đầu lại, thấy phía sau lại có một tốp người đang lần theo con dốc đi xuống như chúng tôi khi nãy. Những cái bóng nhỏ xíu nối tiếp nhau theo một hàng dài của họ trông như đàn thú di cư.
Giữa màn mây phủ mờ lởn vởn, tôi dùng nốt chút sức lực còn sót lại trong ngày để leo lên hết con dốc vượt khỏi thung lũng, cuối cùng cũng lên được đến trại Karanga cao 3,995 mét so với mực nước biển. Kể từ ngày thứ ba, mỗi lần đến một khu trại mới tôi đều muốn chụp lại tấm ảnh lưu niệm với cổng trại đó. Quân bắt đầu hợp tác, không xua tay từ chối như thường lệ mà đã chịu đứng vào chung khung hình cùng tôi. Vài chục năm sau, tôi nghĩ, nó sẽ trở thành những kỷ niệm quý giá.
NGÀY 5
Leo Kilimanjaro theo cung Lemosho sẽ tuân thủ chiến thuật ban ngày lên cao ban tối rút xuống thấp hạ trại nghỉ đêm, để cơ thể thích ứng với tình trạng thiếu oxy của bầu không khí cứ dần loãng ra. Chiều ngày thứ năm là bài tập lên cao cuối cùng. Chúng tôi sẽ leo lên con dốc ở độ cao gần 4,700 mét trước khi lui về hạ trại ở Barafu để chuẩn bị cho Ngày Quan Trọng. Chiều hôm đó, trong lúc leo cha con tôi đã phải chứng kiến đến ba bạn tây lần lượt ôm ống thở có người dìu xuống. Chợt thấy thật tiếc cho họ, vì hành trình đã dần về đích rồi mà lại lỡ làng phải bỏ dở cuộc chơi. Tiếc cho người và thầm mừng cho bản thân mình vì may mắn vẫn còn khỏe mạnh để đi tiếp. Tôi đoán Quân chưa có những cảm giác này đâu. Ở tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu bọn thanh niên hay nghĩ nhiều thứ chúng đang có là chuyện hiển nhiên.
Chiều muộn chúng tôi về tới trại Barafu 4,673 mét. Trại này khá đông vì là nơi tập kết của nhiều tuyến từ các hướng khác nhau để cùng lên đỉnh vào ngày cuối. Ai nấy đều hối hả dựng lều, chuẩn bị xoong nồi cho bữa cơm tối rồi tranh thủ nghỉ sớm. Ở cổng trại Barafu có bảng thông báo nội dung như sau:
“Quý bằng hữu leo núi thân mến, xin vui lòng ĐỌC KỸ:
- Đừng quá gắng sức để lên độ cao cao hơn nếu bạn thấy thường xuyên khó thở, nhức đầu hoặc có bất cứ triệu chứng nào liên quan đến bệnh độ cao.
- Hướng dẫn viên và kiểm lâm bản địa là những người hiểu rõ các rủi ro của việc leo núi, vì thế hãy lắng nghe lời khuyên của họ.
- Các đoàn trưởng phải tuân thủ hướng dẫn của kiểm lâm. Chúng ta ai cũng là người yêu núi, hãy để việc leo trèo luôn an toàn bằng cách cân nhắc LEO TRỞ XUỐNG nếu đó là quyết định phù hợp hơn.”
NGÀY 6
Nếu như năm ngày trước chúng tôi thường xuất phát lúc 7:30 sáng thì riêng ngày 6, Ngày Quan Trọng, thời điểm khởi hành là quá nửa đêm một chút. Vì sao? Vì nếu đi ban ngày, cái nắng kinh hoàng sẽ dễ dàng đánh gục đa số người leo, và tỷ lệ lên đỉnh thành công do vậy sẽ thấp, Oscar giải thích.
Nửa đêm, Lagos qua lều gọi chúng tôi dậy. Trong đêm tối lạnh lẽo, anh quỳ xuống đất tỉ mẩn buộc từng nút giày cho cha con tôi, vẫn kỹ lưỡng chỉn chu như bao ngày trước đó. Từ trại này, nhóm bốn người gồm Oscar, Lagos, tôi và Quân sẽ tiếp tục leo lên đỉnh, còn toán phu khuân vác sẽ nhanh chóng trở xuống một cái trại khác trên đường về để chờ chúng tôi. Khi chuẩn bị rời đi, tôi thấy xung quanh khu trại vẫn còn nhiều lều chỉ mới lục tục thức dậy, hoặc thậm chí vẫn còn tối om chưa sáng đèn. “Có thể họ muốn xuất phát tầm 2:00 sáng, nhưng đoàn ta thì nên khởi hành sớm hơn, càng sớm càng tốt”, Oscar xốc lại cái ba lô trên lưng, giọng khàn đục.
Leo núi trong đêm đen quả là một trải nghiệm thật kỳ lạ. Với chiếc đèn headlamp đeo trên trán, ta đặt trọn niềm tin vào quầng sáng trước mặt và bước chân của người dẫn, vì xung quanh chỉ có bóng tối mịt mùng đặc quánh cùng tiếng gió rít ù ù đánh rát bên tai. Thi thoảng tôi ngước nhìn lên phía trên cao, thấy lập lòe ánh đèn thoắt ẩn thoắt hiện của nhóm người xuất phát trước đó, có lúc kéo thành vệt dài trông như một lũ linh dương đầu bò lầm lũi đi theo hàng trong cuộc đại di cư.
Đoạn đường mang tính chất quyết định này đi dốc một mạch từ 4,662 mét lên tới đỉnh 5,895 mét, trung bình mất tầm bảy tiếng, chủ yếu là đi dích dắc nhưng cũng có vài đoạn phải xếp gậy trèo qua mấy mô đá. Đá trên này to, nhiều gờ nhiều vân dễ bám, thế nên cũng đỡ sợ khi phải trèo trong đêm tối khi mà một bên là rìa vực.
Tối hôm trước, kế hoạch chuẩn bị sức khỏe để lên đỉnh là phải hoàn tất mọi việc trước 19:00, từ việc ăn xong bữa, đo nhịp tim, đo SpO2, uống Diamox, để có năm tiếng ngủ và đúng nửa đêm thức dậy sửa soạn đồ đạc lên đường. Quái quỷ thế nào mà tôi lại không ngủ được, có thể do tâm lý vừa hồi hộp vừa phấn khích. Tôi nằm trăn trở trong chiếc túi ngủ, nhìn qua bên Quân thì thấy ông con đã khò khò được một chốc, đúng kiểu đang tuổi ăn tuổi lớn. Tôi nhìn con trai ngủ và cứ trằn trọc mãi, rồi cũng đến giờ Lagos qua gọi dậy để khởi hành.
Chính vì sự không ngủ được này lại đẻ ra lắm vấn đề. Lúc bắt đầu đi tôi vẫn khỏe bình thường như mọi hôm. Tới gần 3:00 sáng, sau khi dừng nghỉ uống nước chặng đầu tiên xong thì cơn buồn ngủ bắt đầu len lén đánh thọc mạn sườn. Chúng tôi vẫn đi theo đội hình Oscar dẫn đầu, Quân theo sau, tôi bám lưng ông con và Lagos khóa đuôi. Những lúc đi nhập với nhóm khác còn đỡ, vì có nhiều bóng người, có ánh sáng, có tiếng động bước chân, thậm chí có tiếng hò dô động viên nhau vui vẻ trong đêm tối. Nhưng những lúc tách ra vượt lên trước, khi chỉ còn nhóm nhỏ bốn người, cơn buồn ngủ lại ập đến làm đầu tôi váng vất. Và ảo giác bắt đầu xuất hiện. Cứ mỗi khúc quanh chỗ đoạn dích dắc, tự nhiên tôi lại thấy một cái phản tre kê nơi góc sân nhỏ dưới một mái nhà lợp lá, và chỉ muốn ngả lưng xuống phản ngủ liền một giấc. Cũng không hiểu sao lại là mái lá, là phản tre, là một góc ngả lưng miền tây nam bộ trong thẳm sâu ký ức nào, chứ không phải cái giường nệm thân quen ở nhà, hay thậm chí cái túi ngủ vốn đã chui ra chui vào mấy bữa nay.
Gió vẫn thổi ù ù lạnh buốt, dù cha con tôi mỗi người đã mặc tới ba lớp áo thermal giữ nhiệt bên trong cùng hai áo khoác dày sụ ở ngoài, quần cũng ba lớp và vớ dày weatherproof hai lớp vợ tôi đã chuẩn bị sẵn cho. Tôi nắm chặt hai cây gậy trek, tiếp tục cúi đầu bước đi trong đêm đen, vẫn tiếp tục thấy vô số mái lá phản tre ở mỗi khúc cua dù đã dừng nghỉ uống nước thêm hai lần. Ở những đoạn hẹp đụng phải nhóm người đông đúc xuất phát trước đó, Oscar ra hiệu bảo chúng tôi đi vòng lối đường tránh để vượt lên trên, nghĩa là phải rướn qua những con dốc xa hơn và cao hơn. Tôi chợt thấy cáu giận với anh ta. Vì sao phải cố đi nhanh trong khi sức người đang lử lả. Ở trên ngọn núi cao này, có câu hát cửa miệng mà những người leo chúng tôi đều thuộc và nghêu ngao suốt mấy ngày qua: “Kilimanjaro, pole pole, hanuka matata”, nghĩa là “Kilimanjaro, cứ chầm chậm nhé bạn ơi, rồi mọi sự sẽ ổn thôi”. Chính Oscar cũng hay bảo chúng tôi như thế, nhưng lần này anh ta lại hành xử thật khác lạ. Có một đoạn tôi tỏ ý chống đối. Mặc anh ta đi lối tránh, tôi vẫn cứ chờ nhóm người chậm chạp đang gây ra cảnh tắc đường lần lượt bước tới rồi mới theo sau họ đi lối chính. Nhịp đi này nói thật cũng giúp tôi thấy đỡ mệt hơn chút. Quân thoáng quay lại nhìn tôi nhưng không nói gì, lại nhanh chóng bám theo Oscar vượt lên mất hút phía trước. Con sư tử trẻ tuổi quả đang có dịp tốt để chứng minh sức mạnh trội hơn của nó trước con sư tử già vốn nắm quyền thống trị bầy đàn ở nhà bấy lâu nay.
Lagos có vẻ cũng không đồng tình với phương án của Oscar. Trong suốt hành trình tôi thấy anh ta có độ lão luyện và kỹ năng không thua kém gì đoàn trưởng, thậm chí đôi lúc còn linh hoạt hơn con người có dáng vẻ lừ khừ kia. Nhưng phận là đoàn phó, anh ta vẫn phải thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Hộ tống tôi lẫn trong đám đông thêm một lúc, có lẽ sợ Oscar sẽ quở trách nên Lagos cố gắng giúp tôi vượt lên trên. Lại tiếp tục thấy những cái phản tre. Tôi bảo Lagos điều đó. Anh ta ân cần vỗ nhẹ lưng tôi động viên: “Hiện tượng bình thường thôi. Chút nữa bình minh lên anh cứ nhìn vào mặt trời sẽ thấy đỡ hơn”.
6:00 sáng. Phía chân trời xa bắt đầu hửng lên một dải cam kéo thành vệt dài. Đến điểm check-in Stella Point 5,756 mét nhiều người phấn khích reo lên và tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm, vì đây là cột mốc quan trọng cuối cùng trước khi đi tiếp lên chóp đỉnh Uhuru 5,895 mét. Dải cam kia giờ đã nở thành một quầng sáng mịn màng lộng lẫy. “Hai cha con anh có muốn chụp một kiểu ở đây không?”, Oscar mỉm cười hỏi, vẻ mãn nguyện vì đã giữ kịp tiến độ đề ra. Thoáng thấy ông con khẽ lắc đầu, mệt mỏi tựa vào một vách đá đứng trầm ngâm không nói câu nào. Còn tôi, lần đầu tiên trong đời đã mất hết kiểm soát. Theo bản năng tôi mò tới một hốc đá hơi khuất gió, rồi cứ thế ngồi thụp xuống, ôm rịt hai cây gậy vào lòng và thả trôi bồng bềnh vào vùng sáng cam mỡ màng kia.
“Dậy! Dậy mau. Anh không được ngủ đâu, vì ngủ là sẽ thua cuộc đó. Ta phải đi tiếp thôi!”. Cái giật vai của Lagos giúp tôi lờ mờ quay trở lại thực tế. Quân đã lại theo Oscar đi khuất dạng. “Còn bao lâu nữa mới tới Uhuru?”, tôi mệt mỏi hỏi. “Một tiếng đồng hồ nữa thôi. Cố lên. Ta đã gần sát lắm rồi”, Lagos động viên.
Thành thật mà nói, trong một tiếng đồng hồ tiếp theo đó tôi đã lết đi như một con zoombie, đi trong trạng thái liêu phiêu nửa mơ nửa tỉnh, dù không còn cảm thấy muốn ngồi thụp xuống ngủ nữa. Gần tới đỉnh Uhuru, những khối băng vĩnh cửu đẹp lộng lẫy bắt đầu xuất hiện. Để tả một cách đơn giản, nó giống như gành đá đĩa nổi tiếng ở Phú Yên nhưng được bọc trong băng, với kích thước khổng lồ vươn tua tủa lên trời, sừng sững trong sự tĩnh lặng ngàn năm. Cảnh đẹp như vậy, kỳ quái thay, lúc đó lại không làm tôi xúc động như thường lệ. Nó cứ bềnh bồng lướt qua, đẩy tôi trôi về hướng đỉnh Uhuru phía trước.
Lên tới nơi đã thấy Oscar và Quân đứng chờ. Tôi mở bình toong nhấp mấy ngụm nước và được phép ngồi nghỉ một chút. Oscar bảo Lagos lấy máy ra đo nồng độ Sp02 trong máu cho tôi, con số hiện lên 62. “Không đến nỗi tệ, nhưng ta phải tranh thủ chụp một tấm ảnh kỷ niệm cho nhanh rồi mau đi ngược xuống dưới. Trên này không khí rất loãng, ở lâu nguy hiểm”, anh ta giục.
Không còn chút sức lực nào để cảm thấy phấn khích khi được đặt chân lên đỉnh như trong tưởng tượng ban đầu, cuối cùng cha con tôi cũng chụp chung được một tấm ảnh lúc gần 7:00 sáng, dưới một tấm bảng liệt kê đủ thứ danh hiệu kêu xủng xoẻng [mà mãi sau này khi đã hoàn hồn tôi mới đọc được qua tấm ảnh chụp].
“Núi Kilimanjaro. Xin chúc mừng.
Bạn đang ở đỉnh Uhuru, Tanzania, 5,895 mét/19,341 feet so với mực nước biển. Điểm cao nhất châu Phi. Ngọn núi đơn cao nhất thế giới. Một trong những ngọn núi lửa lớn nhất thế giới. Kỳ quan châu Phi. Di sản thế giới.”
Nắng lên rực rỡ. Vậy là chúng tôi đã mất 6 tiếng 20 phút để lên tới đỉnh, sớm hơn tốc độ trung bình 40 phút, nhưng nói thật là quá đỗi nhọc nhằn.
NGÀY 6 – 7 ĐƯỜNG XUỐNG
Nắng ấm đã giúp tôi tỉnh táo lại đôi chút. Nhưng đường xuống lại là một sự khó khăn kiểu khác – một kiểu tháo chạy để có được thêm nhiều oxy hơn trong phổi. Ở đoạn về, Oscar phân công Lagos đưa Quân đi trước, còn anh ta kèm tôi theo sau. Hai người bọn họ chẳng mấy chốc đã mất tăm. Tôi cũng khá ngạc nhiên với sức lực của con trai, dù gì đây cũng là lần leo núi đầu tiên của cậu ta.
Con dốc thoai thoải đầy đá dăm, cát lún và tro bụi của núi lửa khiến tôi phải đi như chạy theo trớn lao xuống, và cứ thế kéo dài liên tục gần hai tiếng đồng hồ hầu như không dừng. Những ai bị khô khớp gối như tôi chắc sẽ thấm thía cái tốc độ đi xuống kiểu này. Không như Quân và Lagos đã bỏ gậy di chuyển tay không, Oscar khuyến khích tôi vẫn nên dùng đôi gậy để kềm bớt trớn. Sau khi lên được đỉnh rồi anh ta không còn thúc giục tôi phải đi nhanh nữa.
Dưới cái nắng gay gắt, Oscar bảo: “Giờ thì anh hiểu vì sao lúc đi lên tôi luôn muốn mọi người phải vượt trước rồi chứ? Nếu ta cứ nhấn nhá chờ mấy đoàn khách đông dọc đường kia thì cái nắng này sẽ vật ngã ta, hoặc không lên nổi tới đỉnh, hoặc sẽ phải có một quãng đi xuống thê thảm”. Tôi đồng ý với Oscar về điểm cần phải vượt sớm lên trước, nhưng tình cảnh của chúng tôi lúc này thực sự cũng không thể nói là êm đẹp gì. Sau hai tiếng lao dốc đầu tiên là hai tiếng… lao dốc tiếp theo dù tốc độ có giảm hơn, để về lại được trại Barafu nghỉ trưa.
Lết tới Barafu, vừa thấy cái lều quen thuộc tôi liền chui ngay vào. Quân đã về tới trước nằm sẵn ở đó, mắt lim dim, vẫn cố giữ vẻ cool ngầu không than thở một tiếng. Nắng hun cái lều nóng như điên, cảm giác rất ngốt như khi chui vào bên trong một chiếc xe hơi tắt máy đỗ giữa đường dưới trời trưa nắng. Nhưng mặc kệ, tôi lấy hai cái khăn dấp nước cho ướt rồi cha con chia nhau trùm lên mặt thiếp đi một lúc.
Nghỉ trưa phục hồi được chút sức lực chúng tôi lại bị dựng đầu dậy, phải đi tiếp thêm ba tiếng đồng hồ xuống tới Mweka camp hạ trại ở độ cao 3,100 mét. Lúc này mới là lúc thực sự được nghỉ ngơi. Ngày 6 quả là Ngày Trọng Đại với hơn 13 tiếng đồng hồ quần quật lên rồi xuống, lử cả lả. Trong lúc mọi người tất bật chuẩn bị bữa cơm tối, Oscar tìm gặp tôi. “Có điều này tôi nên cho anh biết. Lúc trên đỉnh Uhuru, chỉ số SpO2 của con trai anh chỉ còn 56 thấp hơn cả anh, vì cậu này ít chịu uống nước quá. Nhưng may có sức thanh niên nên cậu ta vẫn khỏe và hoàn thành mục tiêu rất tốt. Chúc mừng hai cha con nhé!”.
Sang ngày 7, sau một đêm ăn uống ngủ nghỉ phục hồi năng lượng đầy đủ, chúng tôi đi chặng cuối năm tiếng đồng hồ xuống chân núi. Đoàn nhổ trại khởi hành từ sáng sớm sau khi cùng hát bài ca chia tay. Hai tiếng đầu chúng tôi bước trên những con đường đá gồ ghề nhưng lại khá dễ đi, băng qua một vạt rừng bạt ngàn gốc đào cháy còn trơ gốc đen thui vì một trận hỏa hoạn hai năm trước. Ba tiếng tiếp theo chúng tôi phải đi men một con đường mòn xuyên rừng đầy bùn nhão nhớp nháp, siêu lầy lội và trơn trượt. “Trên kia trời quang ít mây, còn dưới này mấy đám mây dày cứ bị mắc kẹt trong những tán rừng rậm rạp nên mưa rả rích suốt”, Oscar giải thích. Tôi nắm chặt đôi gậy lò dò bám theo anh ta vì chứng sợ trơn trượt lại trỗi lên. Còn Quân với Lagos, như thường lệ, lại lao nhanh mất hút phía trước.
Xuống tới trạm cuối gần dưới mặt đất cách bãi đỗ xe khoảng nửa tiếng đi đường, tôi thấy có một chiếc cứu thương chờ sẵn. Một đôi nam nữ trung niên có vẻ lớn tuổi hơn tôi đến trước một lúc, người nam dìu người nữ khập khiễng bước lên xe, xong chiếc xe liền vọt đi. Tôi cũng không rõ chị ta bị vấn đề gì, nhưng ở đây, hoặc bạn sẽ được bốc xuống bằng trực thăng khi còn ở trên cao, hoặc sẽ phải tự lội bộ hay nhờ phu khuân vác cõng xuống tận trạm dưới này nếu chẳng may đang đi lưng chừng mà gặp vấn đề. Lý do đơn giản vì đường xuống quá xấu không có phương tiện cứu hộ thông thường nào tiếp cận được. Tự nhiên tôi lại thấy thật biết ơn. Biết ơn vì đã may mắn hoàn thành cuộc leo núi này một cách bình an vô sự, cả tôi và con trai tôi. Biết ơn vì đã được cuộc đời ban cho vô vàn trải nghiệm thú vị dọc đường, giúp tôi hiểu được thêm về bản thân mình, đi qua được những trạng thái và cảm xúc mà trước đó tôi chưa từng biết tới. Dù khoảnh khắc “lên đỉnh” có hơi bê bết tí nhưng cũng đâu có sao. Trước thiên nhiên triệu năm con người quả thật bé mọn, nên cái cảm giác ngạo nghễ chinh phục, cái khái niệm tự hào vinh quang gì gì đó quả thật đáng thương. Tôi hy vọng Quân sẽ sớm chia sẻ cùng tôi suy nghĩ này. Không, không phải bây giờ, tôi biết. Bọn thanh niên mới lớn vẫn luôn nghĩ chúng là trung tâm của vũ trụ.
- Xem thêm: Thung lũng Omo. Chuyến đi chữa lành