Đã đi làm thì ai chẳng từng gặp áp lực do công việc gây ra. Ở thời buổi hiện đại, một số doanh nghiệp có điều kiện đã cho các nhân viên của mình học cách quản lý sự căng thẳng để họ có hướng ứng xử hợp lý với nhiều vấn đề không đơn giản thường xuyên xuất hiện trong môi trường làm việc.
Dưới đây là một câu chuyện kể về khóa học như vậy.
Giảng viên của lớp học mang ra một ly nước và hỏi: “Theo các anh chị thì ly nước này nặng bao nhiêu?”. Nhiều câu trả lời được nêu ra và mọi người cho rằng ly nước nặng trong khoảng từ 20 đến 50 gam.
Giảng viên chuyển hướng: “Khối lượng tuyệt đối của ly nước không phải là vấn đề, mà điều quan trọng là các anh chị cố gắng cầm được ly nước trong bao lâu. Nếu cầm nó trong một phút thì chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra, nhưng trong vòng nửa giờ, có thể xuất hiện một cơn đau nhẹ ở cánh tay cầm ly nước. Khi ai cố gắng giữ nó liên tục suốt ngày thì có thể sẽ phải… gọi xe cấp cứu! Cho dù ly nước khá nhẹ, nhưng nếu giữ nó càng lâu thì việc rất đơn giản ấy càng trở nên nặng nhọc”.
- Xem thêm: Khi nào nhân viên đang bị quá tải?
Từ đó, giảng viên đề cập đến vấn đề chính: “Đó cũng là cách mà chúng ta tiếp cận với khái niệm quản lý căng thẳng. Nếu phải gánh áp lực công việc lâu dài, sớm muộn gì gánh nặng cũng sẽ lớn lên cho đến lúc chúng ta không thể chịu nổi.
Để cầm được ly nước lâu, sau một lúc cầm, ta phải đặt nó xuống để nghỉ một chút rồi lại cầm nó lên. Việc cầm cự với công việc chuyên môn cũng vậy, nhiều khi chúng ta cần nghỉ ngơi, thư giãn cho người tươi tỉnh lại thì mới tiếp tục được với gánh nặng của mình.
Xin có lời khuyên là hôm nay, khi rời khỏi công sở, các anh chị hãy để gánh nặng công việc ở lại, đừng mang nó về nhà. Sáng mai, chúng ta sẽ quay lại và tiếp tục vật lộn với nó. Gánh nặng bạn đang phải vật lộn cho dù quan trọng đến đâu chăng nữa, nhưng khi đã cảm thấy mệt thì cứ tạm gác sang một bên để nghỉ giải lao.
Có vậy chúng ta mới đủ sức bền để làm việc lâu dài cho đến tuổi nghỉ hưu. Đừng nghĩ rằng ráng thêm chút để hoàn thành công việc rồi sau đó sẽ thoải mái nghỉ ngơi để bù đắp lại. Cách nghĩ đó lợi bất cập hại, công việc sẽ vắt kiệt sức lao động của bạn”.
Trong doanh nghiệp, mỗi nhân viên đều phải ôm một gánh nặng công việc với những tính chất rất khác nhau. Ngoài mức độ khó hay dễ của công việc về mặt chuyên môn (đòi hỏi những năng lực và kinh nghiệm nhất định), còn có một khía cạnh khác là hoàn cảnh làm việc.
Nếu biết được nhân viên dưới quyền sắp bị quá tải, nhà quản trị giỏi tâm lý sẽ chủ động giúp nhân viên tạm thời đặt gánh nặng xuống để nghỉ cho lại sức, tức là tạm thời giảm đi áp lực cho nhân viên, nhờ đó sức bền của nhân viên không bị hao hụt. Nhân viên sẽ có đủ thể lực để “chạy marathon” và đó là thành công có tính chiến lược của nhà quản trị.
Do vậy, việc quan sát để bao quát tình hình và thái độ làm việc của nhân viên cũng quan trọng như việc nhà quản trị có trình độ chuyên môn sâu để giúp đỡ đội ngũ nhân viên nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
- Xem thêm: Chuyện về những ngày trong tuần
Trong sự bao quát đó, nhà quản trị giỏi nhìn thấy được ai đang hào hứng với công việc thì động viên, ai đang bị căng thẳng dồn nén thì giúp giải tỏa. Việc làm đó luôn mang lại hiệu quả rất thiết thực vì duy trì được nguồn sinh lực của doanh nghiệp.
Tóm lại, điều quan trọng trong chiến lược con người tại doanh nghiệp không chỉ là thu hút người tài và nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ nhân viên, mà còn biết dưỡng sức làm việc của họ, giúp họ luôn duy trì được sức bền cần thiết.