Thời gian qua, một sản phẩm du lịch mới ở Tây Nguyên đang được du khách trong, ngoài nước ngày càng chú ý là các trang trại sản xuất cà phê chồn. Giữa bối cảnh xây dựng thương hiệu chung cho cà phê chồn Việt Nam còn khó khăn, chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm nhiều bấp bênh thì việc thu hút du khách đến tận nơi sản xuất để thưởng thức tỏ ra là cách làm hiệu quả.
Làm dòng sản phẩm du lịch cao cấp thêm phong phú
Tại Đà Lạt, trang trại số 135E Hoàng Hoa Thám, P.10 được coi là điểm sản xuất cà phê chồn đầu tiên đưa vào khai thác du lịch ở tỉnh Lâm Đồng. Trang trại rộng 2,4ha này được ông Nguyễn Quốc Minh đầu tư làm chuồng và nuôi 120 con chồn hương để sản xuất cà phê chồn theo quy trình khép kín với vốn đầu tư 42 tỉ đồng. Trong lượng khách đến với trang trại 135E thì Việt kiều và người nước ngoài chiếm tỷ lệ đáng kể. Trung bình một ngày trại bán được 20-30 ly cà phê chồn, ngày lễ có thể bán được khoảng 100 ly. Tiếng lành đồn xa. Nhiều khách ở xa muốn mua cà phê chồn làm quà biếu cũng lặn lội đến tận trại để mua cho được hàng thật.
Không phải là trang trại nhưng cà phê Pini nằm trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm cũng đang nỗ lực thu hút đối tượng du khách có mức chi tiêu cao bằng đặc sản cà phê chồn. Có lợi thế về cảnh đẹp, kết hợp với bộ sưu tập xe gắn máy cổ giá trị, điểm phục vụ cà phê chồn này được đánh giá là đã làm phong phú thêm cho dòng sản phẩm du lịch cao cấp của Đà Lạt. Không sang trọng như Pini và cách trung tâm Đà Lạt đến 20 cây số nhưng Mê Linh Coffee Garden (xã Tà Nung, huyện Lâm Hà) hầu như ngày nào cũng tấp nập khách du lịch nước ngoài với hướng dẫn viên các hãng lữ hành quốc tế. Chỉ với lò nấu rượu, trại trồng nấm và cà phê chồn, mỗi ngày chủ nhà đón được khoảng trăm khách, có ngày cao điểm lên tới 200 khách du lịch nước ngoài. Ðiểm đến này không bán vé tham quan. Doanh thu đến từ việc bán rượu và những ly cà phê chồn giá từ 60 ngàn đồng. Du khách Jonny Kohl (Đức) chia sẻ: “Từng thưởng thức Kopi Luwak ở Indonesia nên sau khi nghe nói Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới và cũng là vương quốc của chồn, chúng tôi quyết tìm cho được cà phê chồn để uống thử, vừa thỏa mãn đam mê cà phê vừa để so sánh với một số thương hiệu khác”. Trên các website phổ biến về du lịch hiện nay, những cảm xúc và ghi nhận của khách du lịch và đánh giá của các hãng lữ hành đối với trang trại cà phê chồn là khá tốt. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cà phê chồn ngon thật sự, quy trình sản xuất thú vị và phong cảnh xung quanh các trang trại rất đẹp. Đặc biệt các trang trại đều không thu phí vào cửa, giá một ly cà phê chồn nơi lấy cao nhất cũng chỉ 200 ngàn đồng.
Tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, nhiều du khách cũng bỏ tiền triệu ra mua cà phê sau khi tham quan trang trại nuôi chồn của Công ty Cà phê Kiên Cường. Trang trại này nuôi nhiều loại động vật hoang dã như rắn, trăn, dúi, nhím đá, chim trĩ, kỳ đà… với hệ thống chuồng trại đạt chuẩn. Được quan tâm nhất vẫn là đàn chồn hương gần 200 con. Chồn được nuôi bằng thịt và trái cây để sản xuất ra cà phê chồn vào mùa cà phê chín. Toàn bộ quy trình từ nuôi chồn cho đến rang xay của Công ty Kiên Cường đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Vốn đầu tư cho quy trình này lên đến gần chục tỉ đồng và mất 13 năm cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.
Góp phần phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam
Trên thế giới hiện chỉ có Indonesia và Việt Nam đang phát triển thương hiệu cà phê chồn. Nếu nguồn cà phê chồn ở Indonesia chủ yếu từ chồn hoang dã thì tại Việt Nam cà phê từ chồn nuôi chiếm đại đa số. Sản lượng cà phê chồn của Indonesia chỉ khoảng 500kg/năm nhưng nước này vẫn đầu tư khá nhiều cho việc quảng bá, bởi danh tiếng của loại cà phê cao cấp sẽảnh hưởng tích cực đến cả ngành cà phê Indonesia. Tại Việt Nam trong những năm qua, việc nuôi chồn khai thác cà phê lan rộng đã làm thị trường có nhiều biến động, tuy nhiên việc phát triển thương hiệu thì mỗi doanh nghiệp tự làm chứ chưa có sự liên kết hay hỗ trợ từ hiệp hội nên hiệu quả chưa cao. Chủ các trang trại cho biết nuôi chồn hương để có cà phê chồn không quá khó nhưng cũng khá dày công và tốn kém. Một con chồn giống có giá từ 12-15 triệu đồng. Với đàn chồn trên dưới 50 con thì vốn đầu tư con giống và làm chuồng nuôi nhốt đã lên đến tiền tỉ. Số tiền mua đất và trồng cà phê còn cao gấp nhiều lần. Gần đây, trước yêu cầu bảo vệ động vật của du khách, bên cạnh việc xây dựng tường rào bao quanh, một số trang trại ở Tây Nguyên còn trồng thêm một số loại cây thân gỗ khác ngoài cà phê để tạo môi trường giống trong tự nhiên, nhằm bảo tồn bản năng hoang dã của chồn. Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ Mê Linh Coffee Garden cho rằng chi phí đầu tư sản xuất cà phê chồn vì vậy sẽ cao hơn, nhưng bù lại sẽ có sản phẩm đặc sắc, xây dựng được thương hiệu đẳng cấp quốc tế.
Hiện nay tại các chợ bán đặc sản, việc cà phê chồn thật giả lẫn lộn đang làm mất đi giá trị mà mặt hàng này đem lại. Một chủ trang trại nuôi chồn cho biết ở cả Tây Nguyên, số lượng chồn được chăn nuôi cho mục đích kinh doanh cà phê không quá 10.000 con thì tổng sản lượng cà phê chồn được đưa ra thị trường cũng không quá nhiều để có thể kéo giá bán mỗi kg từ vài chục triệu đồng xuống còn vài trăm ngàn đồng. Giá cà phê chồn thu hoạch tự nhiên hiện khoảng từ 36-60 triệu đồng/kg, còn cà phê chồn nuôi thì khoảng 9-20 triệu đồng/kg.
Cách đây khá lâu, tại vùng núi thuộc tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan, một sản phẩm đắt tiền hơn cả cà phê chồn là cà phê voi khi ra mắt đã được du khách quốc tế đón nhận. Ở Việt Nam, cuối năm 2015, Công ty Cà phê Cao Nguyên Việt cũng đã đưa ra thị trường được 10kg cà phê voi với giá 30 triệu đồng/kg. Công ty này đã liên kết với ông Đàng Năng Long, quản tượng đang sở hữu 17 con voi ở thị trấn Liên Sơn, tỉnh Đắk Lắk để làm ra sản phẩm độc đáo trên. Kỹ thuật sản xuất cà phê voi cũng tương tự như cà phê chồn, tức tốn kém về chi phí và công sức. Hơn 30kg thức ăn của voi từ nhiều loại trái cây, các loại bột và hạt cà phê chín mọng (phải là cà phê chín, sạch, không có thuốc trừ sâu thì voi mới chịu ăn) mới thu được 1kg cà phê voi thành phẩm.
Tại các quốc gia nổi tiếng về du lịch ở châu Á như Malaysia, Maldives, Thái Lan, lượng khách mua cà phê voi, chồn để làm quà, hay sử dụng trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp không hề thấp. Cà phê chồn, voi Việt Nam nếu được quảng bá hiệu quả không những tác động tích cực đến cả ngành cà phê, mà còn góp phần làm cho ngành du lịch thêm hấp dẫn.
Xuân Thu (DNSGCT)