Để kích thích sự tăng trưởng kinh tế đang hồi trì trệ, Ngân hàng trung ương Nhật (BoJ) vừa công bố sự thay đổi đường lối hoạt động nhắm vào ba mục tiêu chính: (1) Không thay đổi lãi suất ngân hàng và duy trì lãi suất của trái phiếu chính phủ 10 năm ở mức hiện nay là 0%; (2) Tiếp tục mua các loại tài sản, trong đó có công trái chính phủ với mức tương đương 787 tỉ USD/năm; (3) Đẩy tỷ lệ lạm phát lên trên 2% như đã hoạch định cách nay hơn ba năm.
Những biện pháp trên đưa đến nhiều hệ quả khác nhau. Một lãi suất âm (-0,1%) đang tạo áp lực lên nền tài chính của nước Nhật, giữ lãi suất trái phiếu 10 năm ở mức 0%, chỉ số Nikkei gia tăng sau lời tuyên bố của BoJ, trong khi đồng yen suy yếu ở mức 102,5 yen ăn 1 USD. Lãi suất âm có thể giúp các ngân hàng thương mại sử dụng quỹ dự trữ để cho các doanh nghiệp vay hầu đối phó với tình trạng ngưng trệ của nền kinh tế. Nhưng lãi suất âm cũng bị giới tài chính coi như một thất bại, khi giá hàng hóa của Nhật ở ngoài nước tăng cao, đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế. Một số nhà bình luận chỉ trích các biện pháp mới của BoJ là đang tiến gần đến giới hạn của những gì mà chính sách tiền tệ của nước Nhật có thể thực hiện để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế. Theo họ, các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cần song hành với các chính sách kinh tế của chính phủ Abe (Abenomics), thực hiện ba trụ cột kinh tế, trong đó có sự cải tổ về cơ cấu. Tokyo cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc phân phối hàng hóa như một phần trong chính sách Abenomics nhằm thúc đẩy tăng trưởng, hơn là tiếp tục dựa vào ngân hàng trung ương.
LHCT tổng hợp (DNSGCT)