Ngày 16-9 vừa qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI – Nhật Bản) tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”. Trong buổi hội thảo, các chuyên gia của Nhật Bản đã nêu lên thực trạng và đề xuất biện pháp khắc phục những hạn chế trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam.
Theo ước tính của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), đối với các sản phẩm sản xuất cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam thì chỉ có lĩnh vực môtô xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa 95%, còn các lĩnh vực khác như điện tử, ôtô, sản phẩm công nghệ cao thì tỷ lệ nội địa hóa đều dưới 20%. Tiến sĩ Yoichi Sakurada thuộc MRI nhận xét: “Về công nghệ – kỹ thuật, Việt Nam đang tụt hậu so với nhiều nước Đông Nam Á hơn 40 năm”. Theo phân tích của vị tiến sĩ này, Việt Nam hiện tại có đầy đủ văn bản pháp lý, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, song việc thực thi các chính sách đó lại rất hạn chế. Khảo sát của MRI cũng cho thấy, Việt Nam có rất nhiều trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) – chủ thể của công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Tuy nhiên, các trung tâm này chủ yếu chỉ tập trung vào hỗ trợ thủ tục hành chính chứ không có khả năng tư vấn công nghệ và kỹ thuật. Điều đó khiến cho chức năng của các trung tâm bị trùng lặp và việc hỗ trợ không đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngoài các trung tâm hỗ trợ của Bộ, ngành thì các địa phương tại Việt Nam đều có trung tâm hỗ trợ CNHT. Theo khảo sát của MRI, hiện mỗi tỉnh trên cả nước đều có hai trung tâm, hai hệ thống trợ giúp. Một trung tâm hỗ trợ nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn chính sách của Chính phủ, hỗ trợ điều tra thị trường, kết nối kinh doanh… Tiếp nữa là ở các Sở Công thương cũng có Trung tâm khuyến công cung cấp thông tin, lời khuyên, tư vấn quản lý doanh nghiệp… Những trung tâm đó được lập ra với nhiệm vụ quan trọng nhưng cơ sở kỹ thuật và trình độ nhân sự thì chưa tương xứng, gây nên lãng phí.
Bàn về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, TS Sakurada cho rằng, Việt Nam nên phát triển mô hình LPTC (Local Public Technology Center) – Trung tâm công nghệ công lập địa phương – để thay thế cho mô hình các trung tâm hỗ trợ DNVVN đang hoạt động không hiệu quả hiện nay. LPTC là một cơ sở do chính quyền trung ương lập ra, đặt tại các địa phương. Chức năng chính của các trung tâm này là kiểm tra chất lượng các sản phẩm của doanh nghiệp trước khi tung ra thị trường. Ngoài ra, trung tâm sẽ tư vấn và giải quyết các vấn đề công nghệ và kỹ thuật cho doanh nghiệp, đồng thời liên kết các doanh nghiệp chuyên gia, người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác.
Nói cách khác, mô hình này là nơi các DNVVN sử dụng các dịch vụ (thông qua các máy móc) của trung tâm để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mà doanh nghiệp không có khả năng đầu tư máy móc để thử nghiệm. Ngân sách hoạt động của Trung tâm công nghệ công lập chủ yếu từ ngân sách của tỉnh, có thu một phần từ lệ phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên để làm được điều đó, đội ngũ nhân viên của trung tâm phải được nâng cấp về trình độ công nghệ. Tại Nhật Bản, 100% nhân viên của LPTC là công nhân kỹ thuật.
Cẩm Tú (DNSGCT)