Trong khi đó năm 2012, gạo xuất khẩu Thái Lan cũng có thể đạt mốc 7,5 triệu tấn, ngang ngửa mức dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hơn nữa, theo nhận định của một quan chức Bộ Thương mại, ông Tikhumporn Natvaratat thì Thái Lan sẽ lấy lại vị trí số một về xuất khẩu gạo khi hai đối thủ là Ấn Độ đang gặp rắc rối trong vấn đề quá tải cảng xuất khẩu, còn Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề hạn hán.
Thu mua lúa ở Đồng Tháp
Ảnh Lê Hoàng Vũ
Có một thực tế rất đáng suy nghĩ là về giá trị thì gạo Thái vẫn chiếm ưu thế. Thông tin trên báo The Nation (Thái Lan) cho thấy một tấn gạo trắng 5% tấm của Thái Lan bán với giá 570 USD khi gạo Việt Nam chỉ bán được 490 USD. Theo cách tính này, Thái Lan vẫn là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu với doanh số 3,5 tỉ USD, Việt Nam theo sau với 2,45 tỉ USD. Như vậy, bài toán “giá trị thặng dư” của gạo Việt vẫn còn quá nan giải đối với Nhà nước.
Thực tế hiện nay gạo Việt Nam không khác biệt quá xa so với gạo Thái. Thậm chí, tính đến hết tháng 5-2012, gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam chiếm 35% thị phần Hongkong (Trung Quốc) đạt 40,4 triệu USD và được dự báo có thể lên đến 60%, thay thế gạo Thái Lan ở thị trường này. Đó là chưa kể gạo Thái Lan gặp nhiều khó khăn do chính sách trợ giá của chính phủ. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trên, gạo Thái vẫn nằm ở mức thặng dư cao. Điều đó chứng minh giá trị hạt gạo không bị quyết định hoàn toàn bởi những yếu tố ngoại cảnh, mà là chính sách mua – bán trong xuất nhập khẩu theo cơ chế cung – cầu của thị trường.
Nghị định về “Kinh doanh Xuất khẩu gạo” (số 109/2010/NĐ-CP) trong thời gian qua cũng có nhiều ưu điểm nhất định. Cơ chế quản lý có thể huy động gạo tập trung hướng đến mục tiêu co hẹp các cửa xuất khẩu nhằm giữ uy tín, chất lượng gạo Việt. Tuy nhiên, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo dường như quá “khắc nghiệt” khi phải đáp ứng cả ba điều kiện: i) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; ii) Có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn theo quy định; iii) Có ít nhất một cơ sở xay, xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thêm vào đó, Nghị định này còn yêu cầu “doanh nghiệp phải dự trữ tối thiểu 10% lượng gạo đã xuất khẩu sáu tháng trước đó”. Chưa bàn đến sự thiếu hợp lý từ yêu cầu dự trữ tối thiểu 10% (vì vấn đề an ninh lương thực là nhiệm vụ của Cục Dự trữ quốc gia) thì Nghị định 109 có những bất cập.
Thứ nhất, gạo Việt Nam liên tục rớt giá do thiếu “cửa ra”. Cơ chế ràng buộc các nhà xuất khẩu tư nhân trước các đơn hàng xuất khẩu khiến lượng gạo trong nước trở nên thừa thãi do đầu ra chỉ dựa vào hai cửa “Bắc – Nam” là chủ yếu. Tháng 8-2011, khi Nghị định 109 chuẩn bị chính thức có hiệu lực, Phó giám đốc Sở Công thương Long An, ông Nguyễn Xuân Hồng lo ngại rằng Long An hiện có nhiều doanh nghiệp công suất kho 40.000 tấn phải đối diện với thực trạng “nhường đơn hàng sang cho doanh nghiệp khác” do thiếu hệ thống sấy và gặp khó khăn khi thuê mặt bằng và vốn. Trái lại, một số doanh nghiệp “đại gia” ngành lúa gạo sẽ “cố đấm ăn xôi” trong cuộc chạy đua xin giấy phép bằng cách tung ra lượng tiền lớn để trang bị cơ sở vật chất, mặt bằng, vốn nhằm thâu tóm các đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhỏ.