Ngày hội Black Friday truyền thống của Mỹ từ lâu đã trở thành lễ hội mua sắm lớn nhất vào dịp cuối năm của người dân trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong khi các kênh bán hàng truyền thống chưa tận dụng hết hiệu quả của trào lưu này thì nhiều trang thương mại điện tử đã biến Black Friday thành dịp để người mua mạnh tay chi tiền. Đặc biệt, Ngày mua sắm trực tuyến (OnlineFriday) được tổ chức vào thứ Sáu tuần đầu tiên của tháng 12 đã trở thành một trào lưu mua sắm được người tiêu dùng chờ đợi.
Xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam khoảng hai năm trở lại đây, OnlineFriday do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cùng Hiệp hội Thương mại điện tử phối hợp tổ chức đã tạo được cú hích cho thương mại điện tử Việt. Trong Ngày mua sắm trực tuyến 2014 diễn ra thứ Sáu ngày 5-12 năm ngoái, đã có gần 2 triệu lượt truy cập trên website của chương trình, hơn 160 ngàn đơn hàng được chốt với doanh thu khoảng 154 tỉ đồng. Bên cạnh sức hút của các giảm giá khủng, dịch vụ giao hàng miễn phí, cho phép đổi trả hàng… là những yếu tố khiến người tiêu dùng an tâm mua hàng. Tuy nhiên, hiệu quả lớn có thể thấy, chương trình đã giúp thương mại điện tử hình thành một thói quen mua sắm mới. Người tiêu dùng tin tưởng và chờ đợi OnlineFriday để mua những sản phẩm giá rẻ, chất lượng, còn doanh nghiệp có một cái cớ để tích trữ hàng hóa, đàm phán giá tốt với đối tác, đẩy mạnh truyền thông.
Với xu thế “nhiều bên” cùng có lợi, Ngày mua sắm trực tuyến 2015 được tổ chức vào ngày 4-12 năm nay tiếp tục là điểm sáng thu hút 2.000 doanh nghiệp thương mại điện tử tham gia, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu như: Adayroi, Lazada, Thế Giới Di Động, Sendo, Lingo, Tiki, Deca, Zalora, Cốc Cốc… Nét mới của chương trình là bổ sung công cụ so sánh giá, nhờ đó, người dùng biết mức giá trung bình của sản phẩm ngoài thị trường trước khi quyết định mua hàng, tránh được các khuyến mãi ảo.
Theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức, Ngày mua sắm trực tuyến 2015 đạt số lượng đơn hàng trong ngày 4-12 khoảng 300.000 đơn hàng, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và doanh số dự kiến sẽ vượt 500 tỉ đồng. Các nhà bán lẻ trực tuyến lớn như Lazada, Zalora, Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Hotdeal… có số lượng đơn hàng tăng 5-10 lần so với ngày thường. Website nào có số lượng đơn hàng thấp nhất cũng tăng gấp 3-4 lần so với ngày bình thường. Các mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm và đặt hàng nhiều nhất là điện máy, thiết bị số, phụ kiện công nghệ, thời trang, đồ gia dụng…
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tích cực, vẫn còn những “hạt sạn” cần được lưu ý. Năm nay, dù ban tổ chức cho biết hàng hóa được chọn lựa kỹ từ các đơn vị uy tín hơn so với năm trước, tuy nhiên các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng ít hơn so với các sản phẩm gắn mác “ngoại”, trong đó, nhiều mặt hàng chỉ ghi chung chung “hàng nhập cao cấp” mà không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Vẫn còn hiện tượng đơn vị bán hàng tăng giá thực của sản phẩm, giá sau khi khuyến mại vẫn cao hơn so giá thị trường khiến nhiều người mua mất lòng tin. Mặt khác, sự cố quá tải khiến website chương trình không truy cập được trong khoảng nửa giờ đồng hồ cũng là yếu tố cần được khắc phục.
Mộc Lan (DNSGCT)