Simon Tisdal, nhà bình luận của báo The Guardian về các vấn đề ngoại giao viết: “Cách đây 12 tháng, Tổng thống Putin là mục tiêu bị công kích tại hội nghị G20 ở Brisbane (Úc) khi các nhà lãnh đạo phương Tây lên án Nga can thiệp quân sự vào Ukraina và sáp nhập bán đảo Crưm. Nay tại hội nghị G20 vừa họp trong tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, dường như mọi thứ đã thay đổi khi Putin trở thành nhân vật trung tâm.
Mấu chốt lật ngược thế cờ này thật dễ hiểu. Bị IS tấn công táo tợn, sa lầy vào một cuộc khủng hoảng người di cư và đang khó khăn tìm câu trả lời cho cuộc chiến ở Syria, các nhà lãnh đạo phương Tây – lâu nay được Mỹ hậu thuẫn – đã phải đi đến một kết luận dù khá miễn cưỡng: họ cần Nga”.
Các vụ tấn công do IS thực hiện đang gây áp lực đối với nhiều lãnh đạo thế giới trong việc đẩy mạnh hoạt động quân sự chống tổ chức này và giờ đây cuộc chiến chống IS đang đứng trước bước ngoặt mở rộng trên phạm vi toàn cầu, bất chấp những quan điểm chính trị đối nghịch.
Sự kiện nước Nga – lâu nay vẫn ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria – đã cùng nước Pháp – vốn có lập trường ngược lại – tuyên bố tăng cường hợp tác để chống khủng bố, hay việc Tổng thống Mỹ Obama đề cao vai trò của Nga trong cuộc đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng Syria, chính là những dẫn chứng cụ thể cho nhận định này.
Nước cờ mới
Rõ ràng hai giờ đồng hồ kinh hoàng trên các đường phố của Paris tối 13-11 đã làm thay đổi cục diện chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các cường quốc tạm gác những bất đồng để chống một kẻ thù chung là khủng bố Hồi giáo.
Cuộc cờ thay đổi vì giờ đây IS cho thấy họ có khả năng tổ chức những cuộc tấn công quy mô lớn bên ngoài Iraq và Syria nơi chúng đã chiếm 1/3 lãnh thổ.
Trước vụ đặt bom vào máy bay Nga tại sân bay Sharm al-Sheikh, khủng bố IS đánh bom tự sát đã làm chết hàng trăm người tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng đang tích cực huấn luyện và vũ trang những dân quân Syria chống IS và Assad.
Sau đó, quân IS đánh bom tự sát còn tấn công khu vực do tổ chức Hezbollah kiểm soát trong thành phố Beirut, thủ đô nước Lebanon. Hezbollah là một tổ chức chính trị – vũ trang của dòng Shi’a ở Lebanon, hiện đang tham chiến tại Syria với mục tiêu đánh quân IS đểủng hộ chính quyền Assad.
Một ngày trước cuộc tấn công ở Paris, tình báo Iraq thông báo cho các nước liên hệ biết lãnh tụ IS Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh tấn công vào các quốc gia phương Tây cũng như Nga và Iran – trong đó có nêu rõ tên nước Pháp. Cuộc tấn công Paris có trên 20 tên khủng bố tham dự và bảy tên đã chết. Nhưng việc huấn luyện những người này ở Syria, việc gửi họ qua Pháp, cùng với việc tích giữ các vũ khí tấn công cho thấy IS không chỉ gồm những kẻ quyết tử lẻ loi mà đã có khả năng hoạch định cao.
Hiện có hàng trăm người quốc tịch Mỹ và hàng ngàn người từ châu Âu đang được IS huấn luyện ở Syria, có thể đang sẵn sàng trở về các nước phương Tây.
Với thực trạng bành trướng của IS hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu sẽ phải thay đổi nước cờ chống IS, nhưng cách làm vẫn còn khác nhau.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon mới đây đã nhắc nhở các nước can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria phải “tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền con người”. Các nước châu Âu và Mỹ tuân theo quy tắc này nên tìm cách tránh gây thiệt hại và chết chóc cho thường dân Syria. Trong khi đó, Nga đã mạnh tay bằng các cuộc không kích dựa vào ưu thế của không quân tấn công quân IS, đồng thời đánh cả các lực lượng dân quân vừa chống IS vừa chống chính quyền Assad.
Putin đang thi hành kế hoạch, lôi kéo chính quyền Mỹ – vốn từ trước đến nay vẫn giữ thái độ dè dặt dù bên ngoài luôn hô hào việc chống khủng bố – vào một thỏa hiệp cùng tiêu diệt quân IS. Vụ tấn công ở Paris khiến chính phủ Mỹ phải tích cực dấn thân vào Syria để giải quyết vấn đề IS nhanh hơn, chứ không chờ đến ngày quân IS tấn công vào cả nước Mỹ.
Chính phủ Mỹ tiếp tục khẳng định không gửi bộ binh vào Syria, nhưng vẫn có thể gia tăng lực lượng không quân oanh kích, đủ để giảm khả năng tổ chức và điều động của nhóm lãnh đạo IS. Việc thỏa hiệp một giải pháp chính trị tại Syria lại là vấn đề khác, vì Mỹ sẽ phải tôn trọng ý kiến của các đồng minh lâu đời như Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.
IS tự đào mồ chôn mình
Theo William Mc Cants, chuyên gia về Hồi giáo thuộc Trung tâm Chính sách Trung Đông, khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm đối với vụ thảm sát ở Paris, chúng muốn chứng tỏ với thế giới về khả năng gây ra tội ác quy mô lớn, nhưng đồng thời đây cũng sẽ là hành động tự đào mồ chôn mình.
Mc Cants cho rằng vụ thảm sát ở Paris đã khiến người dân các nước phương Tây bị chấn động sâu sắc và điều này có thể thúc đẩy họ ủng hộ một chiến dịch tấn công quy mô lớn vào IS ở Iraq và Syria, kể cả sử dụng bộ binh, phương án mà Mỹ và châu Âu từ trước tới nay vẫn né tránh vì lo ngại phản ứng tiêu cực của dư luận.
Ngay sau vụ thảm sát, Pháp đã có những phản ứng quyết liệt khi tuyên bố sẽ không gục ngã trước chủ nghĩa khủng bố và lập tức đáp trả bằng những cuộc không kích dữ dội vào sào huyệt Raqqa của IS ở Syria.
Anh, Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết tâm tiêu diệt IS của Pháp, đồng thời có những động thái nhằm tăng cường hợp tác với Nga đẩy mạnh cường độ chiến dịch không kích ở Syria.
Theo ông Mc Cants, đây là thời điểm nhạy cảm có thể khơi mào cho một chiến dịch tấn công bằng bộ binh vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt IS. Khi nhận được sự ủng hộ của dư luận và phát động cuộc chiến trên bộ, quân đội các nước phương Tây có thể dễ dàng tiêu diệt phiến quân IS ngay tại sào huyệt của chúng, điều mà các cuộc không kích trong một năm rưỡi qua không làm được.
Chiến dịch tấn công bằng bộ binh nếu có cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà cần có sự chuẩn bị lâu dài, nhất là được sự phê chuẩn của Liên Hiệp Quốc và sự đồng ý của Syria.
Các nhà hoạch định chiến lược sẽ rất thận trọng khi tính toán đến phương án này, bởi nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, Mc Cants chỉ ra rằng khi một tổ chức khủng bố trỗi dậy, sớm hay muộn nó cũng sẽ lụi tàn, đặc biệt khi phải đối đầu không chỉ với một cường quốc. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan như IS đang đe dọa đến an ninh, lợi ích của nhiều cường quốc trên thế giới và đến một lúc nào đó, các cường quốc này sẽ nhất trí loại trừ chúng.
Các tổ chức khủng bố như Taliban, al-Qaeda ở bán đảo Arab, al-Qaeda ở Mali, Shabab ở Somalia đều thất bại không phải vì quá tàn bạo mà vì đã thách thức quyền lực của cường quốc nào đó.
“Khi thực hiện nhiều vụ khủng bố trên nhiều quốc gia trong thời gian ngắn, IS đã chọc giận hai cường quốc là Nga và Pháp và đây có thể là bước đầu tiên trên con đường diệt vong của chúng” – Mc Cants nói.
Không biết đến bao giờ điều này xảy ra, nhưng nay thì nhiều nước trên thế giới đang rất hoang mang về việc sẽ bị IS tấn công.
Ở Mỹ đây là vấn đề đang được tranh luận qua các cuộc vận động bầu cử tổng thống. Nước Bỉ, nơi xuất phát của các thành viên IS vừa gây nên thảm kịch “thứ Sáu ngày 13” tại Paris đang lo ngại đến phiên mình trở thành nạn nhân. Chính quyền Bỉ khuyến cáo người dân nên tránh tụ tập những nơi đông người, nhất là trong mùa Giáng sinh sắp tới. Các chính phủ Anh, Đức cũng có cùng lo ngại.