Và một điểm chung trong nhiều nhận định là kinh tế năm nay là năm khó khăn nhất trong hơn 10 năm qua. Ở góc độ quản trị, tình hình càng khó càng cho thấy bản lĩnh của những nhà hoạch định chính sách.
Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trở nên đắn đo khi đi mua sắm
Cuối tuần rồi, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Để thuyết phục Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, đời sống còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp thì việc nâng mức giảm trừ gia cảnh thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với nhân dân. Phương án này có thể áp dụng sớm hơn, dự kiến có thể từ 1-7-2013, thay vì phải đến năm 2014 như dự định ban đầu.
Điều này hoàn toàn đúng với mong đợi của gần 4 triệu người đang nộp thuế TNCN và tất nhiên nhận được rất nhiều sự ủng hộ (cả nước hiện có 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN, chỉ chiếm 4,4% dân số, và nếu theo dự thảo luật sửa đổi chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế).
Thế nhưng, trong xã hội không chỉ có một bộ phận người dân có mức thu nhập đến ngưỡng chịu thuế TNCN mới có đời sống khó khăn do phải chịu tình hình lạm phát cao như giải thích của Bộ trưởng Huệ, mà còn rất nhiều người đang sống khốn khó hơn nhiều, trong đó có không ít công chức, viên chức – những người hưởng lương từ ngân sách (hiện có hơn 7 triệu người hưởng lương trong khu vực công). Đối tượng này cũng đang cần nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ người cầm trịch hầu bao của quốc gia giống như những người có khả năng chịu thuế thu nhập.
Hơn một tuần trước đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã tuyên bố tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng không thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức 1,3 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-5-2013 (cho khu vực hưởng lương từ ngân sách). Điều này cho thấy tình hình cân đối ngân sách đang căng thẳng.
Theo số liệu báo cáo trước Quốc hội, chín tháng đầu năm nay thu ngân sách chỉ đạt 740.500 tỉ đồng, bằng khoảng 67% dự toán cả năm, và khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách là rất khó. Chưa kể, năm sau được dự báo vẫn chưa hết khó khăn. Vì thế, việc đề xuất hoãn tăng lương là sự lựa chọn có thể hiểu được và tương đối dễ thực hiện đối với các nhà điều hành kinh tế. Lối ra duy nhất để tăng lương chỉ có thể là “Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”, theo lời ông Huệ.
Băn khoăn đặt ra ở đây là trong tình hình thu ngân sách như vậy, chúng ta lại sẵn sàng chia sẻ khó khăn chỉ với một bộ phận dân cư bằng cách chấp nhận giảm thu ngân sách, ước tính năm 2013 giảm khoảng 5.200 tỉ đồng, năm 2014 giảm 13.350 tỉ đồng (theo tính toán của Ủy ban Tài chính – ngân sách nếu Quốc hội thông qua việc sửa đổi luật lần này).
Rõ ràng trong việc hoạch định chính sách thiếu sự nhất quán.
Thật vậy, theo bộ Luật Lao động, lương tối thiểu được hiểu là “mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong những điều kiện bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Trên thực tế với mức lương tối thiểu 1,3 triệu đồng/tháng, nếu được tăng đúng lộ trình, vẫn chưa thể bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ – đó là điều mà hầu như ai cũng đồng tình. Trong khi đó, lộ trình tăng lương này đã được Chính phủ phê duyệt từ trước, với sự tham mưu, tính toán kỹ lưỡng từ các bộ liên quan, nên Bộ Tài chính không thể có một đề xuất như vậy được.