Gần đây, một thông tin cũng liên quan đến chi ngân sách khiến không ít người bất ngờ là việc Chính phủ đồng ý ứng trước 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước (50%) và nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho các dự án đầu tư công, đã và sẽ hoàn thành trước tháng 6-2013. Liệu Bộ Tài chính có bố trí được nguồn cho khoản chi này chưa mà nó đã được thực hiện.
Thực ra, cũng có một số ý kiến cho rằng vẫn còn những khoản có thể tiết kiệm để có nguồn chi tăng lương như tiết kiệm chi phí hành chính, hội nghị, đặc biệt là giảm tổ chức các cuộc lễ hội (vốn diễn ra khá dày trong hai năm qua), đặc biệt hơn là việc kiểm soát chặt chẽ, giảm thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, lùi thời điểm đầu tư một số dự án chưa thật sự cần thiết.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là không phải tất cả những người hưởng lương từ ngân sách đều khó khăn. Thực ra, không ít người trong số họ đang sống thoải mái, thậm chí vương giả là đằng khác, bởi lương chỉ là nguồn thu phụ. Nhưng những công chức chỉ sống nhờ lương thì đang gặp khó khăn thực sự. Thực trạng này hoàn toàn không phải lỗi ở họ, mà còn ở cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, các nhà làm chính sách cần phải thúc đẩy nhanh việc cải cách chế độ tiền lương, tinh giản bộ máy và nâng cao hiệu quả làm việc…
Hy vọng rằng từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ xem xét tình hình thực tế, cân đối lại thu chi để đảm bảo có nguồn để tăng lương theo đúng lộ trình.
Trả lương và phụ cấp bằng khoảng 9,6% GDP
Mặc dù lương nhà nước trả cho cán bộ công chức thấp nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo lại chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi ngân sách. Đây là một bất cập cần phải được giải quyết sớm. Theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) năm 2011, lương và phụ cấp ước chiếm 51% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, đạt gần 9,6% GDP, trong khi năm 2010, con số này chỉ là 6,7 % GDP. Ngoài ra, các loại phụ cấp ưu đãi đang có xu hướng mở rộng khiến ngân sách dành cho lương tối thiểu ngày càng mỏng.
Lương thấp, nhưng bộ máy vẫn cứ phình to
Hồi tháng 5-2012, Chính phủ đã phê duyệt gần 282.000 biên chế công chức của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2012. Con số này tăng gấp ba lần so với bình quân những năm trước. (Nguồn: TBKTSG số 44 ra ngày 25-10-2012)
Quỳnh Như