Triển lãm chuyên đề về sơn mài và sơn khắc đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1 – đến cuối năm 2015). Đây là hoạt động nhằm đưa từng bộ sưu tập của bảo tàng đến với công chúng yêu nghệ thuật như đã làm với sưu tập tranh sơn dầu.
Với gần 80 tác phẩm được chọn lọc trong khoảng 130 tranh sơn mài và sơn khắc mà bảo tàng đang lưu giữ để trưng bày dịp này, triển lãm cho thấy bước phát triển của nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam qua nhiều thời kỳ: từ các tác giả thời mỹ thuật Đông Dương với những tác phẩm mang hơi thở lãng mạn, trữ tình đặc trưng giai đoạn này (Vịnh Hạ Long, Bến thuyền trên sông Hồng, Tố nữ của Ủ Văn An (*);Cơn giông của Nguyễn Khang) cho đến tranh phản ánh cuộc chiến tranh cách mạng đã qua hay của các tác giả đã tham gia kháng chiến (Gà gáy sáng của Nguyễn Hiêm; Xây dựng khu gang thép Thái Nguyên của Nguyễn Kao Thương; Vết xích xe tăng giặc của Huỳnh Văn Thuận; Những đêm kể khan, Tĩnh vật của Thái Hà; Làm sạch kho thóc để nuôi quân, Hạnh phúc của Xu Man – Huỳnh Văn Thuận (cùng vẽ); Hát bội của Hoàng Trầm; Cấy đêm của Quách Phong… và của các tác giả “chuyên trị” sơn mài như Nguyễn Lâm (Người đàn bà ngồi), Hồ Hữu Thủ(Nụ xanh), Trương Bé (Dòng chảy trời đất), Đào Minh Tri (Cánh chim thế kỷ, Kỵ sĩ), Bích Trâm (Phong cảnh 1), Lê Ngọc Linh (Phố cũ), Dương Sen (Màu nhiệt đới)… Ngoài ra, phải kể đến những tranh sơn mài của cơ sở Thành Lễ (Bình Dương), đặc biệt là tranh của ông Trương Văn Thanh (chợ Bến Thành), một bậc tiền bối của sơn mài Bình Dương và loạt tranh La Hán đặc sắc của họa sĩ Nguyễn Văn Bôm (1938-2008), người từng theo học Trường Mỹ nghệ Gia Định những năm 1955-1958.
Bên cạnh đó là tám bức pa-nô khổ lớn giới thiệu các tư liệu liên quan đến các tác giả, tác phẩm và dòng chảy sơn mài Việt Nam, một số bài viết về thể loại hội họa này, đáng chú ý bài thuyết trình của họa sĩ Tô Ngọc Vân tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948 với đoạn trích: “Danh từ sơn mài (laque) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn. Kỹ thuật sơn ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán, sử dụng cùng với sơn ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn bán sang Tàu cùng Nhật. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng sơn ta cũng như sơn Tàu ở Tàu và sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm nó tôn vẻ lộng lẫy, lên những vật dùng thường như cái khay, cái tráp, đôi guốc, đồ thờ như hương án dài, bát đĩa, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong… màu sắc đại để có: son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, sơn ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó. Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, sơn ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu. Quên dĩ vãng sơn ta đổi tên nhũn nhặn là sơn mài”.
Riêng với Nguyễn Gia Trí, họa sĩ có công nhất đối với công cuộc cách tân sơn mài Việt Nam thì từ nhiều năm trước Tô Ngọc Vân đã ca ngợi: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa, ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó sơn mài đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng” (bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta, báo Ngày Nay số 146, ngày 21-1-1939). Đến với triển lãm chuyên đề “Các tác phẩm sơn mài và sơn khắc trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh” còn là dịp ngắm lại tuyệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí mà nay là một bảo vật quốc gia.
(*) Họa sĩ Ủ Văn An quê ở Gò Đen, Long An là một trong những họa sĩ Nam bộ đầu tiên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Những năm họa sĩ Ủ Văn An học tại trường cũng là lúc các tác giả như Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Tô Ngọc Vân… đang tìm tòi chất liệu sơn ta cổ truyền để rồi đưa sơn mài mỹ nghệ Việt Nam bước sang một giai đoạn mới – sơn mài mỹ thuật với những thay đổi về màu và vận dụng kỹ thuật hội họa phương Tây.
Sau khi ra trường họa sĩ Ủ Văn An trở lại miền Nam vẽ tranh và thiên về chất liệu sơn mài truyền thống. Năm 1942, ông tổ chức một triển lãm cá nhân tại Khách sạn Continental với rất nhiều phác thảo sơn mài, đó là những phong cảnh mà ông đã ghi chép lại qua những chuyến đi. Trong số tác phẩm của ông còn lại rất ít ở Việt Nam, có bốn bức hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, tất cả đều vẽ phong cảnh Bắc bộ.
- Như Hoa