Chỉ còn ba tháng nữa là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực, khi đó, lao động là một trong những yếu tố chuyển dịch lao động. Khoảng thời gian này quả thật quá ngắn để lao động Việt Nam có thể chuyển mình thay đổi và cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực.
Lao động Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt như chăm chỉ, học hỏi nhanh, nhưng nhìn chung kỷ luật lao động chưa cao và khả năng ngoại ngữ thấp. Đây là những bất lợi đối với lao động Việt Nam so với nhân sự Thái Lan và Philippines.
Như vậy, không chỉ người lao động Việt Nam buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp mà chính các doanh nghiệp trong nước cũng đứng trước các thách thức trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài. Điều này dẫn đến bài toán về chi phí của doanh nghiệp.
Thực tế, trong năm năm trở lại đây, tỷ lệ lao động Việt Nam đi làm việc tại các quốc gia ASEAN ngày càng tăng. Phần lớn lao động di cư là lao động có trình độ, kỹ năng ở mức thấp và trung bình, làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và sản xuất chế tạo.
AEC hình thành sẽ cho phép một số lượng người lao động kỹ năng cao của Việt Nam với đủ trình độ và bằng cấp được theo đuổi các cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước khác trong khu vực ASEAN. Thêm vào đó, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi vì họ có nhiều lựa chọn để tuyển dụng người lao động ở các nước ASEAN khác.
Tám lĩnh vực nghề nghiệp mà người lao động được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi AEC hình thành gồm: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Nhưng điều kiện đặt ra để nhận được quyền tự do làm việc trong các nước thuộc khối ASEAN là người lao động phải được công nhận tay nghề tương đương các nước.
Để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, xuất khẩu lao động khi thời điểm đến, các quốc gia ASEAN cần phải nắm vững thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Agreements). Cho đến nay, các thỏa thuận này đã được ký kết cho các lĩnh vực nghề nghiệp gồm: người hành nghề y, nha khoa, y tá; dịch vụ kế toán, dịch vụ tư vấn; dịch vụ kiến trúc, dịch vụ đo đạc. Theo các thỏa thuận này, các nước trong khối ASEAN sẽ công nhận kỹ năng, bằng cấp được đào tạo giữa các quốc gia cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú cho người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cần chú ý tới khung tham chiếu trình độ ASEAN (ARQF) để nắm bắt các quy định chi tiết về kỹ năng tay nghề, bằng cấp ở từng quốc gia khi áp dụng cho các lao động ở nước khác trong khu vực để có sự chuẩn bị trước khi tham gia lao động ở các nước ASEAN.
Ở Việt Nam, với sự có mặt của những tổ chức như ACCA chuyên cung cấp các dịch vụ đào tạo chuyên ngành kiểm toán, tài chính, sẽ là cơ hội thuận lợi cho những lao động Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội nghề nghiệp do AEC mang lại.
Kiểm toán, tài chính là một trong tám lĩnh vực được tự do luân chuyển lao động. Đây cũng là mũi nhọn đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực có tổng dân số hơn 600 triệu người và GDP hằng năm gần 3.000 tỉ đôla Mỹ.
Nếu xét trên góc độ kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản, kinh nghiệm làm việc và khả năng giao tiếp ngoại ngữ, nhân sự thì lao động các nước Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… rõ ràng có “lợi thế cạnh tranh” hơn Việt Nam. Ngay cả khi còn được bảo vệ bởi các hàng rào bảo hộ như hiện nay, lao động trong nước vẫn đang yếu thế trong cuộc cạnh tranh.
Tại hội thảo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức năm ngoái, ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng AEC có thể tạo thêm hàng triệu cơ hội việc làm ở Việt Nam, nhưng những lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội đó. Theo một báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 53 triệu người ở độ tuổi lao động, chỉ có 25,4% có chuyên môn kỹ thuật; số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%.
Thời gian không còn nhiều, rõ ràng, việc đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế là một nhu cầu cấp thiết để người lao động Việt Nam có thể thật sự hội nhập vào thị trường lao động chung, không chỉ trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính, ngân hàng mà cả trong nhiều ngành nghề đòi hỏi tư duy, chất xám và kỹ năng.