Có khoảng 37% dân số thế giới (tức khoảng 2,5 tỉ người) đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì. Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có tình trạng thừa cân và béo phì gia tăng nhanh chóng trong năm năm trở lại đây, trong đó Malaysia có tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân béo phì cao nhất trong khu vực, đạt khoảng 46%. Đây là kết quả từ cuộc điều tra của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME), thuộc Trường Đại học Washington thực hiện vào đầu năm 2015.
Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì hiện có gần bảy triệu người bị thừa cân béo phì, chiếm hơn 8% dân số. Tại các thành phố lớn, tình trạng thừa cân, béo phì lên tới 30%. Đáng lo ngại là các giám sát về dinh dưỡng cho thấy tuổi của người mắc thừa cân béo phì ngày càng trẻ hóa và mức cân nặng ngày càng gia tăng.
Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh nguy hiểm
Giáo sư Christopher Murray, Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, người đứng đầu Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho biết: “Trong ba thập niên vừa qua, chưa có quốc gia nào đạt được kết quả đáng kể trong việc giảm tỷ lệ người béo phì. Theo dự báo của chúng tôi thì tình trạng béo phì sẽ tăng nhanh cùng với sự tăng lên về thu nhập, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Gánh nặng xã hội và chi phí điều trị y tế cho béo phì là rất lớn. Tại Mỹ, chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến béo phì gần 190 tỉ USD mỗi năm, chiếm tới 1/5 tổng mức chi cho dịch vụ y tế của nước này”.
Theo Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, nhiều người chỉ lo lắng về ngoại hình và vóc dáng khi bị béo phì, điều đáng quan tâm hơn chính là tác hại của tình trạng này đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Các nghiên cứu y khoa cho thấy, những người bị thừa cân, béo phì sẽ có tỷ lệ bệnh tật cao hơn người bình thường, đặc biệt là các bệnh mãn tính nguy hiểm. Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên 23%, các trường hợp ung thư lên 34% và bệnh gan nhiễm mỡ lên hơn 20%. Năm 2013, thừa cân và béo phì là nguyên nhân làm cho 4 triệu trường hợp tử vong trên thế giới, chủ yếu là do bệnh tim mạch.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp phân tích rằng ở người thừa cân béo phì, cholesterol hay còn gọi là mỡ máu, đặc biệt là tăng cholesterol tỷ trọng thấp (LDL-C) gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tại nước ta, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu với khoảng 30%, trong đó rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.
Một số nghiên cứu đã cho thấy sự liên quan giữa béo phì và một số bệnh lý ung thư như: ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt. Đã có nhận định rằng: “Chỉ trong vòng năm năm nữa, có thể béo phì sẽ thay vị trí của thuốc lá trở thành nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư”.
Còn theo PGS-TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thì hệ quả của tình trạng béo phì là gan nhiễm mỡ đang ngày càng phổ biến. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy những trường hợp tử vong ở người bị gan nhiễm mỡ không do rượu có liên quan đến bệnh tim mạch và ung thư. Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ trong gan với nhiều mức độ khác nhau chủ yếu là sựứ đọng triglyceride, có thể thay đổi diễn tiến từ gan nhiễm mỡ đơn thuần cho đến tế bào gan bị tổn thương và viêm gan. Tiến trình này cuối cùng sẽ dẫn đến xơ gan, suy tế bào gan và ung thư gan.
Giảm cân nặng phải thực hiện từ từ
Trước mối đe dọa nghiêm trọng từ thừa cân béo phì, Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia y tế trên toàn cầu đều khuyến cáo mỗi người cần chủ động kiểm soát cân nặng thông qua duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, năng động, thực hành các phương pháp giảm cân khoa học để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
PGS-TS Bùi Hữu Hoàng cho biết hiện tại chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh gan nhiễm mỡ. Muốn giảm béo phì hoặc thừa cân thì biện pháp tốt nhất là tiết chế ăn uống cho đến khi đạt được một cân nặng lý tưởng. Việc áp dụng một chế độ ăn kiêng không phải là dễ, khi phải thay đổi một thói quen ăn uống cũng sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, việc giảm cân không thể thực hiện ngay ngày một, ngày hai, cho nên chế độ ăn uống cần phải áp dụng một cách kiên trì và bền bỉ.
Vấn đề cơ bản để bệnh nhân tuân theo chế độ tiết chế là không nên áp dụng quá cứng nhắc và cưỡng ép quá mức. Nên giảm dần số chén cơm mỗi bữa và ăn độn thêm rau quả tươi, giảm chất ngọt và chất béo vì các chất này nếu thừa sẽ được gan chuyển đổi thành mỡ dự trữ. Ở giữa các bữa ăn, nếu đói thì có thể ăn thêm một ít trái cây không ngọt lắm như táo, lê, thanh long, cam… hoặc một chút yaourt không ngọt, uống một ly sữa đậu nành không đường. Hạn chế các loại thức ăn nhanh (fast-food) vì thường chứa nhiều dầu mỡ. Người muốn giảm cân cũng chỉ nên ăn đồ luộc, hạn chế các món chiên xào, đồ ngọt, hạn chế uống rượu bia, nước ngọt có gas. Ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, thức ăn chứa chất xơ sợi hoặc ít năng lượng như tảo, rong biển, nấm.
Cần lưu ý đối với người ăn kiêng là tuyệt đối không được nhịn ăn để rồi bị mệt lả người và không còn sức để làm việc, thậm chí những bệnh nhân không chịu nổi buộc phải ăn bù vào ngày hôm sau. Việc giảm cân từ từ vẫn tốt hơn là giảm nhanh và đột ngột rồi sau đó lại tăng cân vọt lên hơn trước. Ngoài ra, muốn giảm cân hiệu quả cần phải kết hợp một chương trình vận động và tập luyện thể dục như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập thể dục nhịp điệu… để tiêu bớt lượng mỡ dư thừa và tăng cường cơ bắp cho cơ thể.