Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã được ký kết vào cuối tháng 5-2015. Theo đó, 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của các bên trong hiệp định sẽ được mở cửa và tự do hóa. Trong khi chờ đợi hiệp định này chính thức có hiệu lực và Cộng hòa Kyrgyzstan hoàn thành thủ tục để trở thành thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị chu đáo để tận dụng tốt hơn những ưu thế từ hiệp định này.
Việt Nam đang có ưu thế lớn
Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỉ USD. Đây là một thị trường có tiềm năng lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng giao thương. Hằng năm, chúng ta xuất khẩu khoảng 27 tỉ USD hàng dệt may ra thế giới nhưng thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại EAEU hiện chỉ chiếm 2%, trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước này là khoảng 17 tỉ USD mỗi năm.
Tại hội thảo Sự chuẩn bị cần thiết của doanh nghiệp trước Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu diễn ra ngày 2-7 vừa qua, ông Bùi Hồng Minh (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương) cho rằng chúng ta đang có nhiều lợi thế từ FTA này vì Việt Nam là quốc gia đầu tiên có FTA với EAEU. Nga là nước kinh tế phát triển nhất trong khối cũng chỉ mới vào WTO cách đây không lâu, hàng hóa các nước xuất khẩu vào thị trường Nga mới chỉ được giảm thuế theo WTO chứ chưa có nước nào được hưởng thuế theo FTA.
Sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EAEU sẽ vô cùng thuận lợi với mức thuế suất được cắt giảm tối đa như: (1) Hàng dệt may: 82% tổng số dòng thuế sẽ được cắt giảm, trong đó 42% dòng thuế là về 0%, lộ trình tối đa là mười năm; (2) Giày dép, túi xách: cắt giảm 77% các dòng thuế, trong đó 73% dòng thuế về 0%, lộ trình năm năm; (3) Thủy sản, thủy sản chế biến: 95% dòng thuế về 0%, lộ trình tối đa mười năm; (4) Đồ gỗ: 76% dòng thuế được cắt giảm, trong đó 65% dòng thuế về 0%, lộ trình tối đa mười năm; (5) Nhựa: 100% dòng thuế được cắt giảm, 97% dòng thuế về 0%…
Cùng với việc cắt giảm thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực các chương về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và Vệ sinh dịch tễ (SPS), trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn, thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.
Về phía Việt Nam, chúng ta đồng ý mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng chủ lực của EAEU như: nông sản, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải… Theo đánh giá của Bộ Công thương, các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng nông sản như sữa và thực phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và EAEU chưa tập trung cho xuất khẩu nên dự báo từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ liên minh.
Doanh nghiệp không nên chủ quan
Từ trước đến nay, mặc dù hàng hóa Việt Nam đã vào được thị trường EAEU nhưng doanh nghiệp không quá mặn mà do mức thuế đánh vào hàng nhập khẩu của các nước này khá cao. Nay mức thuế suất cắt giảm đáng kể sau hiệp định là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, thị trường Nga hiện đang rất cần tìm nguồn cung hàng hóa giá rẻ để thay thế nguồn hàng đang bị hạn chế từ các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc. Chúng ta nên tập trung lực lượng để có thể tận dụng triệt để cơ hội này.
Tuy nhiên, trước những điều kiện thuận lợi từ FTA, chúng ta cũng nên quan tâm đến những thử thách mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cảnh báo rằng Liên minh kinh tế Á – Âu không phải là thị trường dễ tính tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa. Trong hiệp định, liên minh này đã đưa ra điều khoản “Tạm ngừng ưu đãi”, cho phép phía EAEU tạm ngừng ưu đãi thuế nếu có gian lận xuất xứ hoặc nếu Việt Nam không hợp tác xác minh xuất xứ một cách có hệ thống.
Ngoài ra, các lô hàng phải được vận chuyển nguyên vẹn từ Việt Nam sang EAEU, không được chia nhỏ lô hàng khi quá cảnh sang nước thứ ba. Việt Nam cách rất xa các nước trong EAEU và đây cũng không phải là thị trường quen thuộc đối với doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp phải hết sức chú ý khảo sát các tuyến vận tải, bến bãi,… để bảo đảm chi phí và vẫn giữ được chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, Liên minh kinh tế Á – Âu cũng đã áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, lượng hàng xuất khẩu từ nước ta vào các nước này bị hạn chế về số lượng (tính theo kilogram). Chẳng hạn về số lượng, hàng may mặc nhập khẩu trong năm 2015 chỉ được tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2013 và ngưỡng áp dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 5% qua mỗi năm.
Hàng hóa nếu xuất khẩu ồạt cũng có nguy cơ điều tra tự vệ, dẫn đến ngừng cắt giảm thuế hoặc tăng thuế trở lại. Đặc biệt, chúng ta cần nghiên cứu kỹ về công cụ phòng vệ thương mại, nhất là biện pháp chống bán phá giá, công cụ chống trợ cấp và công cụ tự vệ, vì đây là những công cụ hợp pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Phía Liên minh kinh tế Á – Âu yêu cầu sử dụng đồng rúp trong giao thương, đây là một khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam vì thời gian qua, đồng rúp không ổn định, gây rủi ro lớn trong thanh toán. Các thủ tục hải quan ở Nga nói riêng và EAEU nói chung vẫn còn phức tạp, biểu thuế của các nước này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Doanh nghiệp cần dành thời gian khảo sát thị trường, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để lên kế hoạch cụ thể, có sự điều chỉnh, xây dựng chiến lược đầu tư và kinh doanh phù hợp.