Cả nước hiện có khoảng 8.000 người đang chờ ghép thận, 1.500 người chờ ghép gan, 6.000 người cần được ghép giác mạc và hàng trăm người đang chờ ghép tim, phổi, tụy tạng nhưng nguồn tạng vô cùng khan hiếm. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có hơn 1.000 người bị suy thận giai đoạn cuối đang chờ nguồn cho thận để được ghép thận. Có mặt tại một buổi kêu gọi hiến tạng trong cộng đồng, Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Phó giám đốc kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam (VSOT) cho biết:
Một người có thể hiến nhiều loại mô, tạng cho người khác, từ mặt, mũi, xương, da, tứ chi đến lục phủ, ngũ tạng, chỉ trừ cơ và mô mỡ. Trong đó, tạng phủ là cần thiết hơn cả vì có những người bị suy thận, suy gan, suy tim… có nguy cơ tử vong rất cao trong một thời gian ngắn. Vì vậy, chúng tôi đang kêu gọi mọi người hiến tạng để cứu những bệnh nhân đang giành giật sự sống từng ngày.
Vì sao nhu cầu ghép thận ngày càng cao, trong khi chúng ta đã có thận nhân tạo?
Thận nhân tạo ra đời là một tiến bộ về y học, giúp duy trì sự sống cho người bị suy thận mãn. Tuy nhiên, sử dụng thận nhân tạo cũng có nhiều hạn chế, như phải đến bệnh viện lọc máu ba lần mỗi tuần. Tình trạng thiếu máu lọc thận cũng hay xảy ra và người sử dụng thận nhân tạo cũng bịảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, mất khả năng sinh dục và khó thể hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, phương pháp thay thế bằng một quả thận mạnh khỏe vẫn là tốt nhất.
Ở nước ta, lịch sử ghép thận đã có từ cách đây 23 năm, ghép tim, gan thì từ năm 2010 và ghép tụy tạng là từ năm ngoái. Trên cả nước hiện có 16 cơ quan ghép tạng, Bệnh viện Quân y là nơi ghép tạng đầu tiên và Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi ghép tạng nhiều nhất.
Hơn 20 năm kinh nghiệm ghép thận với 16 cơ quan ghép tạng trên cả nước mà chúng ta chỉ mới thực hiện khoảng 1.000 ca ghép thận, bằng với số ca ghép thận ở Hàn Quốc mỗi năm sao?
Vì nguồn thận có sẵn ở nước ta quá khan hiếm. Từ trước đến nay chúng ta chỉ có nguồn thận từ người thân là chủ yếu. Xã hội ngày càng phát triển thì số lượng người trong gia đình ngày càng ít, nhất là các gia đình ở thành phố. Tìm được người có đủ hai quả thận khỏe mạnh càng hiếm hơn.
Chúng ta vẫn chưa tận dụng được một nguồn tạng từ những người bị chết não do tai nạn giao thông. Từ trước đến nay, tạng cho bởi người chết não chỉ có khoảng 50 trường hợp và có khoảng 100 người đã nhận được nguồn tạng này.
Đối với người chết não thì thời điểm nào chúng ta có thể hiến tạng, thưa bác sĩ?
“Thời gian vàng” để lấy phủ tạng là từ 30 đến 45 phút sau khi chết não. Chấn thương mạnh hoặc xuất huyết não thường đưa đến chết não, nạn nhân không còn có khả năng cứu chữa tuy trái tim vẫn còn đập. Trong thời gian này chúng ta có thể xin tim, phổi, gan, thận còn lành lặn của người bị nạn để ghép cho những người bị bệnh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “cố ý” gây chết người để lấy tạng thì luôn phải có một hội đồng giám định chết não gồm ba bác sĩ thuộc các chuyên khoa liên quan (Hồi sức cấp cứu, Thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và Giám định pháp y) kết luận bệnh nhân chết não thì mới được tiến hành lấy tạng.
Cần lưu ý là chúng tôi không lấy tạng ở người sống thực vật vì đó là vi phạm đạo đức. Người sống đời sống thực vật chỉ bị chết ở vỏ não, có thể duy trì sự sống vài tháng hoặc vài năm. Một số trường hợp bệnh nhân hoặc người nhà đồng ý hiến tạng lúc này nhưng chúng tôi cũng không có quyền lấy tạng.
Nhu cầu ghép tạng rất lớn mà nguồn tạng lại khan hiếm nên vấn đề mua bán nội tạng rất dễ xảy ra. Làm sao để hạn chế được điều này?
Chuyện bán tạng để trang trải cuộc sống không còn là chuyện mới mẻ. Gần đây một số bác sĩ ở bệnh viện Huế cũng đã có liên quan đến đường dây bán thận xuyên quốc gia. Đây là một vấn đề lớn mà chỉ có cách tuyên truyền sâu rộng và tăng cường pháp luật mới hạn chế phần nào vấn đề này.
Còn với việc hiến tạng tự nguyện mà chúng tôi đang thực hiện thì trên nguyên tắc, cả gia đình người cho lẫn gia đình người nhận đều không biết nhau để tránh tình trạng trao đổi, mua bán. Bệnh viện là cơ quan chịu các chi phí xét nghiệm, viện phí, chi phí mai táng người cho tạng…
Xin bác sĩ hướng dẫn thêm về thủ tục đăng ký hiến tạng?
Các cơ quan ghép tạng trên cả nước đều đang có chủ trương khuyến khích hiến tạng nên các thủ tục đăng ký đều được đơn giản hóa hết mức, tạo điều kiện cho mọi người. Tất cả mọi công dân dưới 60 tuổi đều có thể đăng ký hiến tạng. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thành lập Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người vào cuối năm 2014. Người muốn hiến tạng có thể đăng ký qua điện thoại của BS Dư Thị Ngọc Thu: 0913677016 hoặc qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com để được cấp thẻ đăng ký hiến tạng. Khi có chuyện không may xảy ra và sau quá trình cấp cứu điều trị, nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện của họ để lấy các bộ phận tạng hiến. Một số trường hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó để được hiến tạng.
Đơn vị Điều phối sẽ hoạt động theo mục đích nhân đạo, công tâm, không vụ lợi, với hội đồng gồm 20 thành viên làm việc minh bạch trong việc thu dụng, quản lý cũng như điều phối nguồn tạng. Người cho và nhận không biết nhau, việc bố trí ưu tiên nhận tạng phải theo quy định, đúng đối tượng. Ngoài ra, chúng tôi còn lập thêm Quỹ Hiến tạng để có thêm chi phí ghép tạng cho người nghèo. Vì với nguồn tạng có sẵn thì chi phí một ca ghép tạng cũng không nhỏ, chẳng hạn như ghép thận tốn khoảng 100 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trong trường hợp người bệnh có thẻ hiến tạng mà người nhà không đồng ý thì bác sĩ sẽ giải quyết ra sao?
Những người đã có nguyện vọng hiến tạng nhưng trước khi họ chết, người thân không đồng ý cho bác sĩ lấy tạng thì chúng tôi cũng không thể thực hiện. Đây cũng là lựa chọn nhằm tránh những bức xúc, khiếu kiện về sau.
Ở các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Úc… thì nguồn tạng ghép trong chữa bệnh chủ yếu là tự hiến tự nguyện. Trong khi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và nước ta do quan niệm “chết phải toàn thây” nên việc hiến tạng vẫn hạn chế. Thật ra, chết là trở về với cát bụi, như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi”. Khi chết mà cơ thể mình có thể dùng để cứu sống một người khác thì cuộc đời chúng ta càng có ý nghĩa hơn. Chẳng hạn như mới đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có một thanh niên trẻ vốn quen với cuộc sống chơi bời, rượu chè, cuộc sống tưởng chừng như vô nghĩa. Nhưng đến khi bị tai nạn giao thông, anh đồng ý hiến tạng trước khi chết, đó là một hành động cao đẹp, đáng khen ngợi. Tôi hy vọng trong tương lai mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ của mình, xem chuyện hiến một phần cơ thể mình để cứu giúp người khác là một hành động thường quy để cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Cảm ơn bác sĩ về những thông tin trên.
- Thanh Nhã