Nhìn lại thành tựu của gần 30 năm đổi mới, không thể không nói đến sự xuất hiện của đội ngũ doanh nhân – một tầng lớp đã có những đóng góp mang ý nghĩa quyết định ĐỐI VỚI sự phát triển của đất nước trong những năm qua. Bước vào thời kỳ mới ngày nay, khi nền kinh tế đang được cơ cấu lại, mô hình tăng trưởng được chuyển đổi, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới đã trở nên bức thiết.
Bước phát triển có ý nghĩa lịch sử
Những năm trước đổi mới, xã hội ta chưa có khái niệm “doanh nhân”; những người kinh doanh tư nhân được cải tạo và đi đến xóa bỏ; nền kinh tế chỉ có hai thành phần quốc doanh và tập thể. Từ năm 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được triển khai, kinh tế thị trường được công nhận; Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật khuyến khích phát triển doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, như: Luật Công ty (năm 1990), Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990), Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 và gần đây, năm 2014, Luật Doanh nghiệp được sửa tiếp, trong đó có những quy định thuận lợi hơn về đầu tư, khởi sự kinh doanh.
Từ hành lang pháp lý được quy định, với việc đổi mới cơ chế, chính sách, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ra đời khá nhanh chóng, và từ đó, tầng lớp doanh nhân xuất hiện.
Tuy nhiên, trong bước trưởng thành, doanh nhân nước ta đang còn nhiều mặt hạn chế. Về lĩnh vực kinh doanh, phần lớn hoạt động trong các ngành nghề giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, vốn hạn chế và công nghệ thấp. Về quy mô lao động và vốn, phần rất lớn vẫn là nhỏ và vừa. Yếu kém chung của các doanh nghiệp nước ta hiện nay là: sức cạnh tranh thấp, tiếp cận thị trường kém, nhân lực yếu, tầm nhìn ngắn hạn, khả năng kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp, v.v… Mặt khác, cũng cần phê phán những doanh nhân gian lận thương mại, kinh doanh trái luật pháp, thậm chí cấu kết với phần tử xấu trong cơ quan nhà nước, hình thành các “nhóm lợi ích” trục lợi bất chính trong nhiều lĩnh vực kinh tế, làm méo mó thị trường.
Có thể thấy nguyên nhân của tình trạng trên ở cả hai phía. Về phía doanh nhân, đó là do chưa có truyền thống kinh doanh; nhiều người bỏ vốn ra kinh doanh do lòng yêu nước, do muốn thử sức mình, do quan hệ bạn bè, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; cũng còn nhiều yếu kém về năng lực, trình độ, văn hóa kinh doanh, v.v… Về phía Đảng và Nhà nước, tuy Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết (số 9 NQ-TW ngày 9-12-2011) về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất, kinh doanh, song nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn chậm đi vào cuộc sống.
Xây dựng đội ngũ tư bản dân tộc
Hiện nay, đất nước ta đang chuyển sang một thời kỳ mới của quá trình phát triển. Trong nước, đó là yêu cầu chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu dựa trên năng suất và chất lượng cao, bằng khoa học kỹ thuật và nhân lực có chất lượng; do đó, phải cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, nước ta lại đang hội nhập sâu và rộng hơn với kinh tế quốc tế: trong năm 2015, có nhiều cam kết FTA (Hiệp định thương mại tự do) được thực hiện, cuối năm, AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) sẽ hình thành, TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) có khả năng ký kết, v.v… Qua các cam kết ấy, thị trường được mở rộng, với nhiều thời cơ cần tranh thủ nhưng cũng có những thách thức không nhỏ phải đối phó; mà yêu cầu chủ yếu là phải nâng cao sức cạnh tranh, từ sản phẩm đến ngành và năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện những nhiệm vụ, yêu cầu nói trên trong thời kỳ phát triển mới của đất nước phải dựa chủ yếu vào sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, do đó, không thể xem nhẹ việc tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân lên một tầm cao mới, cũng tức là xây dựng đội ngũ tư bản dân tộc ngang tầm với thời kỳ mới.
Nói đến khái niệm “tư bản dân tộc”, cũng tức là khẳng định một thực tế đang diễn ra trong xã hội ta: đó là những doanh nhân Việt, những người dùng vốn – “tư bản” của mình đưa vào sản xuất kinh doanh. Đó là những doanh nhân thực sự kinh doanh vì lòng yêu nước, vì tự hào dân tộc, để nước Việt Nam phát triển nhanh, xứng với tầm vóc của đất nước và con người chúng ta trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, việc tôn vinh, xây dựng và phát triển tầng lớp tư bản dân tộc là cần thiết.
Điều quan trọng trước tiên là cần đổi mới nhận thức về “tư bản dân tộc”. Nói đến “tư bản dân tộc”, có thể có người còn băn khoăn về khái niệm “bóc lột giá trị thặng dư” theo lý thuyết kinh tế trước đây. Băn khoăn này cần được giải tỏa, để nhà lãnh đạo yên tâm về quan điểm, lập trường và cũng để nhà tư bản dân tộc yên tâm kinh doanh. Trong kinh tế thị trường, nhà tư bản dân tộc không chỉ là người bỏ vốn ra kinh doanh, mà họ là người thực hiện chức năng “lao động quản lý” – một loại lao động rất cần tâm và tài để phát triển doanh nghiệp; loại lao động này cần được thù lao đúng mức. Lợi nhuận mà nhà tư bản dân tộc thu được một cách hợp pháp được phân phối như sau: (i) thu nhập về lao động quản lý; (ii) thu nhập do vốn của họ bỏ ra; (iii) phần bù đắp những rủi ro trong kinh doanh, v.v… Nhà nước cũng đã có nhiều quy định pháp luật về thu nhập, về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp; doanh nhân nào có thu nhập cao thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất cao.
Vậy thì phải làm gì để xây dựng và phát triển đội ngũ những nhà tư bản dân tộc đủ mạnh như mong muốn?
Về phía các doanh nhân, trước hết, vẫn là nêu cao lòng yêu nước, củng cố niềm tin vào tương lai của dân tộc, hết lòng góp phần xứng đáng vào công cuộc chấn hưng đất nước. Nhà tư bản dân tộc cần thực hiện các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vững vàng trong hội nhập. Mở rộng và nâng cao tầm nhìn ra toàn cầu, tiếp thu những kỹ năng quản trị doanh nghiệp tiên tiến, ứng dụng khoa học, công nghệ, nêu cao văn hóa kinh doanh, hình thành những doanh nghiệp mạnh làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng đi lên. Cần noi gương những vị tiền bối như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Trần Chánh Chiếu, Trương Văn Bền, v.v… đã từng nêu cao tinh thần tính dân tộc, lập doanh nghiệp, cạnh tranh ngang ngửa với tư bản nước ngoài trong điều kiện hết sức khó khăn những năm đó, được coi là một bộ phận không thể thiếu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Về phía Nhà nước, điều quan trọng là cần đẩy mạnh cải cách thể chế theo các yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, có cách nhìn mới về vai trò của đội ngũ nhà tư bản dân tộc, từ đó, cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà tư bản dân tộc phát huy tâm huyết, trí tuệ, tài năng vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước tập trung vào kiến tạo hành lang pháp lý, bảo đảm doanh nghiệp các thành phần kinh tế bình đẳng trong kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu những thủ tục gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp.
Cần đẩy mạnh cải cách thể chế theo các yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, có cách nhìn mới về vai trò của đội ngũ nhà tư bản dân tộc, từ đó, cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà tư bản dân tộc phát huy tâm huyết, trí tuệ, tài năng vào sản xuất kinh doanh.
Tóm lại, khẳng định và tôn vinh các nhà tư bản dân tộc nước ta, cũng tức là khẳng định tiềm năng to lớn của một tầng lớp người Việt Nam đang hết lòng kinh doanh vì tự hào dân tộc Việt Nam. Đó cũng là khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thời kỳ mới, bảo đảm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, để nước ta tiếp tục phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công. Chúng ta sẵn sàng trải thảm đỏ mời chào nhà tư bản nước ngoài, tại sao không thể đối xử bình đẳng như thế đối với nhà tư bản dân tộc?
Vũ Quốc Tuấn (DNSGCT)