Xét trong tổng thể cơ cấu kinh tế, một nền kinh tế trên đà tăng trưởng đòi hỏi một tỷ trọng giảm dần của giá trị sản lượng nông nghiệp trong GDP, đi kèm theo một sự sút giảm mạnh mẽ và liên tục số lượng lao động trong nông nghiệp. Điều đó không có nghĩa là sản lượng tuyệt đối của nông nghiệp giảm mà vẫn gia tăng và có tính chọn lọc hơn, nhưng sẽ thấp hơn tốc độ gia tăng sản lượng của khu vực công nghiệp và thương mại dịch vụ. Nhưng hai khu vực công nghiệp và dịch vụ sẽ không thể phát triển ổn định nếu không được cung ứng nguồn lao động cần thiết, rất dồi dào từ khu vực nông nghiệp. Như vậy, cánh cửa mở ra cho con đường phát triển bền vững của nông nghiệp nước ta và cho toàn nền kinh tế cũng chính là cánh cửa mở ra cho đông đảo lao động từ nông thôn bước vào thành thị và được tích cực giúp đỡ ngay từ đầu – theo một chiến lược rất dài hạn – để có công ăn việc làm mới với thu nhập cao hơn.
Đó không phải là một con đường ngắn và dễ dàng. Nhiều nước phải trải qua nhiều thập niên hoặc cả thế kỷ để vượt qua con đường đó. Trong gần hai thế kỷ, Hoa Kỳ đã thành công trong việc giảm 98% dân số nông nghiệp xuống còn 2%. Người Nhật cũng đã làm được điều này trong gần một thế kỷ. Những nước thành công trong việc chuyển đổi này là do chính phủ đã liên tục thực hiện những chính sách đúng đắn tạo điều kiện làm giàu cho những người ở lại nông thôn và tạo điều kiện cho những người ra đi được thụ hưởng một nền giáo dục căn bản và được hướng nghiệp đầy đủ để có công ăn việc làm ổn định với mức lương cao ở thành thị. Chuan Leekpai, nguyên Thủ tướng Thái Lan nhận xét rằng nếu số nông dân Thái giảm xuống chỉ còn 5% dân số, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị của Thái Lan sẽ không còn nữa.
Tạo điều kiện cho nông dân làm giàu là điều dễ nói nhưng khó làm. Nỗi ám ảnh “trúng mùa rớt giá, mất mùa đói kém” vẫn luôn luôn đe dọa những người làm ruộng làm vườn và điều này khó thay đổi nếu Nhà nước không có một chính sách trợ giá nông nghiệp tích cực, một chính sách dự trữ lương thực và nông sản ổn định đồng thời tích cực hỗ trợ, khuyến khích xây dựng một hệ thống tồn kho nông sản rộng lớn và hiện đại. Thêm vào đó, vì không có kế hoạch và biện pháp khuyến khích hiệu quả, chúng ta đang quá thiếu một ngành công nghiệp chế biến nông sản để tạo đầu ra và tăng thêm giá trị thương phẩm cho nông sản Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phải chua chát tự hỏi: Mặc dù đóng góp tới 20% GDP của cả nước và có hơn 60% lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất ra bất cứ sản phẩm gì nếu có thị trường, nhưng tại sao chỉ có 0,5% doanh nghiệp (3.000 doanh nghiệp nông nghiệp/tổng số 700.000 doanh nghiệp cả nước) đầu tư vào lĩnh vực này?
Mặt khác, cánh kéo giá cả nông sản/vật tư nguyên liệu nông nghiệp thường xuyên gây bất lợi cho nông dân, họ luôn phải mua phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi với giá cao trong khi phải bán nông sản với giá thấp, đôi khi rẻ mạt. Sự tùy thuộc vào vật tư nông nghiệp nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, ngày càng nghiêm trọng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2013 là 18,84 tỉ USD, thì nhập khẩu vật tư nông nghiệp tiêu tốn tới 12,4 tỉ USD, tăng 13,1% so với năm 2012. Lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu tăng khủng khiếp, gần như tăng gấp đôi mỗi năm, trong đó khoảng 90% nhập từ Trung Quốc. Năm 2013, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên đến 3,08 tỉ USD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu gạo, tăng 22,3% so với năm 2012. Nếu không cải thiện tình trạng này, làm sao có thể nói đến chuyện nông dân Việt Nam làm giàu?
Tình trạng phân mảnh ruộng đất nghiêm trọng qua nhiều thế hệ nông dân “bám ruộng, bám vườn” với một tỷ suất sinh đẻ không kiểm soát cũng là một trở ngại lớn trên con đường làm giàu của nông dân. Sau mỗi hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi, và số lao động bình quân trên diện tích canh tác lại có chiều hướng tăng theo tỷ lệ thuận với sự phân mảnh. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác. Hiện nay, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp có xu hướng giảm dần, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người trên thế giới là 0,52ha, trong khu vực là 0,36ha thì ở Việt Nam là 0,25ha. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất, Bộ Tài nguyên Môi trường, bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta, đặc biệt năm 2007 giảm 120 nghìn hécta, trong khi mỗi năm số lao động bước ra khỏi ruộng đồng chỉ vào khoảng 400 ngàn người. Hơn nữa, mức gia tăng dân sốở nông thôn không giảm nhiều như mong đợi, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh.
Tình trạng ruộng vườn manh mún ngoài việc không thể áp dụng cơ khí hóa và quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến để tăng năng suất và quy mô sản xuất, nó còn tác động đến việc sử dụng cây con giống phù hợp để phát triển thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam. Các chương trình phát triển cây con giống đã tạo được trên 100 giống lúa và nông dân Việt Nam đã trồng chúng trên các đồng ruộng phân mảnh của họ nên không tạo lập được giống lúa có thương hiệu trên thị trường gạo thế giới. Trong khi đó, nước nông nghiệp đối thủ trên thương trường quốc tế của chúng ta là Thái Lan chỉ tập trung hoàn thiện các giống lúa truyền thống của họ là Khao Dawk Mali, Khao Hom Klong Luang và Khao Hom Suphanburi nên đã xây dựng được thương hiệu gạo Thái nổi tiếng khắp thế giới và bán được với giá cao hơn gạo nước ta rất nhiều.
Ruộng vườn manh mún dẫn đến sản xuất manh mún, chất lượng nông sản xuống thấp và đó là lý do khiến nhiều chuyên gia nông nghiệp đau lòng nhận xét rằng nông sản của nước ta không thể bán cho ai được ngoài các thương lái Trung Quốc với những chiêu trò thủ đoạn thương mại vừa ép giá vừa làm cho sản phẩm nông nghiệp nước ta ngày càng kém chất lượng và mất uy tín.
Điều này cho thấy nếu không có một chiến lược quốc gia nhằm đảo ngược quá trình phân mảnh, tiến đến mục tiêu tái tích tụ ruộng đất bằng nhiều chính sách đồng bộ, lâu dài với một ý chí và quyết tâm chính trị cao, sẽ chưa có lối ra cho con đường phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, mạng lưới giáo dục và đào tạo nghề tại nông thôn có vai trò rất quyết định. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống giáo dục phổ thông, cưỡng bách và miễn phí tại nông thôn từ lớp 1 đến lớp 9, với các trường lớp được xây dựng ngay tại các vùng nghèo nhất và lực lượng giáo viên được đào tạo và đãi ngộ đúng mức. Các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp do tư nhân thành lập tại các khu vực nông thôn cần được khuyến khích bởi những ưu đãi về thuế và tín dụng ngân hàng. Tín dụng nông thôn cần được hoàn thiện và mở rộng, tạo điều kiện và cơ hội cho nhà nông được tiếp cận đồng vốn với giá rẻ. Cần giảm thuế nông nghiệp, xóa bỏ dần các khoản lệ phí hành chính, các khoản đóng góp không tên từ lâu là gánh nặng tài chính bất hợp lý và không kham nổi đối với nông dân.
Trên con đường phát triển còn nhiều gập ghềnh, nông nghiệp nước ta cũng có những thành tích đáng khen ngợi. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt tới 30,8 tỉ USD, một kỷ lục chưa từng có trước nay. Điều đáng nói là tuy năng suất được xem là thấp, năng lực cạnh tranh không cao, nhưng nông nghiệp là ngành duy nhất có xuất siêu. Dù không được ưu đãi như nhiều nông dân nước khác, người nông dân Việt Nam, với nghị lực mạnh mẽ, sức làm việc cần cù, với bản chất thông minh, ham học hỏi và năng lực sáng tạo cao đã giúp đất nước mình trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản đa dạng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, các mặt hàng gỗ và thủy sản. Tuy nhiên, với số lao động vẫn chiếm đến 50% dân số lao động và nhân khẩu trong nông nghiệp và nông thôn vẫn chiếm 70% dân số, không thay đổi bao nhiêu sau ba thập niên Đổi mới và phát triển kinh tế, con đường phát triển của nông nghiệp Việt Nam là quá chậm, nếu không nói là giậm chân tại chỗ. Nguồn nhân lực dồi dào vẫn chôn chân ở ruộng đồng, còn thiếu học, chưa được hướng nghiệp đầy đủ, chưa kể bị vướng vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc…
Nhưng kinh nghiệm Việt Nam cho thấy, một khi những điều đúng đắn được thực hiện, kết quả có được sẽ nhãn tiền. Người nông dân Việt Nam có một tiềm năng phi thường và có khả năng biến điều không thể thành có thể. Để kết luận, tôi xin được mượn lời của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, người nhiều năm gắn bó với nông nghiệp Việt Nam: “Có dịp về nhiều địa phương khác nhau, tiếp xúc với nhiều bà con nông dân và tôi thấy đấy lại là lực lượng đáng tin cậy nhất, đáng hy vọng nhất trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay của cả nước”.
Nông dân chậm làm giàu, làm sao con cái họ có thể bước ra khỏi ruộng đồng để cung ứng nguồn nhân lực cho công nghiệp đang cần tăng trưởng. Chưa nói là nguồn nhân lực đó cũng cần được đào tạo, huấn luyện để làm được các công việc mới.
Huỳnh Bửu Sơn (DNSGCT)