Tuần đầu tiên của tháng 6 trôi qua trong sự hồi hộp của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù tin rằng thị trường chứng khoán đã bước vào giai đoạn phục hồi, khá nhiều người vẫn còn lo ngại, liệu có hay không một làn sóng “chốt lời” khiến cho hai chỉ số quay đầu giảm điểm, rồi sau đó thị trường trở nên bi quan như nửa đầu tháng 5? Nghĩa là chính các nhà đầu tư cũng không thể dự đoán thị trường đã thực sự “mạnh” hay chưa. Câu trả lời hiện đã có. Dù trong giai đoạn được dự báo là tích lũy và có thể xảy ra điều chỉnh, cả hai chỉ số vẫn đi lên tương đối vững chắc. Hai phiên giảm điểm cùng với ba phiên tăng điểm trong tuần từ 1-6 đến 5-6 giúp VN-Index tăng 8,51 điểm (1,49%), dừng ở 578,07 điểm. HNX còn tăng ấn tượng hơn, do chỉ có một phiên giảm điểm trong khi có đến bốn phiên tăng điểm. HNX-Index dừng ở 86,71 điểm, tăng 3,48 điểm (4,18%). Trong tuần, dòng cổ phiếu ngân hàng, tiêu biểu là VCB, BID trên HoSE và ACB trên HNX vẫn tiếp đà tăng giá từ nửa cuối tháng 5 và vẫn đang thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, dòng tiền còn đổ vào nhóm chứng khoán, xây dựng, dầu khí và các cổ phiếu mang tính đầu cơ. Nhờ dòng tiền luân chuyển này, nên dù khối lượng giao dịch giảm nhẹ so với tuần trước, diễn tiến của thị trường vẫn khá sôi động. Khối lượng giao dịch mỗi phiên vẫn vượt qua mức trung bình 20 phiên gần nhất và so với thời điểm đầu tháng 5, khối lượng giao dịch/phiên hiện đã tăng gần 50%. Dòng tiền nội đang duy trì khá tốt, trong khi khối ngoại đã giảm mua ròng so với tuần trước. Tính chung trên cả hai sàn, tuần qua khối ngoại chỉ mua ròng gần 119,6 tỉ đồng, các cổ phiếu được khối này ưa chuộng là ngân hàng, chứng khoán và dầu khí.
Có lẽ điều mà các nhà đầu tư lo ngại hiện nay không đến từ chính thị trường mà là kinh tế vĩ mô không có những thông tin cộng hưởng để cho đà tăng thêm bền vững. Dù cho lĩnh vực sản suất đang là điểm sáng của nền kinh tế, khi có dấu hiệu hồi phục mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong thời gian tới, thì vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn. Nguồn dự trữ ngoại hối dù đang được duy trì ở mức cao nhưng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế (ít nhất tương đương với ba tháng nhập khẩu) và phải chịu sức ép khá lớn nhằm duy trì mức tỷ giá hối đoái như hiện nay. Một khi thâm hụt thương mại vượt quá 10 tỉ USD, dự trữ ngoại hối sẽ càng phải chịu sức ép hao hụt. Quan trọng hơn, những điểm bất cập của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, như tăng trưởng kinh tế vẫn nghiêng về chiều rộng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… và năng suất lao động còn thấp. Mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta cũng vậy, đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những điểm sáng, chẳng hạn ngành dệt may. Chỉ trong năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã vượt 8 tỉ USD (ước 8,11 tỉ USD), tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành này vẫn đang gia tăng, nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc… mà ngành dệt may sẽ được hưởng lợi do nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%. Ngành da giày cũng được dự báo là sẽ hưởng nhiều lợi thế khi các hiệp định này có hiệu lực. Điều đó sẽ có tác động cụ thể đến các nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Khi mà đà tăng của dòng ngân hàng, chứng khoán chững lại, sẽ đến thời của các cổ phiếu ngành sản xuất. Bởi cho dù dòng tiền vẫn đang chảy vào cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu đầu cơ, nhưng các nhà đầu tư thận trọng biết rằng họ nên hướng đến những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, có khả năng tăng trưởng bền vững, để tránh những rủi ro tiềm ẩn khi dòng tiền rút ra khỏi thị trường.
Hiện tại, đặc biệt là trong phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường vẫn đang tăng trưởng khá. Thanh khoản tăng đột biến, lực cầu hấp thụ mạnh và đà tăng điểm lan rộng khắp các nhóm cổ phiếu. Một khi các ngưỡng kháng cự bị vượt qua với thanh khoản tốt, nhịp tăng mới của thị trường sẽ lại mở ra.
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (8-6), VN-Index vẫn chưa thể vượt qua ngưỡng kháng cự 580 điểm, dù phần lớn thời gian trong phiên chỉ số đã ở trên mức này. HoSE có một phiên giao dịch sôi nổi với thanh khoản tăng đột biến, đạt 2.931,231 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng CII và FLC đóng góp hơn 600 tỉ đồng. Toàn sàn HoSE có 135 mã tăng và 102 mã giảm. Có thể do hoạt động chốt lời vào cuối phiên nên VN-Index chỉ tăng 1,76 điểm, dừng tại 579,83 điểm. Với thanh khoản tích cực như vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ chưa điều chỉnh trong thời gian tới.
Thành Huân (DNSGCT)