Theo một cuộc khảo sát gần đây do Interaction Associates thực hiện tại 290 công ty trên toàn nước Mỹ, niềm tin của những cá nhân trong một tổ chức đến từ… cấp trên của họ. Những gì mà nhà quản lý nói và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự gắn kết và tham gia của nhân viên vào trong hoạt động của doanh nghiệp, do đó niềm tin của nhân viên dành cho cấp trên trực tiếp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Sau đây là những điều mà một nhà quản lý cần làm để xây dựng, gìn giữ và luôn tăng cường chữ tín giữa sếp và nhân viên.
Đừng đánh giá thấp khả năng quan sát của nhân viên
Nhân viên chú ý mọi thứ từ sếp. Bất kể nhà quản lý tỏ ra vô tâm hay nhiệt huyết, nhân viên đều quan sát kỹ và ghi nhận. Nếu sếp không thể bày tỏ sự quan tâm của mình đến với nhân viên, hẳn nhiên họ bắt đầu nhìn nhận nhà quản lý là một người sếp vô tâm, không hề thấu hiểu họ.
Nhất quán
Khi trò chuyện trước đám đông, nhà quản lý luôn thể hiện bằng một giọng điệu lạc quan, tích cực và đề cao giá trị cốt lõi của tổ chức. Vậy sếp sẽ làm gì khi trò chuyện một đối một với nhân viên đang tỏ ra vất vả khi tìm hiểu hướng đi của tổ chức? Liệu rằng trong một phút thiếu kiềm chế, nhà quản lý có thể gắt gỏng và xử lý một cách tiêu cực với nhân viên?
Hãy nhớ rằng người đối diện luôn quan sát cấp trên của mình, tất cả những biến đổi về sắc thái, tâm trạng và cảm xúc của sếp. Mặc dù không nói ra, nhưng nhân viên vẫn nhìn thấy ở sếp một sự “nắng mưa thất thường” và ghi nhớ điều đó.
Giữ lời hứa
Người ta thường có khuynh hướng giữ lời hứa khi tương lai trở nên tương sáng và lẳng lặng bỏ qua lời hứa hẹn khi tình thế thay đổi tiêu cực. Nhân viên không bao giờ tin tưởng một người sếp dễ dàng thất hứa bất kể đó là lời cam kết liên quan đến việc khen thưởng cuối năm hay dự báo tình hình tăng trưởng của tổ chức trong tương lai.
Đừng đổ lỗi
Thỉnh thoảng, đổ lỗi hay cáo buộc cho nhân viên vì một tình thế không hay xảy ra là điều khó có thể kiểm soát, đặc biệt khi đang nổi nóng, nhưng nhà quản lý đừng bao giờ biến điều này trở thành thói quen, biến một cá nhân nào đó trở thành bung xung để đổ lỗi khi thất bại xảy ra. Nếu thường xuyên đổ lỗi cho người khác, hẳn nhiên uy tín của nhà quản lý sẽ bị mất dần theo thời gian.
Thừa nhận lỗi lầm
Điều đầu tiên để củng cố niềm tin của nhân viên vào sếp chính là sếp phải tỏ ra hoàn toàn minh bạch với họ. Theo tiến sĩ Barbara Schwarck, đánh mất niềm tin của nhân viên có thể là rất đáng tuyệt vọng nhưng đó không hề là kết thúc. Nhà quản lý vẫn có thể mở lại cánh cửa đi đến niềm tin bằng cách thừa nhận những lỗi lầm của mình. Có thể nói, mọi người đều trân trọng sự chân thành.
Dành thời gian trao đổi trực tiếp với nhân viên
Nhà quản lý nên hiểu rõ sự khác biệt trong ích lợi giữa việc diễn đạt trước đám đông và trò chuyện với từng cá nhân. Trong lúc trò chuyện riêng với từng nhân viên, hãy lắng nghe ý tưởng, ý kiến từ họ và cho phép họ có cơ hội hoàn toàn mở lòng. Chỉ như thế, họ mới tin tưởng hoàn toàn vào nhà quản lý.
- Xem thêm: Tạo dựng lòng tin
Làm gương
Theo Sanjay Govil, chủ tịch nhà cung cấp dịch vụ di động Infinite, thay vì lãnh đạo theo cơ chế chức vụ, nhà quản lý nên tập trung nhiều hơn vào việc trở thành tấm gương cho nhân viên, luôn chia sẻ thông tin về việc những cá nhân trong nhóm làm việc được lợi ra sao từ việc học tập thành công lẫn nhau.
Hãy trở thành tấm gương của những hành động mà người quản lý muốn nhìn thấy nhiều nhất trong nhóm làm việc của mình. Đó có thể là đi làm đúng giờ hoặc luôn niềm nở với mọi người xung quanh.
Sử dụng những gợi ý từ nhân viên để tạo ra những thay đổi tích cực
Hoàn toàn cởi mở với những gợi ý và lời phê bình từ nhân viên. Lắng nghe mọi thứ, dù đó có thể là khó nghe hoặc hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Lắng nghe từ những góc độ khác nhau để hướng tới sự thay đổi mà nhà quản lý muốn nhìn thấy trong phong thái lãnh đạo của mình.