Một cô gái trẻ mang theo trái tim tan vỡ đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ trong sáu tháng để khám phá đất nước xinh đẹp này. Hành trình này lẽ ra cô sẽ thực hiện cùng với người cô yêu nhưng anh đã nói lời chia tay ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân. Cô gái trẻ quyết định vác balô lên và đi như một cách để tìm quên nỗi đau về tình yêu tan vỡ không lý do nhưng cuối cùng, cô đã tìm lại được tình yêu đối với chính bản thân và với cuộc đời. Cô chợt nhận ra “mình mạnh mẽ hơn mình nghĩ”, không phải vì một người con gái Á Đông hay mắc cỡ như cô có thể hút cỏ hoặc uống đến say mèm với những người bạn mới quen mà vì cô có thể đi qua nỗi đau một cách nhẹ nhàng, khi cô biết quý trọng cơ thể và tâm hồn mình.
Trong cuốn sách Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ, người đọc sẽ tìm thấy một tác giả Đinh Hằng đầy cá tính và mạnh mẽ trong từng bước đi khám phá thế giới. Cô gái ngoài đôi mươi ấy đã từng đau đớn đến nỗi muốn đâm đầu vào tàu điện ngầm để tự sát nhưng hành trình nước Mỹ đã đánh thức bản năng được sống và yêu hết mình trong cô, giúp cô nhận ra rằng “Nếu không ra đi khỏi một mối quan hệ đang chết dần chết mòn, bạn không cho mình cơ hội được hạnh phúc. Bởi bạn sợ hãi với ý nghĩ rằng mình không xứng đáng được yêu, được trân trọng hơn bởi một người khác”.
Để hoàn thành cuốn sách, Đinh Hằng nói rằng cô đã có những đêm ngồi bên bản thảo và rơi nước mắt, vừa khóc vừa viết. Việc đối diện một lần nữa với ký ức những ngày ở Mỹ giống như tác giả phải đi lại một lần nữa hành trình 20 bang bằng trí nhớ của mình, trí nhớ đó thực quá rõ ràng, rõ đến từng cái nhói tim hay một cái chạm tay khe khẽ, một ngày đổ nắng trên đường rừng hay một cơn mưa trút lá mùa thu. Có những đêm cô chỉ viết được vài dòng, rồi vùi mình vào giấc ngủ vì không thể chịu đựng nổi nữa…
Chuyến đi của Đinh Hằng – một “Ta balô đi du lịch bụi” đã cho chúng ta thấy nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó. Nước Mỹ không chỉ có những cánh hoa anh đào vương trên chiếc ghế trống ở Washington D.C, nhánh bồ công anh soi bóng trên Cổng Mây ở Chicago, cánh đồng lúa mạch vàng óng ở Lawrence, dải sương mù bồng bềnh ở San Francisco, chiếc lá thu ngả vàng ở Flagstaff, đêm jazz nồng nàn ở New Orleans, tách latte nồng hương quế ở Seattle… mà nước Mỹ còn có những người thất nghiệp, lập dị, sống xa cách với con người, những người trẻ tuổi với tình một đêm, đồng tính, hút cỏ và ma túy…
Tựa sách Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ được Đinh Hằng đặt dựa trên một khoảnh khắc đẹp nhất mà tác giả từng trải qua trong tất cả các chuyến đi của mình, đó là khi cô nằm trên tảng đá bên bờ vực, ngắm hoàng hôn rơi xuống Islands in the Sky (công viên Canyonlands), một thứ hoàng hôn đẹp và kỳ vĩ. Chỉ trong khoảnh khắc những đám mây nhuộm ánh vàng mê hoặc trôi vội vã trên đầu, nhân vật tôi như bừng tỉnh khỏi cơn u mê đã kéo dài suốt nhiều tháng liền, và nhận chân ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Trong đó, điều quan trọng nhất là mình còn quá trẻ để chết giữa tuổi thanh xuân.
Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản, giá bán: 65.000 đồng.
Thiên Du (DNSGCT)