Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể được vận hành cùng lúc với RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực ASEAN+6) vào cuối năm 2015. Sức ép thị trường với Việt Nam tăng lên, nhất là khi các công ty sản xuất, chế tạo Nhật Bản triển khai chiến lược “Thái Lan + 1” thay thế “Trung Quốc + 1” với những nguyên tắc mềm dẻo, linh hoạt hơn.
Hai năm gần đây, những chiến lược kinh tế mang tính cấp bách được doanh nghiệp (DN) các nước nhanh chóng triển khai song song với tiến trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN và đàm phán RCEP. Thị trường VN chứng kiến cuộc đổ bộ rầm rộ của các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia… Cục Đầu tư nước ngoài xác nhận Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN, với tổng giá trị đầu tư 36,5 tỉ USD tại 2.434 dự án.
Tại cuộc họp chuyên gia kinh tế các nước Tiểu vùng sông Mekong ở Thái Lan gần đây, người Nhật đã nói rõ Chiến lược “Thái Lan +1”. Theo đó, một số ngành Thái Lan không còn lợi thế cạnh tranh hoặc đã tương đối lạc hậu so với yêu cầu mới của thế giới, được chuyển sang những nước như VN.
Theo lộ trình, thuế suất với ôtô nhập khẩu vào các nước ASEAN sẽ giảm mạnh vào năm 2018. Vì vậy, trong chiến lược của người Nhật, Thái Lan tiếp tục là căn cứ sản xuất ôtô lớn, được coi là “Detroit trong khu vực ASEAN” – thành phố thuộc bang Michigan, trước đây được xem là thủ đô ôtô của Mỹ. Trên cơ sở đó, người Nhật tiếp tục đưa Thái Lan sản xuất tất cả các dòng xe ôtô mới được thiết kế để cạnh tranh toàn cầu những năm tới. Những sản phẩm lâu nay người Thái làm, người Nhật sẽ chuyển sang bốn địa chỉ Lào, Campuchia, VN và Myanmar.
Trong “Trung Quốc +1” trước đây, người Nhật đã chuyển một số ngành từ Trung Quốc sang các nước xung quanh, như Thái Lan, Malaysia, VN… Cơ hội vượt Trung Quốc là khó bởi quy mô thị trường này quá lớn, nhưng theo cách tiếp cận của “Thái Lan +1”, VN sẽ phải cạnh tranh với Lào, Campuchia, Myanmar để nhận đầu tư từ Thái Lan.
Thái Lan đang nỗ lực vượt lên tầng cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực. Sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh của DN Thái Lan được hậu thuẫn bằng cơ chế của chính phủ. Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Lan tới năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1-1, ngoài mục tiêu cải thiện mức tăng trưởng, năm 2014 dự kiến chỉ đạt 1% GDP, còn nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhân công giá rẻ.
Xem thị trường 90 triệu dân VN là tiềm năng, nên có tới 52% DN Thái cho rằng gia nhập thị trường VN là chiến lược kinh doanh mới. DN Thái Lan vào VN không đi đơn lẻ, mà đi thành hội với sự hỗ trợ hiệu quả của Thương vụ Thái Lan tại VN. Thương vụ không hỗ trợ tiền vốn hay dự án đầu tư nhưng sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ thông tin cần thiết cho DN, đồng thời giúp DN giải quyết những vấn đề phát sinh trong kinh doanh tại VN.
Mất cơ hội có thể tái diễn
Bà Phạm Chi Lan, một trong hai chuyên gia VN được mời nghe chiến lược “Thái Lan +1” thấy “rất đau và giận người Nhật”. Tại sao một đối tác chiến lược quan trọng lại đối xử với VN như vậy, nhưng nhìn lại, từ việc tham gia ASEAN 20 năm trước, đến bước vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN cuối năm nay, khoảng cách VN với các nước phát triển trong khu vực ngày càng xa, các ngành sản xuất vẫn ở tầm thấp. Trong dệt may, da giày VN vẫn chỉ làm gia công là chính còn nguyên phụ liệu vẫn nhập khẩu nên giá trị gia tăng thấp. Bà Lan cho “đó là cái DN phải nghĩ đến để thay đổi cách tiếp cận”.
Sản phẩm giàn khoan dầu khí của VN được thị trường thế giới chấp nhận, nhưng ông Phan Tử Giang – Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) nói “khó cạnh tranh với các nhà sản xuất khác trong khu vực”. Đây là mô hình rất mới nên các ngân hàng trong nước chưa có cơ chế cho vay vốn. Hiện, các dự án đóng giàn khoan xuất khẩu ở các nước đều được hỗ trợ vốn, Singapore và Trung Quốc tài trợ tới 85 – 90%. Ông Giang nói: “VN kém hơn cũng phải hỗ trợ được 75 – 80% thì DN mới có thể cạnh tranh được”.
Theo ông Giang, giá bán giàn khoan của VN thấp hơn Singapore và ngang bằng Trung Quốc, nhưng lợi nhuận thu được chỉ 5%, trong khi Trung Quốc lãi 20%, do quá trình sản xuất chưa hoàn toàn tối ưu, làm cho chi phí tăng cao. Để cạnh tranh, không còn cách nào khác, PV Shipyard phải tăng tỷ lệ nội địa hóa song việc thực hiện rất khó. Việc đóng giàn khoan có yêu cầu chứng chỉ rất cao, trong khi các nhà sản xuất thiết bị chưa đạt được chất lượng, hoặc đạt được rồi nhưng chưa có chứng chỉ thiết bị. Một cái khó nữa, đây không phải công nghệ lõi của VN nên PV Shipyard gặp không ít khó khăn trong quá trình ứng dụng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy thách thức hội nhập đã sát sườn. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, DN Việt chưa thực sự tích cực tiếp cận Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoặc cơ chế hợp tác trong RCEP. Hầu hết DN có tâm lý lo lắng hội nhập, nhưng chưa có nhiều hành động chuẩn bị về việc phải làm gì và làm thế nào để cạnh tranh được. Gần đây, không khí chuẩn bịở phía Nam khá hơn phía Bắc. DN phía Nam thực tế hơn trong khi DN ngoài Bắc vẫn nhiều ảo tưởng, thậm chí có ý chờ đợi chính sách hỗ trợ của chính phủ. Chuẩn bị cho hội nhập, DN cần thay đổi cách nhìn, trước hết là biết tự lo cho mình, không thể ngồi chờ, trông đợi vào sự hỗ trợ của ban ngành, nhà nước. VN có hơn 600 nghìn DN hoạt động, hơn 4 triệu hộ kinh doanh, hơn 10 triệu hộ nông dân, nếu xếp theo thứ tựưu tiên thì người nông dân đáng được ưu tiên hơn trong nền kinh tế thị trường vì phải nhận nhiều sự thiệt thòi.
Ông Lê Văn Tam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco):
Ngành nông nghiệp thiếu điều kiện lên sản xuất lớn
Hội nhập sâu rộng, đặc biệt là việc chúng ta ký các hiệp định thương mại và TPP tới đây, ngành công nghiệp chế biến hàng nông sản nói chung, Lasuco nói riêng, gặp không ít thách thức do DN chưa được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện hội nhập, đặc biệt là năng lực để cạnh tranh.
Đặc thù của ngành mía đường là nông dân vẫn sản xuất nhỏ, vùng nguyên liệu manh mún, quy mô nhỏ, thiếu tập trung đi ngược với yêu cầu công nghiệp chế biến hiện đại. Chủ trương và chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước tuy đã có nhưng chưa đủ sức cho nông nghiệp bứt phá. Cạnh đó, thể chế của Nhà nước đối với DN chưa ổn định, chưa thực sự thông thoáng về chính sách đất đai, môi trường… Bối cảnh đó khiến DN mất lòng tin bởi thường xuyên đối mặt với rủi ro từ chính sách không ổn định, nạn nhập lậu đường tràn lan.
Vì vậy, Nhà nước nên áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 0% trong năm năm và giảm xuống mức tối đa là 5% cho những năm tiếp theo để tạo điều kiện cho DN có vốn đầu tư khoa học công nghệ mới vào lĩnh vực này. Cùng với đó, sớm cải cách chính sách, thể chế về tích tụ đất đai, thúc đẩy nhanh liên kết hợp tác giữa DN và nông dân, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa đồng bộ ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo nguồn thực phẩm có thương hiệu, đưa ngành chế biến nông sản thực phẩm phát triển. Nhà nước cũng cần nghiên cứu và xây dựng cụ thể hàng rào bảo hộ phi thuế quan đối với nông nghiệp trong nước theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Mỹ và các nước phát triển.