Đặc biệt là các nhà có con du học. Nếu không đúng ư, thì cứ việc phản biện đi. Cha mẹ bỏ tiền tỉ ra cho con đi, ai không hy vọng con thành đạt đổi đời nơi xứ người? Niềm hy vọng chính đáng ấy, cộng với số tiền bỏ ra khá lớn (mất bay một… cái nhà), khiến đứa con bị áp lực rất nhiều.
Đó là nói những đứa con biết suy nghĩ thương cha mẹ góp nhặt (chứ còn tiền bất chính tham nhũng thì con cái chẳng xót đâu. Chúng thấy kiếm tiền dễ quá, cha mẹ có nhiều quá, nên không xót). Nhiều đứa đi du học là để ăn chơi tiêu tốn – dù bây giờ nói đó là số nhiều hay ít đều chẳng có cơ sở, nhưng rõ ràng là có.
Thương nhất là những đứa con biết nghĩ, lo học hành. Khi ở nhà còn ỷ lại vào cha mẹ, nay tự lo lập thân nơi xứ người xa lạ, khó khăn chồng chất. Chiên trứng cũng để cháy khét. Mẹ ở nhà thương con khóc thầm. Không dám để ai biết, người ta sẽ mắng cho rất đúng thế này: “Ngày xưa con ra trận thì sao, nay đi du học trời Tây khóc lóc gì. Chúng lớn rồi phải tự lập chứ”. Rồi sẽ kể ra phương pháp giáo dục “gà công nghiệp” thế này thế nọ.
- Xem thêm: Đặt hy vọng vào con…
Vì người ta “mắng đúng” nên lại đau lòng hơn. Lại “ghét Tây” hơn. Xứ sở gì nói sang giàu hiện đại, nói chuộng người tài năng, mà nhiều người giỏi vẫn cứ long đong vì cái visa và khó xin việc làm.
Đọc cái bài tả cuộc sống trời Tây của một sinh viên cao học đi làm đủ mọi việc ở Úc mà thương quá. Làm nông trại cực khổ (chẳng phải mơ như kiểu “ngôi nhà trên thảo nguyên” đâu). Làm ôsin không xong, xin vào làm công ty không được. Đứng trên cầu nhìn trụ sở hiện đại của nơi có công việc đáng mơ ước mà rớt nước mắt rơi xuống dòng sông.
Những người tử tế, chất xám Việt Nam có tồi đâu, nhưng hòa nhập văn hóa – xã hội của họ sao mà khó thế. Hay là cái xứ Tây ấy chỉ chấp nhận được những người cho ăn quả lừa: “kết hôn giả”, chạy chọt lách luật này nọ, trốn vô rừng, chết cóng trên xe hầm lạnh chở hàng để nhập cư lậu?
Các đơn vị lúc quảng cáo du học này nọ thì xôm tụ lắm, nhưng khi ra trường thì mặc kệ mà bơi. Thần may mắn không đến với bọn dốt nát lười biếng, nhưng ông thần đó cũng tàn nhẫn quay lưng như thường cả với nhiều người tử tế chịu khó học hành.
Sao họ chỉ chiêu dụ sinh viên vào học mà chẳng có nơi nào cam kết kiểu “Nếu du học kết quả giỏi thì sẽ có ưu đãi…” nhỉ? Tuyệt đối không có.
Bà mẹ nghĩ thế và bỗng cảm thấy bức bối. Bất công kiểu mới đang đè nặng lên bà và đứa con bé bỏng phương xa.
Tất cả những điều này tạo nên áp lực khủng khiếp với người con du học. Có cả cảnh này: Vợ du học một nước, chồng tu nghiệp một nước, con gửi ở nhà cho ông bà. Họ “sum họp” trên internet chốc lát, cười nói ngắn ngủi và cho thế là may quá, thời hiện đại giúp họ đỡ khốn khổ. Cái giá họ phải trả thật lớn lao.
- Xem thêm: Cu Tí không nhảy đầm
Hừm, sao mà cái giọng than vãn dữ vậy. Thời toàn cầu hóa có bao nhiêu điều kiện học hành. Ai cũng có thể nói đó là hạnh phúc. Nhưng đã tốn bao nhiêu tiền cũng không ân hận bằng sự trả giá bằng những áp lực, lo toan, cả những thất bại và sự kém may mắn.
Nhìn bề ngoài khó ai thấy được. Ở trời Tây, một mặt họ cứ danh ngôn kiểu “Nếu bạn chưa từng thất bại, nghĩa là bạn cũng chưa từng sống…” nhưng thực tế thì người kém may mắn dưới mắt họ đó là kẻ thua cuộc.
Chẳng nên tin mấy câu danh ngôn có vẻ rất ấn tượng của trời Tây kiểu đó làm gì nhỉ?