Làm cha mẹ bây giờ đừng… vụ lợi. Đừng mong con cái đền đáp, mà hãy làm hết sức mình để sao cho con được sung sướng, hạnh phúc. Vậy mới là người thức thời. Vậy mới là cha mẹ tốt.
Các con dâu rể chỉ mong có vậy. Hãy tạo điều kiện cho họ, nhưng đừng… can thiệp gì, đừng trút lên đầu họ gánh nặng. Tóm lại là, đừng mong đền đáp. Vậy mà nếu nói, thanh niên nam nữ bây giờ không yêu thương cha mẹ, thì thế nào cũng bị coi là nói hồ đồ, thiếu tin tưởng và tôn trọng lớp trẻ. Nói chung, tình gia đình thiêng liêng nhất, làm gì có ai không nói như vậy.
Nhưng làm cha mẹ, ai không đặt hy vọng vào con? Nhà văn châm biếm người Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin từng viết nguyên một tác phẩm giọng vừa phê phán yêu thương vừa hài hước “Con cái chúng ta giỏi thật”. Tức là con bình thường thôi cha mẹ cũng thấy chúng đặc biệt. Nhưng niềm hy vọng con “xuất chúng thiên tài” thì cũng có thể hiểu và chỉ nên… mỉm cười.
- Xem thêm: Nhà nào cũng thế
Vì niềm hy vọng ấy không phải để cho cha mẹ, mà phần lớn là mong cho con nên người, thành công, xuất chúng hơn người. Được sống cuộc đời vinh quang sung sướng.
Cha mẹ vốn là yêu thương không vụ lợi. Những người bỏ “tiền tấn” ra cho con du học đâu phải họ tính cho mình, mà là cho con đi tìm cơ hội đổi đời. Chứ mấy ai tính rồi sẽ… sang đó sống với con. Bao nhiêu người già “bên bển” thèm về quê hương kia kìa. Những thông tin như vậy rất nhiều.
Cha mẹ ơi, hãy buông con ra… đấy, tít bài trên báo đấy. Cha mẹ chăm sóc hầu hạ con đâm ra thành… khuyết điểm. Mà cha mẹ bao đời nay đều yêu thương chăm con như thế cả, con lớn lên toàn là anh hùng cả, chẳng ai phê bình.
Tự nhiên bây giờ thành khuyết điểm, bị tố ngược là làm hại con, thật chẳng hiểu ra thế nào nữa, thời cuộc nhăng nhố, đạo lý điên khùng, cha mẹ hy sinh hết cho con bây giờ thành khuyết điểm.
Thế nên con cái đâu có nhớ ơn. Không nhớ ơn thì chúng cũng không trả ơn. Chúng lao theo cuộc sống và tính cách cá nhân, người trẻ bỗng thành… “ông kẹ” khiến cha mẹ phải sợ. Sợ con, sợ luôn con dâu con rể. Người già “chưa có bao giờ khổ như hôm nay”.
Chẳng hiểu những bậc cha mẹ “bán vé số”, “đi ăn mày” nuôi con vào đại học, rút cục có được đứa con ấy cưu mang và nhớ ơn hay không.
“Lý thuyết sống hiện đại” đề cao cá nhân tự do chứ không thấy ai giáo dục tuổi trẻ cần có những trách nhiệm gì. Mọc ra bao lý lẽ mất dạy, kiểu như “5 đặc tính của đàn ông không nên chọn làm chồng” (trong đó có đặc điểm là người con trai… yêu mẹ quá), hoặc lý thuyết “ở chung là lạc hậu, thời nay ai ngu gì ở chung”.
Thế là cha mẹ già hãy ráng sống một mình. Thỉnh thoảng trên mạng người ta đưa hình ngôi nhà quê xưa giờ đóng cửa bỏ không vì con cái đi xa, cha mẹ già ở đây đã chết. Chao ơi, kỷ niệm đầu hè cây cối hàng cau, người xa vắng hồn giờ ở đâu, buồn ơi là buồn.
Đã có lý thuyết “đô thị hóa” và xã hội hiện đại. Xó quê bị bỏ rơi. Kỷ niệm quê nhà, mẹ cha tần tảo thương nhớ con sớm chiều… tất cả đều biến mất. Tình thương biến mất chứ không chỉ có khung cảnh quê nhà.
- Xem thêm: Có tiền mà chẳng có quyền…
Cuộc sống hiển nhiên đã thế, sự tàn nhẫn cứng cỏi, những bài toán toan tính đã không còn chỗ cho những tình cảm đẹp của một thời. Trong cảnh đó, cha mẹ một lần nữa “người già dấn thân vào cuộc cách mạng” đớn đau, một cuộc kiếm tìm đời độc lập khi đã chân run mắt mờ. Mà không được dựa vào con.
Ngày nay, trách nhiệm làm cha mẹ lớn hơn trách nhiệm làm con rất nhiều. Có lẽ phần kết bi quan của tuổi già, chính là một đáp số sai của “đường lối giáo dục” của họ?