Biết nhận ra giá trị của nhân viên từ lâu đã được giới chủ doanh nghiệp quan tâm và cũng là đề tài quen thuộc của các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự. Michael Armstrong, một tác giả người Mỹ chuyên về quản trị nguồn nhân lực, trong quyển How to manage people (Cách quản lý con người), đã nhắc lại một nghiên cứu của Jeffrey Pfeffer, từ Đại học Stanford về việc này: “Nhận ra giá trị của nhân viên chắc chắn giúp nâng cao động lực và hiệu quả làm việc của họ.
Tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ, đầy thử thách và có giao quyền để các cá nhân phát huy được hết khả năng của mình là hay nhất. Tuy nhiên, việc tạo ra một môi trường làm việc như vậy sẽ khó khăn hơn và mất thời gian hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống là khen thưởng nhân viên”.
Còn với Rothwell, một chuyên gia nhân sự khác cũng của Mỹ, trong quyển Planning and managing Human resources (Hoạch định và quản lý nguồn nhân lực), một trong những cách giúp giới chủ nhận ra giá trị của nhân viên và cho chính nhân viên tự nhận ra giá trị của mình là sử dụng hình thức xoay tua trong công việc: “Khi xoay tua công việc, nhân viên sẽ thường xuyên được nhận nhiệm vụ mới, phụ trách các công việc khác nhau…, từ đó sẽ giúp họ phát triển cá nhân và nhận ra giá trị của những người khác trong tổ chức. Ngoài ra, việc xoay tua còn khiến việc giao nhiệm vụ cho nhân viên luôn có sự uyển chuyển nhất định.
- Xem thêm: Tạo giá trị từ nhân viên
Mới đây nhất, Shankar Krishnamoorthy – một tác giả Ấn Độ, lãnh đạo công ty phần mềm về quản lý hiệu quả công việc, có một bài viết đăng trên website SHRM về chủ đề “biết nhận ra giá trị” này, xem đó là một chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Biết nhận ra giá trị, khi trở thành một phần của văn hóa doanh nghiệp, có thể là vũ khí mới lạ giúp doanh nghiệp qua mặt được các đối thủ cạnh tranh.
Theo Krishnamoorthy, trong một khảo sát gần đây do chính ông tiến hành, hơn một nửa đối tượng tham gia cho biết họ sẽ gắn bó lâu hơn với doanh nghiệp nếu cấp trên của họ biết nhận ra giá trị của họ. Ngược lại, khi điều này không xảy ra, nhân viên sẽ thất vọng, kéo theo hiệu quả công việc, năng suất và lợi nhuận xuống dốc, chưa kể là họ sẽ sẵn sàng tâm thế đi tìm việc làm khác…
Biết nhận ra giá trị, nói cách khác là biết thừa nhận giá trị và sự “đáng giá” của nhân viên trong mọi tình huống. Biết nhận ra giá trị không có nghĩa là tỏ thái độ biết ơn trong một tình huống cụ thể, mà công nhận những giá trị mà từng nhân viên đem lại cho tổ chức, từ người bảo vệ cho đến công nhân đứng chuyền, quản đốc và mọi vị trí khác trong doanh nghiệp.
Có rất nhiều cách để tạo động lực cho nhân viên thông qua việc thừa nhận giá trị ở họ. Thay vì để nhân viên phải làm việc theo kiểu đoán ý của cấp trên mà làm cho tốt thì chỉ một lời “cảm ơn” trực tiếp hoặc gửi qua email cũng làm cho nhân viên cảm thấy mình được thừa nhận là có giá trị đối với cấp trên rồi.
- Xem thêm: Phân nhiệm là một nghệ thuật
Làm điều này còn giúp nhân viên thoải mái hơn khi nhận được phản hồi về những việc chưa làm tốt của họ. Vì mọi phản hồi dù tốt hay chưa tốt của sếp cũng được nhân viên chấp nhận như một cách tương tác của cấp trên đối với họ. Đừng trưng ra bộ mặt lạnh như tiền khiến nhân viên phải tự suy đoán xem không biết mình có thuộc diện được việc hay không.
Việc xây dựng một văn hóa tổ chức có yếu tố “biết nhận ra giá trị”, vì vậy, có thể đưa doanh nghiệp đến thành công, bởi chính các nhân viên sẽ chủ động tăng hiệu suất làm việc nhằm duy trì hình ảnh “có giá trị” của mình đối với doanh nghiệp, từ đó sẽ giúp tăng năng suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp.