Giá dầu thô tại thị trường New York và London cuối tuần rồi đã đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua do những tín hiệu cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vẫn chưa sẵn sàng cắt giảm sản lượng bất chấp sự dư thừa nguồn cung vàng đen trên toàn cầu.
Tại New York, giá dầu thô giao tháng 12 chỉ còn 74,21 USD/thùng, giảm 2,97 USD/thùng, tương đương mức giảm 3,9% – thấp nhất kể từ ngày 21-9-2010.
Tại London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 còn 77,92 USD/thùng, giảm 2,46 USD/thùng, tương đương 3,1%, – thấp nhất kể từ ngày 9-9-2010. Từ tháng 6 đến nay, giá dầu Brent đã giảm hơn 30%.
Tâm trạng của thị trường về giá dầu đang là bi quan và mang đến cảm giác là cung vượt quá cầu.
Dầu mỏ chiếm một vị trí đặc biệt trong thương mại quốc tế. Không hàng hóa nào có quyền lực chính trị, chiến lược và chiến thuật giống như xăng dầu. Kể từ khi trở thành nhiên liệu chính của thế giới cách đây gần hai thế kỷ, dầu mỏ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các sự kiện trên thế giới, châm ngòi cho các biện pháp cấm vận thương mại và các cuộc chiến tranh thuộc địa, hình thành cũng như phá vỡ các liên minh chính trị và luôn mang lại một sự biện minh, thực sự hay ảo tưởng, cho các cuộc xung đột quốc tế. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự sụt giảm mạnh gần đây của giá dầu thế giới đã tạo ra một loạt học thuyết âm mưu.
Giá dầu giảm liên tục tác động đến nhiều quốc gia, phải chăng dầu đang được sử dụng như một vũ khí chính trị? Không chỉ khu vực Trung Đông và Bắc Phi gồm cả những nước nhập khẩu lẫn những nước xuất khẩu dầu mỏ với các mâu thuẫn xuất phát từ những lợi ích khác nhau, việc giá dầu hạ đang có nguy cơ gây ra tình hình căng thẳng mới trong nhiều khu vực khác.
Thị trường dầu mỏ bị tác động mạnh bởi cung cao hơn cầu và xu hướng này đã được tăng cường trong mấy tháng qua do suy giảm kinh tế tại khu vực các nước sử dụng đồng euro. Các chuyên gia dầu mỏ cảnh báo rằng sự giảm giá dầu có nguy cơ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra vào năm tới. Lý do là đối với các nước thành viên OPEC, nhu cầu nội địa năm 2015 được dự báo sẽ giảm mạnh so với năm 2014, trong khi nhu cầu sử dụng vàng đen của các nước tiêu thụ chính cũng tiếp tục đà giảm, nhất là các nước châu Âu (chiếm 14% nhu cầu dầu mỏ thế giới).
Giá dầu hạ, những nước bị thiệt hại trong khu vực Trung Đông đương nhiên là những nước xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, mức thiệt hại của mỗi nước khác nhau, tùy theo việc phụ thuộc của nước đó vào thu nhập dầu lửa và sức mạnh của đồng tiền của nước đó so với đồng đôla Mỹ.
Các nước vùng Vịnh, nơi có đồng tiền liên quan nhiều đến USD, phải chịu thiệt hại kép về thu nhập, vừa do giá dầu giảm bằng đồng nội địa vừa do giá USD tăng. Theo giới tài chính – tiền tệ, việc giá dầu giảm đã kéo đồng USD tăng giá khoảng 3% trong ba tháng qua. Trong số các nước Ả rập ở vùng Vịnh, chỉ có Saudi Arabia có thểứng phó được với việc giảm thu nhập này mà không phải áp dụng biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách nhờ lượng dự trữ USD rất lớn.
Những đồn đoán về nguyên nhân thực sự của sự sụt giảm này đã xuất hiện được một thời gian, nhưng nó bước vào lĩnh vực phân tích nghiêm túc kể từ khi nhà báo nổi tiếng Thomas Friedman của tờ Thời báo New York (Mỹ) đưa ra một giả thuyết về các thủ đoạn bí mật có thể giúp thao túng cả thị trường.
Ông Thomas Friedman viết: “Người ta không thể nói chắc chắn rằng liệu liên minh dầu khí Mỹ – Saudi Arabia có phải là một sự cố ý hay chỉ là trùng hợp lợi ích ngẫu nhiên. Nhưng nếu đó không phải là một sự suy luận thì rõ ràng những gì chúng ta đang cố làm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh tụ tối cao của Iran, giáo chủ Ali Khomenei, chính là những gì người Mỹ và người Saudi Arabia đã làm đối với các nhà lãnh đạo trước đây của Liên Xô: Bơm dầu dồn họ đến chỗ chết”.
Ý của Friedman là Washington và Riyadh đã hợp tác với nhau tạo ra “cơn lũ dầu trên thị trường” nhằm gây sức ép giảm giá dầu mỏ khiến cho Moscow và Tehran sẽ sớm cạn tiền. Đây là một giả thuyết thú vị và không phải là giả thuyết mà chúng ta có thể thẳng thừng bác bỏ.
Các nhà quan sát theo thuyết âm mưu ngay lập tức chỉ ra những tác động mạnh mẽ của sự sụt giảm giá dầu theo chiều thẳng đứng trong những tháng vừa qua – giảm 25% kể từ tháng 6-2014 – để minh chứng cho lập luận của mình. Điều đáng lưu ý ở đây là các quốc gia bị tác động mạnh nhất là những quốc gia không thân thiện với Mỹ, chẳng hạn như Nga, Venezuela và Iran.
Trước tiên nói về nước Nga, nơi từ lâu bất kỳ biến động nào của giá dầu đều có tác động mạnh tới nền kinh tế và không khí chính trị của quốc gia này. Doanh thu từ xuất khẩu năng lượng chiếm tới một nửa ngân sách của chính phủ và một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Trong các nguồn thu năng lượng, nguồn thu dầu mỏ chiếm 80%, khiến cho giá của mặt hàng này có vai trò quan trọng nhất tới sựổn định tài chính của chính phủ Nga.
Trong việc xây dựng kế hoạch, ngân sách chính phủ năm 2015 được tính trên cơ sở mức giá dầu khoảng trên 100 USD/thùng. Nay với sự sụt giảm giá dầu, nội các Nga đang phải thảo luận để sửa đổi dự báo này xuống từ 80 đến 90 USD/thùng. Với nước Nga, cứ mỗi thùng dầu giảm 1 USD sẽ khiến ngân sách mất 2 tỉ USD. Thậm chí, một kịch bản về ngân sách dựa trên mức giá dầu xuống tận đáy là 60 USD cũng đang được soạn thảo. Tất cả những sửa đổi sẽ buộc chính phủ Nga hoặc phải thực hiện cắt giảm ngân sách mạnh hoặc chấp nhận tình trạng thâm hụt ngân sách, một điều mà điện Kremlin hiếm khi trải qua.
Nga có thể sử dụng dự trữ tiền mặt khổng lồ của mình để bù đắp thâm hụt ngân sách. Chính phủ Nga có khoảng 582 tỉ USD dự trữ ngoại tệ (409 tỉ USD là dự trữ tiền mặt, 83 tỉ USD trong Quỹ Tài sản quốc gia và 90 tỉ USD trong Quỹ Dự trữ quốc gia). Điện Kremlin đã sử dụng gần 70 tỉ USD từ nguồn dự trữ của mình để hỗ trợ thị trường Nga và đồng nội tệ, cả hai đều bịảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên nguồn dự trữ ngoại tệ của Nga có thể nhanh chóng suy giảm như từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi điện Kremlin đã chi ra 220 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế. Hiện nay bất kỳ khoản doanh thu nào từ dầu với giá trên 90 USD/thùng sẽ bổ sung trực tiếp vào Quỹ Dự trữ quốc gia, giá dầu giảm sẽ có nghĩa là ít nguồn tiền hơn được bổ sung cho dự trữ liên bang của Nga.
Trong tất cả các nước bịảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá dầu thế giới, Venezuela – vốn là nước xuất khẩu lớn dầu, chính là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và quan trọng hơn là nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả chính trị.
Tài chính công của Venezuela đang rất thiếu ổn định và giá dầu thấp hơn sẽ làm giảm khả năng của Caracas trong việc chi trả ngân sách công đang ở mức rất cao của nước này, điều lâu nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội và duy trì sựủng hộ đối với chính phủ.
Trong vài tháng tới, Venezuela sẽ tiếp tục đối phó với các vấn đề kinh tế đang diễn ra, như mức độ lạm phát cao và tình trạng thiếu lương thực và hàng hóa ngày càng nghiêm trọng. Sự suy giảm nguồn thu ngân sách cũng cản trở khả năng của chính phủ trong việc tài trợ nhập khẩu, do đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng. Sự phân bổ các mặt hàng này vẫn nặng tính bao cấp, được xem như một cách để chính phủ duy trì sựủng hộ của công chúng.
Những lựa chọn của Chính phủ Venezuela nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc sụt giảm nguồn thu do giá dầu giảm là khá hạn chế. Caracas có thể sẽ phải tiếp tục in nhiều đồng Bolivar hơn để tài trợ cho chi tiêu ngân sách vốn đang bị thâm hụt, bất chấp việc này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát của đất nước.
Còn Iran sắp bước vào vòng đàm phán quyết định với năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (cộng thêm nước Đức) về tương lai chương trình hạt nhân của mình. Lâu nay Mỹ và phương Tây nới lỏng đôi chút lệnh cấm vận đã làm người dân nước này dễ thở phần nào, đồng thời các tín hiệu lạc quan của nền kinh tế đã ló dạng. Nay nguy cơ thu nhập từ dầu sụt giảm đáng kể cộng với những đe dọa cấm vận khiến Iran phải thận trọng cân nhắc việc theo đuổi chương trình làm giàu uranium và cảnh giác về một sự bạo loạn.
Vào ngày 27-11, các nước thành viên OPEC – cung cấp cho thế giới hơn 1/3 lượng dầu thô – sẽ nhóm họp để đánh giá những thiệt hại từ việc giảm giá dầu. Nếu quyết định của họ nghiêng về việc giảm sản lượng thì rất có thể các nước Ả Rập sản xuất dầu mỏở vùng Vịnh sẽ phá bỏ cam kết và rót tiền tài trợ thường xuyên cho các nước Ả Rập khác vì những lý do chính trị khác nhau. Khi ấy, liệu những khoản lời từ giá dầu giảm của các nước Ả Rập nhập khẩu dầu có đủ để lấp chỗ trống này hay không là một phép tính không hề đơn giản và rất khó đoán trước kết quả.
Sản lượng dầu thô của các quốc gia
Danh sách các quốc gia theo sản lượng dầu thô là bảng thống kê về 115 quốc gia trên thế giới có trữ lượng và ngành khai thác dầu, tính theo sản lượng dầu thô khai thác được trong ngày, tính bằng đơn vị thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Top 10 nước khai thác dầu mỏ nhiều nhất, chiếm trên 64% sản lượng dầu thế giới trong năm 2012, gồm có:
– Nga: 544 triệu thùng (13%)
– Arab Saudi: 520 triệu thùng (13%)
– Hoa Kỳ: 387 triệu thùng (9%)
– Trung Quốc: 206 triệu thùng (5%)
– Iran: 186 triệu thùng (4%)
– Canada: 182 triệu thùng (4%)
– Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất: 163 triệu thùng (4%)
– Venezuela: 162 triệu thùng (4%)
– Kuwait: 152 triệu thùng (4%)
– Iraq: 148 triệu thùng (4%)