Lãi suất cho vay giảm có tác động tích cực đến thị trường bất động sản, điều này đúng không chỉ ở Việt Nam. Khi lãi suất vay ngân hàng càng giảm, người dân có xu hướng vay tiền để sớm sở hữu bất động sản, thay vì phải chờ đợi dành đủ tiền rồi mới mua nhà. Thời hạn cho vay cũng có tác động không nhỏ đến quyết định vay tiền mua nhà. Với người có thu nhập không cao, thời hạn vay càng dài thì họ càng có lợi, vì khoản tiền vay và lãi phải trả hằng tháng ít hơn, giúp họ có thể dễ dàng chi trả khi vay tiền mua nhà. Vấn đề đã rõ, nhưng liệu có khả thi khi muốn các ngân hàng thương mại thực hiện những điều này? Cụ thể, ở nước ta, với những đối tượng được vay gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng, việc giảm lãi suất cho vay hay kéo dài thời hạn cho vay có tính khả thi cao hơn?
Nêu lên câu hỏi này là vì Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) mới đây đề xuất rằng với gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỉ đồng mua nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét để ân hạn ba năm đầu không phải trả lãi vay, vốn gốc, thời gian trả lãi chỉ được bắt đầu từ năm thứ tư trở đi. Lý giải cho đề xuất này, HOREA cho rằng những người chưa lập gia đình, mới ra trường đi làm muốn sở hữu nhà nhưng thu nhập còn thấp, chưa thể trả lãi và nợ gốc ngay được, tuy nhiên thu nhập của họ sau ba năm chắc chắn sẽ cao hơn. Mặt khác, lãi suất đối với gói cho vay mua nhà ở thương mại quy mô dưới 1,05 tỉ đồng/căn đã giảm xuống còn 5%/năm, nên với những người mua nhà ở xã hội vốn có thu nhập thấp hơn nên cần được hưởng lãi suất thấp hơn, khoảng 3 – 3,5%/năm là phù hợp. HOREA còn đề xuất thời hạn cho vay với đối tượng mua nhà ở xã hội nên từ 20 năm trở lên thay vì chỉ 15 năm như hiện nay, bằng với thời hạn vay dành cho đối tượng mua nhà ở thương mại quy mô dưới 1,05 tỉ đồng.
Tất nhiên, càng có thêm nhiều ưu đãi, người mua nhà càng được hưởng lợi. Nhưng nếu những đề xuất này trở thành hiện thực, sẽ có tác động như thế nào đến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng? Số liệu từ Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 9-2014, các ngân hàng mới tiếp nhận 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỉ đồng, trong đó chỉ có 590 trường hợp được giải ngân, tổng số tiền là 142,5 tỉ đồng. Nguyên nhân của sự chậm trễ này đã được nói nhiều, đó là do thủ tục hành chính và việc chứng minh thu nhập quá khó khăn. Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, vấn đề còn do thị trường thiếu những sản phẩm phù hợp để cho người mua lựa chọn. Yếu tố này được cho là quyết định đến 60% nhu cầu vay vốn, 30% là thời hạn vay và thủ tục vay vốn, còn lãi suất cho vay chỉ quyết định 10%. Nghĩa là trên thực tế, cả thời hạn vay lẫn lãi suất vay đều không phải là yếu tố hàng đầu cản trở tiến độ giải ngân của đồng tiền hỗ trợ dành cho người mua nhà.
Ngoài ra, dù ngân hàng là đơn vị đứng ra cho người dân vay tiền, nhưng sau đó sẽ được Ngân hàng Nhà nước bù cho phần lãi suất chênh lệch của khoản vay so với cho vay thương mại, để ngân hàng vẫn có lãi. Nay nếu lãi suất cho vay giảm xuống, e rằng Ngân hàng Nhà nước khó thể chi trả thêm. Riêng việc kéo dài thời hạn thì không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách, nên tính khả thi cao hơn. Thời gian cho vay càng kéo dài thì số tiền phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi hằng tháng của người đi vay sẽ giảm đi, khiến người có nhu cầu về nhà ở muốn tham gia chương trình hơn. Tốc độ giải ngân gói hỗ trợ sẽ được cải thiện, thị trường địa ốc cũng có được cú hích cần thiết.
Hồng Thuận