Diễn đàn xuất khẩu 2014 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức vào trung tuần tháng 9 cho thấy, hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường rộng mở nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng vẫn là rào cản lớn đối với nông, thủy sản Việt Nam.
Tại diễn đàn, ông Satoshi Nakajima, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thị trường Nhật Bản sẵn sàng bỏ chi phí cao cho thực phẩm nông, thủy sản sạch. Nguồn xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam khá phong phú nhưng lại hay mắc phải những lỗi về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải lấy được niềm tin từ người tiêu dùng Nhật Bản. Muốn làm được điều đó, chính phủ và các nhà sản xuất phải cùng nghiên cứu, hợp tác để tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam”.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, năm 2013, giá trị nhóm hàng rau quả xuất sang Nhật Bản đạt 61,22 triệu USD và mục tiêu sẽ đạt 77 triệu USD trong năm nay. Xuất khẩu trái cây, rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản có mức tăng trưởng nhanh và ổn định với mức tăng trưởng 10 – 30%/năm. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu này còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Chẳng hạn như, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, việc dỡ bỏ thuế quan nội khối được áp dụng có thể khiến khả năng tự cung lương thực của Nhật giảm từ 40% xuống còn 14% (do chi phí sản xuất trong nước cao cũng như không được bảo hộ hàng nông sản vô điều kiện như trước). Như vậy, Nhật cần nhập khẩu một lượng lớn nông sản, thủy hải sản để bù đắp sự thiếu hụt. Đây được xem là một trong những cơ hội lớn đối với doanh nghiệp VN. Nhưng trước nay, các mặt hàng thủy hải sản nhập khẩu từ VN thường gặp một số vấn đề như tồn dư thuốc kháng sinh trong tôm, hay cá trứng đông lạnh bị nhiễm ký sinh… Nhất là sau vụ bê bối liên quan đến thịt gà Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Nhật Bản càng kiểm tra nghiêm khắc hơn đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu”.
Hàn Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng họ khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng của thị trường này, nhất là kênh siêu thị. Về vấn đề này, ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho rằng cách dễ dàng hơn là doanh nghiệp nên đưa hàng vào hệ thống các siêu thị Hàn Quốc tại VN. Từ đó, các siêu thị này sẽ đưa hàng Việt bán sang hệ thống của họ ở các nước khác. Công ty gỗ Đức Thành là một trong những doanh nghiệp đã thành công khi đi bằng con đường này. Ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành cho biết đã bán hàng cho hệ thống siêu thị Lotte tại Việt Nam, từ đó, gỗ Đức Thành đã dễ dàng xâm nhập được vào hệ thống Lotte tại Hàn Quốc. Đến nay, doanh số gỗ Đức Thành tại Lotte Hàn Quốc đã tăng gấp bảy lần so với Lotte Việt Nam.
Cũng theo ông Lê An Hải, mỗi tập đoàn phân phối của Nhật Bản và Hàn Quốc đều có các công ty vệ tinh đi khắp các nước để tìm sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn đó. Do đó, doanh nghiệp VN nên tìm cách hợp tác với các công ty vệ tinh này nhằm giảm thiểu chi phí xuất khẩu. Hiện Hiệp hội Các doanh nghiệp nhập khẩu của Hàn Quốc đang rất tích cực đưa các đoàn doanh nghiệp sang VN, doanh nghiệp trong nước không nên bỏ qua cơ hội này, đặc biệt là những gặp gỡ, giao thương do các tổ chức xúc tiến chính thức của nhà nước và các hiệp hội tổ chức.
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch thì nhắc nhở, thời cơ dành cho các mặt hàng xuất khẩu VN vẫn luôn có với nhiều quan hệ hợp tác quốc tế hiện tại và trong tương lai, nhưng doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng tốt, đặc biệt là chỉ biết bán những gì mình có mà không biết bán những gì thị trường cần. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thiếu sự mạnh dạn đầu tư cho các thị trường khác nhau, hay đổ dồn vào một thị trường nên dễ bị rủi ro. Các rủi ro đến từ việc cạnh tranh về giá dẫn tới sự sụt giảm về chất lượng, vướng vào hàng rào kỹ thuật của nước đối tác khi kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Phải mất thời gian rất lâu để khắc phục hậu quả vì tiếng xấu lưu truyền lâu, nên doanh nghiệp phải hết sức cẩn thận.
- Kim Hồng