Theo thống kê sơ bộ, trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp ngành nhựa vẫn đạt kết quả kinh doanh ở mức ổn định, với doanh thu ở nhiều đơn vị tiếp tục tăng trưởng. Ở lĩnh vực nhựa công nghiệp, doanh thu của Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) đạt gần 1.120 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ; Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) ghi nhận doanh thu tăng ấn tượng 11%, đạt 1.399 tỉ đồng. Các công ty khác như Nhựa Đông Á (DAG, nhựa xây dựng), Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA, nhựa bao bì), cũng đều đạt doanh thu khả quan. DAG đạt doanh thu tăng trưởng 13% còn AAA có doanh thu tăng hơn 35%.
Tăng trưởng ổn định trong doanh thu là nhờ các công ty vẫn duy trì được sản lượng tiêu thụ không suy giảm. Ví dụ như Nhựa Bình Minh vẫn tăng 2,5% cùng kỳ trong sáu tháng đầu năm; Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chiếm ưu thế tại thị trường miền Bắc với việc nắm giữ 70% thị phần. Hoạt động mở rộng sản xuất ở nhà máy số 1 và nhà máy số 5 đã giúp AAA đạt được doanh thu vượt trội, với hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó hơn 95% là xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá bán sản phẩm nhựa tăng bình quân 6% cũng là lý do giúp doanh nghiệp nhựa đạt doanh thu tăng trưởng.
Tuy nhiên, trái với bức tranh doanh thu lạc quan, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhựa lại sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế (LNST) sáu tháng đầu năm ở Nhựa Bình Minh giảm khoảng 2% so với cùng kỳ, ở Nhựa Thiếu niên Tiền Phong giảm gần 1%. Ở những doanh nghiệp nhỏ hơn, mức suy giảm từ 20 – 50%. Đáng chú ý, Nhựa Rạng Đông lần đầu tiên báo lỗ trong quý II-2014 và chỉ đạt 1,2 tỉ đồng LNST trong sáu tháng đầu năm, bằng 1/10 so với mức lãi cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Rạng Đông, công ty thua lỗ là do thị trường gặp khó khăn, sức mua giảm. Để đẩy mạnh tiêu thụ và thu hút khách hàng, doanh nghiệp đã giữ nguyên giá bán đối với khách hàng lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp lỗ còn vì chi phí bán hàng tăng đột ngột gần gấp đôi, từ 5,4 tỉ đồng trong quý II năm ngoái lên 14,4 tỉ đồng quý II năm nay. Chi phí quản lý cũng tăng thêm 16%. Các khoản này đã gần như ăn mòn toàn bộ khoản lãi của Rạng Đông.
Nhiều doanh nghiệp nhựa hiện đang vấp phải những vấn đề tương tự như vậy. Đó là áp lực cạnh tranh khốc liệt, buộc doanh nghiệp muốn giữ thị phần phải đẩy mạnh chi phí chiết khấu cho đại lý. Cụ thể, chi phí chiết khấu cho nhà phân phối của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong từ 9% đã tăng lên 12%. Giá nguyên liệu đầu vào tăng thêm 9%, giá xăng tăng 4,1% từ đầu năm cộng với cước phí vận tải tăng 15 – 20% theo quy định mới về hạn chế tải trọng chuyên chở của xe, có hiệu lực từ đầu tháng 4. Còn Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tính toán chi phí bán hàng và quản lý ở Nhựa Bình Minh đã tăng khoảng 13% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận của doanh nghiệp nhựa còn bị tác động xấu bởi chính sách tăng tỷ giá lên 1% từ Ngân hàng Nhà nước, bởi trung bình 60 – 70% nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa là nhập khẩu. Nghĩa là phải tăng thêm chi phí và các khoản dự phòng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhựa đa phần đều vay nợ lớn để trang trải các khoản đầu tư cũng như bổ sung vốn lưu động. Như Nhựa Rạng Đông hiện có số nợ gấp đôi vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ vay. Vì thế, nhiều doanh nghiệp nhựa đang mang gánh nặng chi phí lãi vay, khiến lợi nhuận doanh nghiệp thêm sụt giảm. Theo giới phân tích, những khó khăn mà doanh nghiệp nhựa đang gặp phải đều là những khó khăn thường trực. Nếu không có kế hoạch, chiến lược phát triển nhằm thay đổi hiện trạng, câu chuyện lợi nhuận suy giảm này vẫn tiếp tục dài lâu.
Đại Nghĩa