“So sánh với em thì cô ôsin, rõ ràng là cô ấy nghèo hơn em phải không?” – Bà xã hỏi tôi, cái kiểu hỏi để dẫn dắt đến một vấn đề khác, bởi câu hỏi đó ai cũng biết câu trả lời thế nào rồi, đâu cần phải hỏi.
Cô ôsin phải đi làm việc nhà, cọ rửa cả toilet, nấu ăn rửa chén, những việc bị xem là khổ ải, thấp kém, chẳng phải học hành gì. Câu trả lời là vì cô ấy nghèo. “Thế mà anh xem, cô ấy ăn diện có khi còn sang hơn cả bà chủ. Hết bộ nọ đến bộ kia”.
Tôi nói, có khi là do tự ái, cố làm ra sang trọng để che giấu thân phận nghèo hèn của mình. Bà xã liền cho biết: “Ban đầu em cũng nghĩ như vậy để bào chữa cho cô ấy đã, biết đâu mình hơi thành kiến quá, chẳng lẽ người nghèo thì không ăn diện mặc đẹp! Nhưng khi em hỏi, nếu chịu đi làm ngày lễ sẽ trả thêm tiền gấp đôi, thì cô ấy vẫn xin nghỉ để đi chơi xa với gia đình.
- Xem thêm: Người giàu cũng… cắp vặt
Em liền nói: “Cô giàu nhỉ, Chủ nhật nào cũng đi chơi xa. Vậy là cô không quá cần tiền, nên ưu tiên việc chơi hơn là chịu khó làm thêm kiếm thêm tiền. Tôi thấy đám sinh viên đi làm thêm còn chịu khó hơn”. Mà anh là đàn ông, không để ý đó thôi, cô ấy hoang phí lắm. Đồ ăn còn dư là đổ bỏ liền chứ không cất vào tủ lạnh hâm lại ăn như bao nhiêu gia đình vẫn làm. Đèn điện bật tất cả lên, sáng choang khắp nơi như mở dạ hội. Nước xả chảy ào ào, không có chữ tiết kiệm trong từ điển”.
Tôi cười: “Em nói vậy chưa chắc đúng, xài điện nước của nhà chủ, mình có trả tiền đâu mà xót!”. Đến lúc hỏi đến đứa con cô ấy, để gửi về cho mấy cái áo đám trẻ mặc không hết, còn mới, vậy mà cô ấy nói rằng con bé nhà cô mặc theo model với bạn bè chứ không mặc đồ mẹ mua cho. Thức ăn nói đem về thì cô ấy nói con bé không ăn rau, không ăn cá, chỉ ăn xúc xích, lạp xưởng hay thịt nướng. Rõ ra là con nhà giàu.
Thế giới bất bình đẳng với ai, trẻ con bị lao động bóc lột ở đâu ấy chứ, tại xứ mình thì đó, con cô ôsin có thị hiếu khác gì con nhà giàu đâu, bình đẳng thật rồi. Người Việt mình hay ở chỗ bố mẹ có đi ăn mày thì con cũng phải như công chúa. Đi học rất lười, rất dốt, trốn học thành thần, một chữ bẻ đôi tiếng Anh không học nổi, vậy mà đòi bố mẹ cho đi… du học như mấy bạn con nhà giàu trong lớp (thì có ai đánh thuế ước mơ đâu, cứ việc mơ).
Bà xã kể: “Em hỏi chuyện sinh hoạt nhà cô ra sao, cô ấy cho biết mẹ đi làm là con ngủ mười giờ mới dậy, điện thoại nheo nhéo hỏi ăn sáng cái gì”. Tôi cười, thì nó cũng hư kiểu “hư phổ thông” như thiên hạ thôi mà. Càng nghèo càng muốn khoe mẽ, càng muốn giấu biệt nguồn gốc của mình.
Bà xã nhớ lại: “Hồi trẻ em đi học đại học cũng thế. Đi lao động, những đứa dân thành phố chính gốc thì ra sức tập gánh, khoái chí thi đua, dù có đứa phải gánh bằng… cổ và lưng. Còn mấy cô ở nông thôn đi học, lúc ở nhà gánh lúa gánh phân cả ngày, nay giả vờ không biết gánh, cho ra vẻ tiểu thư, buồn cười quá thể”.
Đừng có tưởng khổ nghèo là tiết kiệm, chịu khó. Có lẽ đức tính tốt đẹp đó là của người giàu. Nhờ thế mà họ giàu (tất nhiên không kể loại giàu bất chính vào đây nhé). Cứ nhìn một con hẻm thông thường ở thành phố lớn mà coi, hình như chẳng có ai đi làm ăn gì, lê la quán xá, ngáp ngắn ngáp dài (có thể do thất nghiệp chăng, cái này lại lỗi của chính quyền rồi). Nhiều cô gái cha mẹ buôn gánh bán bưng dậy từ mờ sáng, còn cô chín giờ mới dậy, son phấn, nước hoa thơm nức, rồi ra đường (chẳng ai biết đi đâu, làm gì).
Cho nên dân gian mới có câu: giàu ham làm, nghèo ham ăn. Vậy là đủ hiểu vì sao người này giàu và người kia nghèo. Những người giàu nào ở xứ ta mà ham ăn ham chơi là vì sự giàu có đến với họ quá dễ dàng. Họ là đối tượng phê phán của báo chí. Bị chê là tiền đến nhanh quá, còn văn hóa là thứ phải tích lũy lâu nên chậm chân hơn chưa đến kịp, nên anh nhà giàu thành lố bịch. Chuyện này thì có từ thời Vũ Trọng Phụng kia. Đó là con đường của trọc phú, bị thiên hạ đổ xô vào đàm tiếu. Nhưng còn đám nghèo mà lười và hoang đàng còn đầy ra đó sao không thấy ai nói?
Bà xã tôi nói mấy cô chân dài thi nhau khoe có đại gia theo, mỗi lần đại gia “gặp” là cả ngàn đô, rồi nhiều cô ra những tuyên bố trắng trợn không biết ngượng. Thật ra các cô đó nói lên điều gì? Chỉ tố cáo cái gốc nghèo hèn thiếu văn hóa, vừa có chút tiền tưởng là ghê, quáng mắt vì tiền bạc, chẳng cần đạo đức. Điều đó chỉ làm lòi cái đuôi nghèo hèn của họ ra chứ đẳng cấp gì. Người sang thật sự họ bình tĩnh trước vật chất chứ đâu có lố bịch như thế.
- Xem thêm: Đố biết ai giàu ai nghèo…
Các cô nhà nghèo làm lụng vất vả trên đồng ruộng, các cô công nhân khu công nghiệp mặc quần tây áo thun đi xe đạp, mải miết làm ăn, mỗi năm lại chen nhau bẹp ruột về quê dịp tết… là câu hỏi mà xã hội phải tìm cách khắc phục. Họ không là đối tượng phê phán, có phê thì nên phê nhà nước nhiều hơn. Còn đây là cô nói về những người nghèo tiểu thị dân, chẳng làm nên tích sự gì mà ăn tiêu hoang đàng.
Nhưng rồi bà xã tôi chắt lưỡi: “Vậy là người nghèo xứ ta có dân tộc tính rất cao. Anh có nhớ thế giới họ điều tra công bố người Việt Nam lạc quan mua sắm nhất thế giới không? Họ luôn chi tiêu vượt quá khả năng làm ra của nền kinh tế. Các cô ôsin và người nghèo cũng vậy, họ làm đúng tính chất Việt Nam mà”.
Thôi nghĩ thế là huề. Nhiều lúc bà xã bực, muốn mắng cô ôsin: “Hoang toàng như thế thì nghèo mạt suốt đời là phải quá rồi”. Nhưng tôi nói, em đừng nói như vậy, giống như trù ẻo cả quốc gia, nguyền rủa người ta nghèo suốt đời không khá lên được. Em chỉ nên bắt chước báo chí chê người giàu đánh bạc tiền tỉ, đám cưới diễu cả đoàn siêu xe, người đẹp mặc cái áo tiền tỉ, đeo đồng hồ bốn tỉ. Là vì, “đơn vị phá hoại”, “đơn vị gây sốc” ở Việt Nam thường là hàng ngàn tỉ mới ép phê.