Theo chia sẻ của tiến sĩ Anne Cappola, khoa Nội tiết, tiểu đường và chuyển hóa, Đại học Pennsylvania: “Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến của nhiều người, nhưng thường không dễ chẩn đoán.
Tuy nhiên, có nhiều cách để “đo lường” sự mệt mỏi, chẳng hạn: Bạn có ngủ nhiều hơn bình thường? Bạn không thể tập thể dục lâu như trước đây? Hoặc bạn sụt giảm năng lượng vào cuối ngày? Mệt mỏi có nhiều dạng khác nhau: về thể chất, tinh thần và cả tâm lý”. Dưới đây là những căn bệnh do mệt mỏi chi phối là chính và các triệu chứng liên quan, giúp bạn có thể nhận biết với những căn bệnh khác.
Tuyến giáp hoạt động kém
Tuyến giáp hoạt động kém là một trong những tình trạng phổ biến có liên quan đến mệt mỏi. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm dưới cổ, giúp điều hòa từ mức năng lượng cho đến trao đổi chất và chức năng miễn dịch. Mặc dù thiếu năng lượng là triệu chứng ban đầu và thường gặp nhất khi tuyến giáp hoạt động kém, nhưng tăng cân, táo bón, khô da và thường xuyên cảm thấy lạnh cũng là những triệu chứng có liên quan cần cảnh giác.
Suy tuyến thượng thận
Mặc dù suy tuyến thượng thận ít phổ biến hơn tuyến giáp hoạt động kém, nhưng đây là tình trạng rối loạn nội tiết thứ hai ở một số người. Suy tuyến thượng thận là khi tuyến thượng thận hoạt động kém hiệu quả nên không thể sản xuất đủ cortisol. Các triệu chứng liên quan của bệnh thường là đau đầu nhẹ, giảm cân, đau bụng, tiêu chảy và tăng sắc tố da hoặc xuất hiện các mảng da có màu tối hơn màu da bình thường.
- Xem thêm: Điều không nên làm khi mệt mỏi
Hội chứng mệt mỏi mạn tính
Dấu hiệu mệt mỏi dai dẳng khiến bạn không thể làm tốt những công việc trong ngày, ngay cả những việc nhẹ. Nghiên cứu cho thấy khoảng 25% người phải nằm một chỗ hoặc nằm liệt giường do mắc bệnh này. Đau nhức, tâm trí mơ hồ là triệu chứng phổ biến của mệt mỏi mạn tính.
Thiếu máu
Thiếu máu là khi máu không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để cung cấp cho các tế bào. Có nhiều dạng thiếu máu, nhưng tất cả đều liên quan đến mệt mỏi. Thiếu hụt chất sắt hoặc vitamin B12 hoặc khối u là những nguyên nhân gây thiếu máu, và mỗi trường hợp cần có cách chữa trị riêng. Cùng với mệt mỏi, da tái xanh cũng là dấu hiệu thường gặp của thiếu máu, ngoài ra còn có chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh và móng tay giòn dễ gãy.
Bệnh tiểu đường
Cùng với khát nước và thường xuyên đi tiểu, mệt mỏi là một trong những triệu chứng ban đầu và dai dẳng nhất của bệnh tiểu đường. Do cơ thể phải chống chọi với việc kiểm soát lượng glucose trong máu nên có thể dẫn đến kiệt sức nghiêm trọng.
Trầm cảm lâm sàng
Trầm cảm là tình trạng rối loạn não dẫn đến suy giảm tâm trạng và mệt mỏi. Do cơ chế sinh học của trầm cảm thường khó nhận biết nên khó nhận định chính xác nguyên nhân gây ra mệt mỏi. Tuy nhiên, mệt mỏi liên quan đến trầm cảm có thể khiến bạn mất sự tập trung khi làm những công việc đơn giản hằng ngày. Buồn bã, chán ăn và các vấn đề về tập trung đều là những triệu chứng liên quan của bệnh.
Viêm nội tâm mạc
Đây là một bệnh lý nhiễm trùng hoặc gây viêm của tim. Nhiễm trùng hoặc viêm do vi khuẩn trong máu bám vào màng trong của tim. Những người bị tổn thương tim hoặc có van tim nhân tạo thường có nguy cơ cao nhất. Triệu chứng phổ biến của viêm nội tâm mạc là sốt và ớn lạnh. Trường hợp này, cần dùng liệu pháp kháng khuẩn hoặc phẫu thuật.
Ngưng thở khi ngủ
Mặc dù ngưng thờ khi ngủ không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gián đoạn hơi thở có thể gây gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày. Ngáy nhiều cũng là một triệu chứng liên quan đến bệnh.