Lời đe dọa cắt viện trợ tài chính của Mỹ đã không có tác dụng khi cuối tuần qua 128 nước đã bỏ phiếu ủng hộ một dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Washington rút lại quyết định gần đây công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Chỉ có chín nước bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng, và 21 nước không bỏ phiếu trong cuộc họp khẩn do LHQ triệu tập theo yêu cầu của các nước Ả Rập và các nước Hồi giáo. Trong số những nước bỏ phiếu trắng có Argentina, Australia, Canada, Colombia, CH Czech, Hungary, Mexico, Philippines, Ba Lan, Rwanda, Nam Sudan và Uganda. Những nước bỏ phiếu chống gồm Guatemala, Honduras, Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau, Togo, Mỹ và Israel.
Tuy vậy, nhiều đồng minh của Mỹ ở phương Tây và trong thế giới Ả Rập đã bỏ phiếu thuận với dự thảo nghị quyết. Trong số này có Ai Cập, Jordan và Iraq vốn là những nước nhận nhiều viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ.
Phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi kết quả cuộc bỏ phiếu là một “chiến thắng đối với Palestine”, trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ kết quả bỏ phiếu.
Đầu tháng này, Tổng thống Trump bất ngờ đảo ngược chính sách đã kéo dài nhiều thập niên của Mỹ bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố kế hoạch chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Động thái này đã khiến Palestine và thế giới Arab nổi giận, đồng thời gây lo ngại trong hàng ngũ các đồng minh của Washington.
Địa vị của Jerusalem – nơi có những địa điểm là thánh địa của người Hồi giáo, Do Thái và Thiên Chúa giáo – vốn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.
Israel coi Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu và không thể chia cắt của nước này và muốn tất cả các đại sứ quán nước ngoài tại Israel phải được đặt ở đó. Về phần mình, người Palestine muốn thủ đô nhà nước độc lập của họ phải được đặt ở khu vực phía đông của Jerusalem, khu vực bị Israel chiếm giữ vào năm 1967 trong cuộc chiến tranh Trung Đông và sáp nhập vào Israel – một hành động chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận.