Theo nhiều báo cáo điều tra từ các cơ quan truyền thông chính thống và các tổ chức nhân quyền, Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã và đang vận hành nhiều “khu vực đen” trên thế giới. Những địa điểm này, theo các báo cáo, là những nhà tù bí mật được sử dụng để giam giữ các “tù nhân ma”. Những người bị đưa đến các nhà tù này giam giữ mà không xét xử.
Các “tù nhân ma” là đối tượng của cái mà CIA gọi là “chiến thuật thẩm vấn nâng cao”; những người khác gọi đó là tra tấn. CIA và các biện pháp thẩm vấn của họ được cho là bao gồm cả việc trấn nước, tước đoạt giấc ngủ, làm nhục, đánh đập, sốc điện… Các nhà tù bí mật này nằm rải rác khắp thế giới, có lẽ là những nơi đáng sợ nhất trên trái đất.
Nhà tù Diego Garcia, Ấn Độ Dương
Diego Garcia là một đảo san hô vòng ở Ấn Độ Dương, nằm cách Ấn Độ 1.600km về phía Nam và 3.200km về phía Đông Tanzania. Nơi này được vương quốc Anh tuyên bố là một phần lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh.
Trong những năm 1960 và 1970, vương quốc Anh đã trục xuất dân bản địa của đảo san hô đến Mauritius và Seychelles để cho phép Hoa Kỳ xây dựng một căn cứ quân sự hải quân lớn, hiện được gọi là trại Thunder Cove. Có khoảng 4.000 nhân viên quân sự và các nhà thầu độc lập phụ trách việc lắp đặt.
Mặc dù vương quốc Anh từ lâu đã tuyên bố rằng các “tù nhân ma” không bị giam giữ tại Diego Garcia, trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với Vice News, Lawrence Wilkerson (cựu chánh văn phòng của ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell) đã tiết lộ rằng các nghi phạm khủng bố bị bắt cóc và được đưa đến đây để thẩm vấn đặc biệt. Wilkerson tuyên bố rằng điều này đã được CIA thực hiện ngay sau sự kiện ngày 11 tháng 9.
Trung tâm thẩm vấn Temara, Morocco
Trung tâm thẩm vấn Temara tọa lạc trong một khu rừng 14km bên ngoài thủ đô Rabat của Morocco. Cơ sở được điều hành bởi một đơn vị chính phủ Morocco được gọi là Tổng cục Giám sát Lãnh thổ (DST).
Vào năm 2003, Morocco đã được kiểm tra bởi Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Ủy ban đã xem xét các bằng chứng được trình bày bởi Chính phủ Morocco cũng như của tổ chức Ân xá Quốc tế. Phát hiện của họ là, mặc dù nhân quyền nói chung đã được cải thiện ở Morocco trong những năm gần đây, nhưng cũng có một sự gia tăng các trường hợp tra tấn được báo cáo ở quốc gia Bắc Phi này.
Năm 2004, tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc rằng DST đã lạm dụng thường xuyên và trắng trợn tình trạng nhân quyền và nhiều vụ vi phạm như vậy đã xảy ra tại Temara. Báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố rằng các nhân viên thẩm vấn Morocco đã nhiều lần đánh đập, làm nhục, cho điện giật, đốt cháy và trấn nước tù nhân tại Temara. Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc mục tiêu của những kẻ tra tấn DST là trích xuất lời thú tội hoặc thông tin từ những người bị giam giữ hoặc để họ ký tên hoặc tuyên bố dấu vân tay (nội dung mà người bị giam giữ có thể không biết gì về nó).
Năm 2010, hãng thông tấn Associated (AP) báo cáo rằng nhiều quan chức Hoa Kỳ đã xác nhận rằng cơ sở này được vận hành bởi Morocco nhưng được tài trợ bởi CIA. Morocco chính thức phủ nhận sự tồn tại của cơ sở này.
Sân bay Mihail Kogalniceanu, Romania
Sân bay Mihail Kogalniceanu là sân bay chính của khu vực miền Nam Dobrogea, Romania; rất gần với các khu du lịch nổi tiếng trên bờ Biển Đen. Trong năm 2015, sân bay đã điều hành 2.227 chuyến bay với hơn 63.000 hành khách. Tuy nhiên, một số người đã cáo buộc rằng một số chuyến bay này đã được sử dụng để vận chuyển các “tù nhân ma” đến và đi từ một nhà tù bí mật bên trong khuôn viên sân bay.
Romania tuyên bố rằng sân bay Mihail Kogalniceanu chỉ được dùng làm điểm trung chuyển cho các tù nhân CIA chứ không phải là nơi giam giữ hoặc thẩm vấn thực tế. Tuy nhiên, vào năm 2008, tờ báo USA Today dẫn lời một quan chức Rumani giấu tên cho biết rằng phần quân sự của sân bay có 3 tòa nhà nằm ngoài giới hạn đối với các quan chức Rumani, nhưng thường được các đặc vụ Mỹ lui tới.
- Xem thêm: Nhà tù, nơi thân thiện, nơi ác mộng
Nhiều bằng chứng cho thấy vai trò sân bay trong các vụ giam giữ của CIA đã bộc lộ vào năm 2010 khi tờ báo Der Spiegel báo cáo rằng hệ thống giám sát vệ tinh Onyx của cơ quan tình báo Thụy Sĩ đã chặn một bản fax giữa bộ trưởng ngoại giao Ai Cập và đại sứ của ông ở London. Thông cáo đã mô tả việc giam giữ 23 tù nhân Iraq và Afghanistan tại sân bay.
Khu giam giữ Green, Thái Lan
Thái Lan phủ nhận sự tồn tại của bất cứ “địa điểm đen” nào trong lãnh thổ của mình, mặc dù đã có nhiều báo cáo mô tả khu vực giam giữ bí ẩn Green và gợi ý rằng nó có thể nằm ngay bên ngoài Bangkok hoặc một nơi nào đó ở phía Bắc của tỉnh Udon Thani.
Theo tờ báo The Guardian, năm 2009, chính CIA đã xác nhận rằng họ đã hủy bỏ 92 cuộn băng phỏng vấn các nghi phạm khủng bố được quay đâu đó ở Thái Lan. Báo cáo cũng tuyên bố rằng khu vực Green là một phần của một thử nghiệm, trong đó CIA đã mài giũa kỹ thuật trấn nước và các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao khác, sau này sẽ được sử dụng tại các địa điểm lớn hơn ở châu Âu mà CIA sẽ tiếp tục xây dựng.
Một trong những đối tượng thử nghiệm của CIA là Abu Zubaydah, quốc tịch Ả Rập Saudi, bị bắt ở Pakistan năm 2002. Zubaydah được cho là đã bị trấn nước nghiêm trọng đến nỗi bong bóng thoát ra khỏi miệng. Abd al-Rahim al-Nashiri, chủ mưu của vụ đánh bom USS Cole, cũng được cho là bị giam giữ tại khu vực Green. Các báo cáo nói rằng anh ta cũng bị trấn nước, ngoài việc bị đe dọa sẽ bị lạm dụng.
Trại Lemonnier, Djibouti
Djibouti là một vị trí chiến lược cao cấp của quân đội Hoa Kỳ, chủ yếu là do nó nằm gần các khu vực khủng bố nóng như Somalia và Yemen cũng như vịnh Aden đầy hải tặc. Nằm tại sân bay quốc tế Ambouli của Djibouti là trại Lemonnier, một căn cứ viễn chinh của hải quân Hoa Kỳ. Chính thức, đây là nơi đóng quân của lực lượng đặc nhiệm liên kết phối hợp với vùng Sừng châu Phi, một đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ được huy động trong “Chiến dịch tự do bền vững”, còn được gọi là cuộc chiến chống khủng bố.
Còn về mặt không chính thức, theo một báo cáo năm 2014 từ Al Jazeera America, trại Lemonnier của Djibouti cũng là một khu vực đen của CIA, nơi giam giữ, thẩm vấn và tra tấn hàng chục nghi phạm bí mật. Báo cáo cũng cho biết rằng khu vực này đã được chính quyền Obama sử dụng gần đây vào năm 2012, mặc dù tổng thống Obama đã ký một lệnh hành pháp trong năm 2009 về việc cấm CIA sử dụng các khu vực đen.
Vào năm 2015, The Intercept đã tiết lộ những bức ảnh chụp từ trên không của trại Lemonnier cho thấy căn cứ, vốn là điểm cất cánh quan trọng của máy bay không người lái Reaper và Predator, đã được mở rộng đều đặn.
Nhà tù Antaviliai, Lithuania
Cách thủ đô Vilnius của Lithuania chưa đến 16 km là một trường dạy cưỡi ngựa bí ẩn tại làng Antaviliai. Theo tờ báo The Washington Post, trường đã được chuyển đổi thành nhà tù bởi CIA vào năm 2004. Báo cáo tiếp tục tuyên bố rằng địa điểm này được sử dụng để thẩm vấn các nghi phạm Al-Qaeda đã bị bắt ở Afghanistan.
Tài sản này được mua vào năm 2004 bởi Elite LLC, một công ty đăng ký tại Washington, DC. Người dân địa phương mô tả việc nhìn thấy các nhà thầu Mỹ đào xung quanh khu nhà, tạo ra thứ mà họ cho là một khu phức hợp dưới lòng đất, nằm bên dưới tòa nhà chính. Năm 2009, các cựu nhân viên tình báo giấu tên nói với ABC News rằng địa điểm tại Antaviliai đã hoạt động được hơn một năm và trong thời gian đó, nó đã giam giữ ít nhất 8 kẻ khủng bố bị nghi ngờ bên trong các bức tường của nó. Năm 2007, Elite LLC đã bán tài sản cho chính phủ Lithuania và sau đó biến mất. Kể từ đó, khu vực này đã được sử dụng để đào tạo dịch vụ an ninh cho nhà nước Lithuania.
Tàu USS Ashland, địa điểm không cố định
Vào năm 2008, tờ báo The Guardian báo cáo rằng tổ chức nhân quyền Reprieve tuyên bố rằng Hoa Kỳ thừa nhận đã giam giữ ít nhất 26.000 người trong các nhà tù bí mật; họ đã phát hiện Hoa Kỳ đang vận hành một đội “nhà tù nổi” trên các đại dương. Nghiên cứu của Reprieve chỉ ra ít nhất 17 tàu chiến Mỹ được sử dụng làm địa điểm đen bí mật của CIA.
Trong số đó có tàu USS Ashland, một chiếc tàu đổ bộ lớp Whidbey Island, có trọng tải 16.000 tấn và dài 186m. USS Ashland chứa 500 lính thủy đánh bộ Mỹ trên tàu. Reprieve tin rằng con tàu này có liên quan đến một loạt các vụ bắt cóc được thực hiện bởi các lực lượng Somalia, Kenya và Ethiopia vào khoảng năm 2007. Tờ báo The Guardian cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ trước đó đã thừa nhận rằng tàu USS Bataan và USS Peleliu cũng được sử dụng làm nơi giam giữ tù nhân từ giữa 2001 và 2002.
John Walker Lindh, được biết với biệt danh “người Mỹ Taliban”, là một trong những tù nhân nổi tiếng nhất từng bị tạm giam tại hạm đội nhà tù bí mật của Hoa Kỳ.
Nhà tù Stare Kiejkuty, Ba Lan
Stare Kiejkuty là một khu vực quân sự hạn chế ở phía Đông Bắc Ba Lan được sử dụng làm tiền đồn SS của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Vào những năm 1970, khu vực này được các sĩ quan tình báo Ba Lan sử dụng, mặc dù các bản đồ xác định địa điểm này là một khu nghỉ mát.
Năm 2008, một nguồn tin tình báo Ba Lan tiết lộ với Đài BBC rằng các cơ sở của Stare Kiejkuty đã được CIA sử dụng để giam giữ và thẩm vấn “những tù nhân có giá trị cao”. Báo cáo của Đài BBC cho biết rằng Khalid Sheikh Mohammed, người được gọi là kiến trúc sư của vụ tấn công ngày 11.9, đã bị thẩm vấn ở Ba Lan, trong số những nơi khác.
Năm 2014, cựu tổng thống Ba Lan Alexander Kwasniewski xác nhận rằng ông đã thỏa thuận với Hoa Kỳ cho phép CIA điều hành khu vực đen ở Ba Lan trong thời gian tại vị từ năm 1995 đến 2005. Kwasniewski tuyên bố rằng một bản ghi nhớ của Hoa Kỳ đã thông báo cho ông rằng những người bị giam giữ sẽ được đối xử như tù nhân chiến tranh và sẽ có được các quyền được quốc tế công nhận đi kèm với một chỉ định như vậy. Các nguồn tin cung cấp cho đài BBC nói rằng tổng thống Ba Lan có thể không biết chuyện gì đang thực sự xảy ra tại căn cứ Stare Kiejkuty.
The Salt Pit, Afghanistan
Salt Pit, còn được gọi là Cobalt, là một nhà máy gạch cũ nằm ở phía Bắc thủ đô Kabul ở Afghanistan. Năm 2002, địa điểm này đã được CIA chuyển đổi thành một trung tâm giam giữ, với kinh phí hơn 200.000 đô la cho việc xây dựng nó.
Vào năm 2012, tờ báo Daily Beast đã mô tả Salt Pit là “nhà ngục tàn bạo của CIA” trong một bài báo khảo sát cái chết của một tù nhân cao cấp xảy ra tại địa điểm này. Vào ngày 20-11-2002, Gul Rahman chết vì hạ thân nhiệt sau khi bị đánh đập, lột trần truồng và bị xích trên sàn trong một đêm lạnh cóng.
Năm 2014, Chính phủ Hoa Kỳ đã giải mật một báo cáo của thượng viện Hoa Kỳ về chương trình thẩm vấn và giam giữ CIA. Báo cáo này tuyên bố rằng không có nhân viên CIA nào bị buộc tội liên quan đến cái chết của Rahman. Thay vào đó, 5 tháng sau khi ông qua đời, sĩ quan lãnh đạo CIA, người đã ra lệnh xiềng Rahman được nhận phần thưởng trị giá 2.500 đô la vì “những thành tích vượt trội trong công việc.”
Trong số 119 tù nhân được xác định trong báo cáo của thượng viện Hoa Kỳ về tra tấn, gần một nửa đã bị giam giữ tại The Salt Pit.
Trại Eagle, Bosnia & Herzegovina
Năm 2005, hai người đàn ông Bosnia, Nihad Karsic và Almin Harbeus, đã trả lời phỏng vấn với Đài truyền hình công cộng Bosnia về các thử thách của họ tại trại Eagle, gần Tuzla, ngay sát biên giới Bosnia với Serbia. Cả hai đều tuyên bố rằng họ đã bị những người lính Bosnia dùng bạo lực để bắt cóc và sau đó cáo buộc họ là những kẻ khủng bố.
Tại trại Eagle, một căn cứ không quân của Nam Tư cũ, hai người này cho biết họ đã bị lính đánh đập và quấy rối trước khi bị những người Mỹ trong trang phục dân sự giữ và thẩm vấn. Những người này nói rằng cuối cùng họ đã được thả ra và được bồi thường 500 đô la. Họ cũng cho biết đã bị đe dọa và không được công khai về những gì đã xảy ra với họ.
- Xem thêm: Bệnh xá dành cho tù nhân chờ chết
Theo BBC, năm 2006, một cuộc điều tra của Thụy Sĩ về các “khu vực đen” của CIA có tên Bosnia như là một trong nhiều quốc gia đã hợp tác với CIA để bí mật bắt giữ những kẻ khủng bố bị nghi ngờ – cùng với Ý, Thụy Điển và Macedonia. Báo cáo tương tự cũng trích dẫn Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Cộng hòa Cyprus như là nơi “dàn dựng” và Anh, Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lạp là những “điểm dừng chân” cho những người bị giam giữ đang bay đến các địa điểm đen như trại Eagle.