Điều gì sẽ xảy ra nếu ông già Noel thực sự tồn tại?
Chỉ còn vài tuần nữa là đến lễ Giáng sinh và đối với nhiều trẻ em, câu hỏi về sự tồn tại của ông già Noel vẫn còn đó? Để trả lời câu hỏi này, một nhóm các nhà khoa học đã xem xét câu hỏi và vui vẻ tính toán xem đêm Giáng sinh sẽ thực sự như thế nào đối với người phát quà nổi tiếng này.
Từ số lượng các hộ gia đình phải ghé thăm cho đến tổng trọng lượng của những món quà, kết quả cho thấy rằng nếu thực sự tồn tại, cứ vào buổi tối ngày 24 tháng 12 sẽ bắt đầu một cuộc đua thực sự với thời gian bởi ông già Noel sẽ có nhiều công việc để làm vào dịp Giáng sinh!
Phải giao quà cho hơn 2 tỷ trẻ em
Đúng vậy, ông già Noel sẽ phải giao quà cho một số lượng lớn trẻ em và chỉ có 24 giờ để thực hiện việc đó. Đây cũng là lý do tại sao ông già Noel thân yêu quyết định đi theo hướng ngược lại với vòng quay của trái đất, cuối cùng khiến ông mất 48 giờ để thực hiện việc giao quà.
Điều này là cần thiết để ông già Noel có thể giao quà đến tất cả những đứa trẻ này bởi vì trái đất có tổng cộng gần 2,1 tỷ trẻ em, tức 2,5 trẻ em mỗi hộ gia đình. Để giao quà cho tất cả những đứa trẻ này, ông già Noel sẽ phải đến thăm 842 triệu ngôi nhà trong một buổi tối, tương đương 4.072 ngôi nhà mỗi giây.
Nhưng đó không phải là tất cả: với những ngôi nhà cách xa nhau, chuyến đi của ông ấy sẽ là hành trình dài 355 triệu km.
Những chú tuần lộc đi với tốc độ cao
Cuộc hành trình đưa chúng ta đến với những chú tuần lộc, những người bạn đồng hành trung thành của ông già râu. Nếu chuyến đi tồn tại, chúng sẽ đạt tốc độ trung bình gần 7 triệu km/giờ, gấp 6.177 lần tốc độ âm thanh! Ngoài tốc độ phi thường này, tuần lộc còn phải kéo theo một chiếc xe trượt tuyết cực kỳ nặng.
Giả sử trung bình một món quà nặng khoảng 900 gram, sẽ nâng tổng tải trọng của chiếc xe trượt lên 321.300 tấn. Một con tuần lộc bình thường chỉ có thể chở được 136kg, vậy phải cần hơn 2 triệu con. Một yếu tố cuối cùng cũng rất quan trọng là lực cản không khí.
Ngay cả khi ông già Noel thân yêu của chúng ta thành công trong việc kết hợp tất cả các yếu tố này lại với nhau, ông sẽ phải chống lại lực lớn hơn trọng lực 17.500 lần theo tạp chí Spy. Vì vậy, nếu ông già Noel tồn tại, chúng ta phải thừa nhận rằng ông có phép thuật!
Tại sao chúng ta lại trang trí cây Noel?
Cho dù bạn ưa thích cây thông tổng hợp hay tự nhiên, vòng hoa hay quả cầu thủy tinh, xu hướng cổ điển hay theo chủ đề, truyền thống trang trí cây thông Noel vẫn luôn tiếp diễn. Cứ mỗi cuối năm, chúng ta lại quây quần xung quanh cây thông để trang trí các cành cây với nhiều đồ trang trí đa dạng và phong phú. Nhưng bạn có biết tại sao chúng ta lại trang trí một cái cây vào dịp Giáng sinh?
- Xem thêm: Giáng sinh rồi đó em!
Tại sao lại là cây thông?
Theo trang web Britannica, truyền thống sử dụng cây lâu năm để tượng trưng cho cuộc sống vĩnh cửu được cho là phổ biến ở người Ai Cập cổ đại, người Trung Quốc và người Do Thái. Trong lễ hội Saturnalia, một lễ hội cổ xưa có nhiều điểm chung với lễ Giáng sinh hiện nay của chúng ta, người La Mã thường trang trí ngôi nhà của họ bằng cây nhựa ruồi, cây tầm gửi và vòng hoa thường xuân.
Những truyền thống tô điểm tán lá xanh tươi của một số loại cây mùa đông này đã được lưu truyền qua nhiều thời đại, sự tiến hóa của phong tục và sự phục hồi của lịch sử. Trong khi việc chuyển đổi sang Kitô giáo làm đảo lộn nhiều nghi thức ngoại giáo, những cây này vẫn giữ được vị trí của chúng, ở Bắc Âu cũng như ở Đức, điểm khởi đầu của truyền thống hiện đại về cây thông Noel.
Đồ trang trí đến từ đâu?
Cũng theo Britannica, người Đức từng trang trí một cây thông Noel bằng những quả táo trong nhà của họ vào ngày 24 tháng 12, để tượng trưng cho cây Sự sống trong Vườn Đại đàng, nơi đánh dấu sự mất mát của Adam và Eve. Nến cũng có thể tượng trưng cho Chúa Giêsu Kitô. Phong tục này có thể bắt nguồn từ những người Luther vào thế kỷ 16, và đã được phổ biến rộng rãi vào giữa thế kỷ 18.
Được giới thiệu đến Anh vào thế kỷ 19, cây thông Noel trang trí sau đó đã được phổ biến rộng rãi bởi Nữ hoàng Victoria và người chồng Đức của bà là Hoàng tử Albert. Được trang trí bằng những món quà nhỏ, ruy băng, nến, kẹo hay thậm chí vòng hoa bỏng ngô, nó xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho những cây thông Noel đang dần xuất hiện trên khắp thế giới. Vài thế kỷ sau khi xuất hiện, truyền thống này vẫn tồn tại và tiếp tục mang chúng ta đến với nhau hàng năm.
Tại sao chúng ta tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12?
Có một câu hỏi được đặt ra: nếu Giáng sinh là lễ kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su Kitô, tại sao không chọn tổ chức vào ngày 1 tháng 1? Bạn nên biết rằng cho đến ngày nay, vẫn chưa có một ngày chính xác, kể cả trong các văn bản tôn giáo, cho phép chúng ta biết khi nào Chúa Giê-su được sinh ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng sự kiện này diễn ra vào năm thứ 5 hoặc 6 trước kỷ nguyên của chúng ta.
Theo đó, lễ Giáng sinh đầu tiên xuất hiện vào năm 274, và ban đầu không liên quan gì đến đạo Kitô. Được thành lập bởi Hoàng đế Aurelian, người đã nâng mặt trời lên hàng các vị thần chính, lễ hội ngoại giáo Sol invictus (“Mặt trời bất diệt”) tôn vinh khoảng thời gian ban ngày vào ngày 25 tháng 12 (ngày đông chí theo lịch Julian, trước khi nó được chuyển sang ngày 21 tháng 12).
Theo các nhà sử học, sự liên kết mang tính biểu tượng giữa hình tượng của Chúa Kitô và ánh sáng của mặt trời – điều mà chúng ta thấy ở những người theo đạo Kitô cũng như trong đạo Do Thái – sẽ dẫn đến một cuộc Kitô giáo hóa “Giáng sinh ngoại giáo” này. Ngay từ năm 336, chúng ta đã tìm thấy dấu vết của các lễ hội Kitô giáo mừng Chúa giáng sinh vào ngày 25 tháng 12.
Nghi thức này tiếp tục kéo dài qua thời Trung cổ và dần dần bắt đầu lan rộng khắp châu Âu từ thủ đô của Ý. Thánh lễ lúc nửa đêm và thời kỳ Mùa Vọng bắt đầu hình thành cùng với truyền thống trang trí cây thông Noel, tặng quà và bánh kẹo ngọt cho nhay
Tại sao màu đỏ và xanh lá cây là màu đặc trưng của Giáng sinh?
Giáng sinh đến gần, những con phố được trang hoàng bởi ánh đèn cổ tích, những vỉa hè và quảng trường bị xâm chiếm bởi những khu chợ Giáng sinh, không khí đượm mùi hương của gia vị và rượu ngâm, và những ngôi nhà khoác lên mình màu xanh và đỏ. Nhưng bạn có biết tại sao màu đỏ và xanh lá cây lại là màu truyền thống của Giáng sinh?
Theo nhà nghiên cứu Spike Bucklow, sự liên kết của màu đỏ và xanh lá cây có từ thế kỷ 13. Bucklow chuyên nghiên cứu về các bức bình phong che thánh giá, một loại màn che bằng đá hoặc gỗ ngăn cách giữa trung tâm lễ đường với gian giữa trong các nhà thờ. Các bình phong, với những hình vẽ của các vị thánh, vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay; và trong số đó, vị chuyên gia đã ghi nhận một sự lặp lại liên tiếp: đó là màu đỏ và xanh lá cây.
Vào thời Trung cổ, màu đỏ được tạo ra từ sắt (liên quan đến sao Hỏa và nam tính) trong khi màu xanh lá cây được làm từ đồng (liên quan đến sao Kim và nữ tính). Đằng sau màu đỏ và xanh lá cây ẩn chứa ý tưởng về tính song phương, nam tính và nữ tính, chiến tranh và tình yêu, phàm tục và thiêng liêng. Đến cuối thời kỳ Phục hưng, các bức bình phong biến mất và chỉ được sử dụng trở lại trong thời kỳ Gothic của thời đại Victoria.
Bucklow giải thích: “Đối với chúng tôi, màu đỏ và xanh lá cây là một phát minh của thời Victoria. Nhưng tại sao những người thời Victoria lại chọn những màu này? Đó là bởi vì họ đột nhiên phát hiện ra những bức bình phong này, tất cả đều là màu đỏ và xanh lá cây. Vì vậy, đối với họ, màu đỏ và màu xanh lá cây là sự tái khám phá của toàn bộ Kitô giáo.” Những màu sắc này cũng liên quan đến cây nhựa ruồi, một loại cây được ưa chuộng vào dịp Giáng sinh vì màu sắc rực rỡ mà nó hiển thị vào giữa mùa đông.
- Xem thêm: Cho lòng đơn sơ như máng cỏ
Nhưng câu chuyện chưa dừng tại đó. Năm 1931, công ty Coca-Cola đã yêu cầu họa sĩ minh họa Haddon Sundblom tạo ra nhân vật ông già Noel cho chiến dịch quảng cáo của mình. Sundblom sau đó cho ra đời hình ảnh ông già Noel mà ngày nay chúng ta đều biết: bụng tròn trịa, râu tóc trắng phơ và mặc một chiếc áo khoác dài màu Coca-Cola lộng lẫy, trên nền xanh lá cây. Đã qua rồi cái thời những nhân vật có ngoại hình yêu tinh và những bộ quần áo đổi màu. Màu sắc Giáng sinh mới đã đến.
Chiến dịch này thành công vang dội ở Hoa Kỳ, gieo rắc màu đỏ và xanh lá cây vào tâm trí của thế giới phương Tây như những sắc thái truyền thống của ngày 25 tháng 12. “Điều thú vị nhất của sự kết hợp màu đỏ và xanh lá cây của Giáng sinh là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và tánh thường của tiếp thị, kết hợp để củng cố hình ảnh của hai màu này trong ý thức tập thể của chúng ta”, Arielle Eckstut, đồng tác giả của cuốn sách Le langage secret des couleurs, kết luận.