Ở Đà Nẵng, trong đêm kết thúc lễ hội pháo hoa quốc tế 2018 vừa qua, một nhóm bạn trẻ đã tự nguyện nán lại để giúp các nhân viên vệ sinh môi trường dọn sạch rác mà nhiều người vô tư bỏ lại vương vãi khắp khu vực trình diễn.
Còn tại Đà Lạt, một nhóm bạn trẻ từ TP.HCM đến thành phố cao nguyên này thay vì để vui chơi thì lại tình nguyện đi… nhặt rác mà nhiều du khách quăng xả bừa bãi.
Hai câu chuyện trên được báo chí ghi nhận trong những ngày nghỉ dài dịp lễ 30-4 và 1-5 mới đây như một “phát hiện” khi mà trong mắt nhiều người trẻ hiện nay, những hành động ấy thật xa lạ.
Có lẽ là xa lạ thật nếu so với cách mà không ít bạn trẻ đã hành xử khi tham dự các sự kiện lễ hội. Cứ như một điệp khúc dai dẳng mà năm nào cũng được nghe thấy là chuyện rác xả khắp nơi tại các khu vực diễn ra các hoạt động, chương trình vui chơi mừng lễ.
Những người đi chơi lễ, tham gia các sự kiện đường phố phần đông là thanh niên và các gia đình trẻ, họ biết cách làm cho cuộc chơi thật vui, họ chuẩn bị đồ ăn thức uống, họ chọn những vị trí thuận lợi để thưởng thức các chương trình biểu diễn… Và sẽ thật trọn vẹn nếu như sau cuộc vui chơi họ biết thu dọn những gì mình đã bày ra. Tiếc rằng điều đó không nằm trong suy nghĩ. Rác từ bao bì thực phẩm, vỏ chai nhựa, thùng carton, giấy báo lót chỗ ngồi… mà họ để lại đã tạo nên một hình ảnh thực sự xấu xí, không chỉ là ở khung cảnh hiện trường mà còn là hình ảnh mỗi cá nhân nếu có lúc nào tự soi lại chính mình.
Ý thức giữ gìn vệ sinh chung đã được nói đến nhiều, thậm chí đã được dạy ngay từ khi còn nhỏ, nhưng khi cần đến những hành động cụ thể thì nhiều người lại không nghĩ đó là chuyện của mỗi người, cứ tưởng rằng đó là chuyện của riêng những người làm nghề quét dọn, những công nhân vệ sinh môi trường. Lâu dần hình ảnh “sống chung” với rác trở nên bình thường. Không khó để bắt gặp những hình ảnh thực khách thản nhiên ngồi ăn uống bên vỉa hè, dưới chân là rác từ giấy ăn, thực phẩm; du khách tắm biển và ăn uống rồi xả rác ngay tại chỗ…
Không chỉ dừng lại ở hình ảnh cảnh quan nhếch nhác, bàn rộng ra một chút thì đó còn là chuyện ô nhiễm môi trường sống. Trong các loại gây ô nhiễm môi trường, vấn đề rác thải sinh hoạt ngoại trừ các cơ quan quản lý, các nhà khoa học quan tâm, còn người dân thì không mấy quan ngại. Người ta có thể bịt khẩu trang khi ra đường vì sợ khói bụi xe cộ, bức xúc khi các nhà máy không kiểm soát chất thải công nghiệp…, nhưng với rác thải sinh hoạt lại ít bận tâm bởi nó như là chuyện phải có trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và cũng không thấy tác động gì đến sức khỏe tức thì.
Thực sự rác thải sinh hoạt đe dọa môi trường không kém các nguồn gây ô nhiễm khác. Do ý thức và do quản lý không tốt, rác thải đang đổ ra sông rạch, ao hồ, gây ô nhiễm nguồn nước; rác thải, trong đó có những loại rác có chất độc khi xử lý chôn vào lòng đất sẽ ảnh hưởng đến các loài sinh vật, thực vật phát triển trong môi trường đất; rác thải hữu cơ đang đổ bừa bãi nhiều nơi khi phân hủy không chỉ gây hôi thối mà còn phát sinh vi khuẩn gây hại cho sức khỏe con người… Đáng lo nhất là rác thải nhựa, loại rác phải mất hàng trăm năm mới tự phân hủy, đang được con người sử dụng vô tội vạ, đã đang và sẽ hủy hoại môi trường của cả hành tinh.
Hành động nhặt rác của một số bạn trẻ, hay hành động ở tầm rộng hơn và thường xuyên hơn ở một số nhóm hoạt động vì môi trường đã gửi đi thông điệp nhắc nhở bảo vệ môi trường sống của chúng ta mà hành động đầu tiên ở từng người là giữ gìn vệ sinh chung và cách xử lý khoa học đối với rác thải mà chúng ta tạo ra. Nhận thức đó không nên chỉ có ở một vài nhóm đơn lẻ mà phải được xây dựng thành ý thức, lối sống của cả cộng đồng rộng lớn.
– Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn