Trước hết, để tránh dài dòng, sa đà về nguồn gốc của từ “sến”, cũng như “mari sến”…, xin mặc định “sến” theo ý nghĩa của từ này vào những năm 60s, 70s của thế kỷ trước. Vào lúc đó, từ “sến” được dùng để gán cho giới bình dân, giới lao động… với mỹ quan nông cạn, màu mè… và cũng từ đó phát sinh ra từ “nhạc sến”.
Những bài hát với ca từ đơn giản về một câu chuyện tình, thường là tình đơn phương, tình nghèo .. với tiết tấu có thể dễ dàng đoán được, gồm 2 phiên khúc “đệm giữa” bởi một điệp khúc là điển hình của dòng “nhạc sến” tiêu biểu. Đã có một giai đoạn, dòng nhạc này nổi bật lên, thịnh hành đến mức một số nhạc sĩ phải “chung lưng đấu cật”, đẻ ra “nghệ danh nhóm” để chuyên trị cho kịp nhu cầu thị trường, như “Trịnh Lâm Ngân” (Trần Trịnh – Lâm Đệ – Nhật Ngân), “Lê Minh Bằng” (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng). Và để tránh từ “sến” hàm nghĩa bị coi thường lâu nay, các nhà xuất bản, nhạc sĩ đưa ra một từ mới để gọi dòng nhạc đang cực kỳ ăn khách này, là “nhạc thời trang”, với các chương trình “thời trang nhạc tuyển”. Phải chi gặp thời buổi “kinh tế thị trường” hiện nay, chắc nó sẽ được mang một tên thời thượng hơn, là “nhạc thị trường” rồi. Dòng nhạc thời trang, hay một số người vẫn quen gọi theo tên cũ là nhạc sến, được tiêu biểu bởi lời nhạc là chính, như đã nói ở trên, còn giai điệu thì đơn giản và không bắt buộc hay quy ước phải theo một giai điệu nào. Có một thời, nhạc sến được gắn liền với Boléro, có lẽ vì ngoài việc giai điệu Boléro dặt dìu, ẻo lả, còn có lý do là tiết tấu của ca khúc Boléro rất dễ hòa hợp với … ca vọng cổ, dễ dàng chuyển thể một ca khúc bolero thành một bài tân cổ giao duyên (như “Chuyện Tình Lan và Điệp”, “Đồi Thông Hai Mộ”,“Nỗi Buồn Gác Trọ” ..) và bước thêm một bước nữa là đưa vào các tuồng cải lương đẫm lệ. Khi phong trào nhạc thời trang bùng lên, cái áo dịu dàng nhưng đơn điệu của Boléro đã không đủ sức để chứa / trói buộc dòng nhạc thời trang đang “tuổi mới lớn” nữa. Hàng loạt những ca khúc thời trang ra đời dưới những điệu nhạc khác nhau như Slow, Slow-rock và thậm chí là .. Boston (như Sang Ngang của Đỗ Lễ, Thành Phố Buồn của Lam Phương) … và sau đó bùng nổ một loạt những ca khúc theo tiết điệu habanera, tango-habanera với những bài hát điển hình như “Áo Em Chưa Mặc Một Lần”,“Nhớ Người Yêu”, “Mùa Xuân của Mẹ” qua những giọng ca tiêu biểu như Duy Khánh, Chế Linh, Giang Tử.
Nói như vậy, để thấy “phong trào” hiện nay đang đồng hóa nhạc bolero với nhạc “sến” là hoàn toàn sai, và áp đặt thể loại sến cho điệu nhạc bolero cũng là một sự áp đặt khiên cưỡng vô lý. Âm điệu dìu dặt, du dương, lả lướt của bolero đã từng là cảm hứng cho những nhạc khúc “vàng” vượt thời gian, như “Besame Mucho” và giọng ca Andrea Bocelli (https://www.youtube.com/watch?v=fTxcrjBGves), hay “Nắng Chiều” (Lê Trọng Nguyễn) với âm hưởng nhẹ nhàng của những ca khúc thời tiền chiến, “Xóm Đêm” của Phạm Đình Chương, chưa kể đến những ca khúc vang bóng một thời của Nguyễn văn Đông như “Chiều Mưa Biên Giới”, “Sắc Hoa Màu Nhớ” … khó mà gán ghép vào dòng nhạc sến dù là gượng ép. Sến không phải là bolero, và bolero chưa chắc là sến!
Nhưng … sến thì đã sao nào?
Có một thời (có khi đến bây giờ vẫn còn) người ta có ý phân biệt “nhạc sang” và “nhạc sến”, và nhiều người “né’ không muốn bị xếp vào giới thích nhạc sến, với cảm giác bị đánh giá thấp về “goûte” thẩm mỹ âm nhạc của mình. Thế nhưng, hỏi thật lòng mình, có ai chưa từng cảm thấy chạnh lòng khi nghe văng vẳng đâu đây giọng khan khan của Duy Khánh với bài “Xuân Này Con Không Về” trong không khí hanh hanh lành lạnh của những ngày cận Tết, khi mọi người rộn rịp mua sắm, trang hoàng nhà cửa? Với chính bản thân tôi, dù chẳng bao giờ phải tha hương trong dịp Tết, nhưng khi nghe:
“Bên mái tranh nghèo, ngồi quanh bếp hồng.
Trông bánh chưng chờ trời sáng,
đỏ hây hây những đôi má đào”
hay
“Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà”
(Xuân Này Con Không Về – Trịnh Lâm Ngân)
…là lòng lại cuộn lên nỗi xót xa cho người con tha hương không được về bên Mẹ, bên gia đình trong những ngày Tết thiêng liêng. Lúc đó ai nói tôi “sến” tôi cũng xin chịu, chẳng cần phản đối hay đính chính gì hết.
Vâng, sẽ có nhiều lúc, rất nhiều lúc, rất nhiều thời điểm mà một bài hát, hay chỉ là một câu ca trong một ca khúc “sến” đụng vào nỗi niềm, đụng vào điểm nhạy cảm sâu xa nào đó trong lòng bạn, hoặc có khi đã nhắc bạn một kỷ niệm xa xưa trong vô thức khiến bạn chợt rùng mình mà không hiểu vì sao. Và những lúc đó, bạn chợt cảm thấy “yêu” nhạc sến hơn bao giờ hết!!
Vậy nên, hãy khoan vội vã chê và xem thường nhạc sến nhé, bạn!
PS: Nếu nói rộng ra, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc, ta còn có “truyện sến”, “phim sến”…
Nhưng cũng tương tự như nhạc sến, nếu phân biệt như vậy, tại sao câu chuyện (tiểu thuyết) Love Story của Erich Segal (và bộ phim cùng tên) đều trở thành best seller, thậm chí phim Love Story còn được American Film Institute đánh giá là một trong những bộ phim lãng mạn nhất của điện ảnh Mỹ (xếp hạng 9) và thứ 37 về doanh số tại khu vực Bắc Mỹ? Trong khi tóm tắt câu chuyện chỉ là một chuyện tình sến rện kiểu “cô bé Lọ Lem” thời hiện đại, với kết cục là nàng qua đời vì bệnh ung thư máu (y chang các phim HQ gần đây, hoặc ngược lại thì đúng hơn), và chàng thì ngồi lẩm bẩm “Love means never having to say you’re sorry”, cũng cực sến nhưng có một thời được quote như một danh ngôn để đời về tình yêu!
Hoặc “Pretty Woman”, có câu chuyện nào “sến sẩm” và vô lý hơn không? Với kiểu “nàng Lọ Lem” và “hoàng tử bạch mã” của thế kỷ 20, thế mà trở thành bộ phim hài lãng mạn có doanh thu phòng vé cao nhất từ trước đến nay tại Mỹ với hơn 42 triệu vé bán ra (theo Box Office Mojo), và Julia Robert bay vút lên thành ngôi sao sáng trên nền trời Hollywood với giải Golden Globe Award cùng với đề cử diễn viên chính xuất sắc cho giải Oscar năm đó!