Một tháng trước Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Minh Nghĩa (Long Xuyên, An Giang) đưa vợ con lên TP. Hồ Chí Minh mua sắm và làm đẹp. Anh chọn chỗ nghỉ lại là một căn hộ 60 mét vuông trong khu chung cư cao cấp ven sông Sài Gòn với mức giá 1 triệu đồng/đêm. Tại đây gia đình anh được tận hưởng miễn phí nhiều tiện ích như hồ bơi, công viên trẻ em hiện đại… Anh tỏ ra khá hài lòng vì đã đặt thuê căn hộ này qua một công ty cổ phần du lịch đang quảng cáo mạnh trên Facebook và Google.
Kết nối tốt nguồn cung và nhu cầu
Trong một năm qua, hàng loạt dự án căn hộ cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng đã khiến mặt bằng giá cho thuê dài hạn giảm từ 20 – 30%. Thực tế trên lại tạo cơ hội lớn ở phân khúc cho thuê ngắn hạn, mà dẫn đầu là hình thức cho thuê kiểu chia sẻ Airbnb. Nếu cuối năm 2014, Việt Nam mới chỉ có khoảng 1.000 cơ sở lưu trú tham gia Airbnb thì đến cuối 2016, con số này đã là khoảng 10.000 cơ sở.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thì toàn thành phố có 2.074 người cung cấp dịch vụ cho thuê phòng và căn hộ trên Airbnb. Trong đó, nhóm cho thuê có nhiều hơn một đơn vị lưu trú chiếm 45%. Số liệu từ Airbnb cho thấy Việt Nam là một thị trường nhanh nhạy khi có đến một phần ba số chủ nhà sở hữu trên một cơ sở cho thuê, tức họ là những người cho thuê nhà kiếm lời chuyên nghiệp chứ không chỉ là những chủ nhà tận dụng không gian nhàn rỗi. Tỷ lệ đối tượng này ở Việt Nam cao hơn hẳn Paris 9%, New York 16% hay Sydney 17%.
Trở lại câu chuyện của anh Nguyễn Minh Nghĩa, vốn từng học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, hằng năm vợ chồng anh đều có nhu cầu trở lại thành phố này vài ba lần. So với ở khách sạn 2, 3 sao với chi phí chênh lệch không đáng kể thì thuê căn hộ cao cấp rõ ràng là có lợi hơn rất nhiều về tiện ích, diện tích… Vài năm nay giao thông các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh được cải thiện nhiều, thu nhập của người dân các địa phương cũng tăng. Đây chính là cơ hội lớn của ngành lưu trú thành phố. Các nhà kinh doanh Airbnb chuyên nghiệp đã kết hợp khai thác tốt nhu cầu, công nghệ chia sẻ chỗ ở và hàng chục ngàn căn hộ để trống. Bên cạnh khách có mức chi tiêu cao từ các tỉnh, đối tượng khách Việt kiều cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong số khách thuê căn hộ theo ngày, theo tuần.
Phân khúc đa dạng: nhiều cơ hội và nhiều thách thức
Cũng là kinh doanh dịch vụ chia sẻ chỗ ở, kết nối du lịch nhưng Luxstay – một công ty công nghệ mạnh dạn hướng tới phân khúc khách hàng cao hơn mặt bằng chung của Airbnb. Các biệt thự, căn hộ đắt tiền mà Luxstay đang cho thuê đều nằm ở các điểm đến du lịch nổi tiếng như Hội An, Sa Pa, Hòa Bình… và ở các thành phố lớn của Việt Nam. Sau khi thành lập chưa lâu, doanh nghiệp này đã nhận được khoản đầu tư lớn của quỹ đầu tư Nhật Genesia Ventures. Trong một chuyến công tác tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại thị trường Việt Nam đầu năm 2017, CEO của Genesia Ventures là ông Soichi Tajima đã quyết định đặt thuê một căn hộ tại trung tâm Hà Nội thay vì ở khách sạn 5 sao.
Trước khi đến, nhóm của ông Soichi Tajima chỉ kỳ vọng là các thành viên trong đoàn có thể ở cùng nhau trong một căn nhà có nhiều phòng để thuận tiện cho trao đổi công việc và có vị trí trung tâm để dễ đi lại. Tuy nhiên, điều bất ngờ là khi đến nơi, căn hộ mà nhóm ông đặt thuê lại nằm trong một tòa nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi và rộng rãi hơn những gì ông nghĩ trong đầu trước đó. Thêm vào đó, người tiếp đón cũng rất nhiệt tình chu đáo khiến cho CEO của quỹ đầu tư cảm thấy hài lòng với dịch vụ của đơn vị cung cấp. Tò mò về hình thức kinh doanh này tại Việt Nam, ông Tajima đã gặp gỡ nhóm sáng lập Luxstay và đi đến quyết định rót vốn chỉ sau 30 phút trò chuyện. Bắt đầu nhận đăng ký cho thuê từ các chủ nhà từ tháng 8-2017, mỗi ngày Luxstay có 5-10 căn nhà đăng ký tham gia dịch vụ. Tham vọng của người sáng lập Luxstay là trong vòng 3-5 năm nữa, hệ thống sẽ có khoảng 20.000-30.000 căn hộ tham gia.
Nếu như sáng lập Luxstay đều là những doanh nhân nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực internet thì trị trường chia sẻ chỗ ở vẫn có những nhà kinh doanh ít chuyên nghiệp hơn, nhắm đến phân khúc giá bình dân hơn. Một số cái tên được chú ý trên thị trường cho thuê căn hộ ngắn ngày hiện nay như The Dragons Host, Airbnb Hosts… đều có cách làm “chậm mà chắc”. Thành công của chủ mô hình đến từ sự chăm chút chỗ ở và nắm bắt tâm lý khách hàng.
Thử thách khó khăn nhất dành cho các chủ nhà và điểm mấu chốt quyết định thành công là chính sách giá. Rất nhiều tiêu chí (không gian, thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất…) quyết định giá phòng/căn nhà, nên khó có thể đưa ra một con số cụ thể. Airbnb thường đưa ra mức giá gợi ý, tức là nếu không đặt giá cho từng ngày thì Airbnb sẽ áp giá cơ bản cho căn nhà/phòng, nhưng muốn tối ưu hóa lợi nhuận, người cho thuê phải có mức giá linh hoạt cho từng ngày, từng thời điểm… Tỷ lệ lấp đầy phòng mỗi tháng sẽ quyết định lời lỗ.
Một thành viên tham gia Airbnb Việt Nam từ những ngày đầu cho biết cũng đã có nhiều người thuê nhà để kinh doanh chia sẻ chỗ ở và bị thua lỗ, lý do chính thường là ước tính không chính xác lượng khách và đưa ra mức giá không phù hợp.