Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến hàng thứ 4 ở phụ nữ trên toàn thế giới. Hằng năm có khoảng 500.000 phụ nữ chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung và một nửa trong số đó tử vong, với phần lớn số ca tử vong xảy ra ở châu Á. Tại Việt Nam, có hơn 5.000 phụ nữ mắc bệnh hằng năm. Nguyên nhân là do ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế, mọi người chưa có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư, các chương trình tầm soát cũng chưa được tuyên truyền rộng rãi.
Để tăng cường tuyên truyền về ung thư cổ tử cung, vào ngày 17-10 vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp với nhãn hàng Roche Việt Nam thực hiện một chương trình tư vấn miễn phí thu hút khá đông người đến tham gia. BS Đặng Lê Dung Hạnh, Bệnh viện Hùng Vương đã giải đáp khá cặn kẽ nhiều thắc mắc của người tham gia. Một số câu hỏi độc giả quan tâm có thể liệt kê như sau:
Phụ nữ ở độ tuổi nào thì cần đi kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ từ sau 30 đến 65 tuổi. HPV (Human papilloma virus) là nguyên nhân gây nên hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). HPV lây qua tình dục, phụ nữ có thể nhiễm HPV nhiều lần trong đời. Ngoài ra, một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người, dùng thuốc tránh thai kéo dài, sinh đẻ nhiều (bốn lần trở lên), hút thuốc lá, tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là viêm sinh dục…
HPV lây qua đường tình dục, vậy bao cao su có thể phòng ngừa lây nhiễm hay không?
HPV có thể lây trực tiếp qua da ở khu vực xung quanh bộ phận sinh dục. Vì vậy bao cao su chỉ làm giảm chứ không thể có ngăn ngừa một cách tuyệt đối nhiễm HPV. Chúng ta chỉ có thể phòng ngừa nhiễm HPV khi quan hệ với một người không bị HPV (thường là chung thủy một vợ một chồng).
Tôi đã tiêm ngừa vaccin HPV thì có thể bị UTCTC nữa không?
Người đã tiêm ngừa HPV vẫn có thể bị nhiễm HPV và UTCTC. Vì có đến hơn 100 chủng HPV, trong đó có 14 chủng được xem là có nguy cơ cao dẫn đến UTCTC và hai chủng nguy cơ cao nhất, gây nên 70% các trường hợp UTCTC, là chủng 16 và 18. Vaccin chỉ có thể kháng những chủng có nguy cơ cao, một số chủng HPV khác vẫn có thể gây ung thư nhưng lại nằm ngoài khả năng bảo vệ của vaccin.
Nhiễm HPV có triệu chứng gì không?
Phần lớn các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và sẽ tự hết nhờ vào hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Còn những trường hợp đã xuất hiện triệu chứng thì thường là lúc ung thư đã phát triển và ở vào giai đoạn khó điều trị. Ung thư cổ tử cung “âm thầm” trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10-15 năm. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn một chút máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc chảy máu bất thường dù không đang ở chu kỳ kinh nguyệt. Nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng và vùng hố chậu, thậm chí bị suy kiệt.
Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn.
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi không?
Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, UTCTC có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc UTCTC ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ UTCTC đã giảm một cách đáng kể.
Vì sao trong phòng ngừa và phát hiện sớm UTCTC, chúng ta cần sử dụng xét nghiệm HPV, thay vì sử dụng xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) như chúng ta đã làm từ trước đến nay?
Xét nghiệm Pap nhằm phát hiện những thay đổi trên tế bào của cổ tử cung khi quá trình ung thư đã bắt đầu chứ không thể phòng bệnh. Những nghiên cứu mới đây cho thấy trong ba phụ nữ bị UTCTC thì có một người làm xét nghiệm Pap trước đó cho kết quả bình thường.
Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự hiện diện của HPV trong cơ thể và không phụ thuộc vào việc diễn giải hoặc phân tích chủ quan. Xét nghiệm tìm ra sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao, ngay cả khi chưa có những biến đổi trên tế bào cổ tử cung, và ngay cả trước khi ung thư phát triển.
Kể từ tháng 4-2013, Bệnh viện Hùng Vương đã áp dụng bộ đôi xét nghiệm (Pap và HPV) cho hơn 5.000 phụ nữ nhằm sàng lọc UTCTC. Với giải pháp mới này, bệnh viện đã có thể đánh giá lại các tiêu chuẩn sàng lọc hiện hành dành cho phụ nữ, giúp họ được tầm soát một cách khách quan nhằm phát hiện ra nguy cơ bị phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung và bảo vệ lấy mạng sống của chính mình.
- Thanh Nhã