“Xe buýt xanh” của Công ty Phương Trang có màu cam cũng trở nên quen thuộc với hành khách
Vì vậy, để phát triển loại xe xanh, Nhà nước nên sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, khuyến khích họ đầu tư cho xe buýt sạch, thân thiện với môi trường. Trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng trong cả nước đến năm 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt có phần nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường, cho phép ưu tiên miễn, giảm thuế nhập khẩu các phụ tùng dùng cho xe sử dụng CNG. Tại TP.HCM, trong đề án đầu tư 1.680 xe buýt ở giai đoạn 2011-2013, Sở Giao thông vận tải đã trình UBND TP xem xét khả năng phát triển xe buýt xanh với điều kiện tất cả xe buýt được đầu tư mới phải đảm bảo tiêu chuẩn Euro III hoặc sử dụng khí CNG. Theo đó, doanh nghiệp nhập xe buýt xanh sẽ được hỗ trợ 70% vốn vay với mức lãi suất 5%. Nếu những ưu đãi trên được thực thi thì có niềm tin rằng trong thời gian tới, xe buýt xanh sẽ được sử dụng nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân.
Vì môi trường xanh, phải ưu tiên phát triển xe sử dụng CNG
Ở nước ta, hiện nay Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm CNG, chiếm lĩnh 100% thị phần trong nước, phục vụ chủ yếu cho các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Nhà máy CNG đầu tiên đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vận hành từ tháng 9-2008 với công suất ban đầu là 30 triệu m3 khí/năm và sẽ nâng lên đến 250 triệu m3 khí/năm vào năm 2015. Theo các chuyên gia về môi trường, CNG có giá thành khá thấp, chỉ bằng khoảng 20 – 30% so với LPG (Liquefied Petroleum Gas – hỗn hợp hydrocarbon nhẹ, ở thể khí) nên sử dụng CNG sẽ tạo được những lợi ích rõ ràng về kinh tế và môi trường, cụ thể là tiết kiệm chi phí nhiên liệu vì hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao, giảm chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị so với việc sử dụng dầu FO, DO hay than đá, không phát sinh những chất độc hại gây ô nhiễm môi trường khi cháy, kéo dài tuổi thọ thiết bị, góp phần giảm giá thành sản phẩm… CNG nhẹ hơn không khí nên nhanh chóng bốc lên cao trong trường hợp bị rò rỉ, nguy cơ cháy, nổ do sự tích tụ khí cũng thấp, đảm bảo mức độ an toàn cao hơn so với khi sử dụng loại nhiên liệu khác.
Vẫn còn nhiều xe buýt chạy bằng dầu, là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Hiện tại, hệ thống phân phối CNG cho các khu đô thị, nhà máy công nghiệp và phương tiện giao thông vận tải thuộc khu vực miền Đông Nam bộ do ba đơn vị thành viên của PV Gas là Công ty CP Đầu tư phát triển gas đô thị (Gas City), Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South), Công ty CP CNG Việt Nam (CNG Việt Nam) quản lý với công suất gần 130 triệu m3/năm. CNG được phân phối đến các khách hàng là nhà máy công nghiệp nằm xa hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp có nhu cầu sử dụng khí làm nhiên liệu cho sản xuất. Ngoài ra, CNG còn được sử dụng cho hệ thống xe buýt, xe taxi, xe hơi của TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Ông Nguyễn Sĩ Thắng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty PV Gas South cho biết rằng từ khi đưa khí nén thiên nhiên vào kinh doanh (tháng 9-2009) đến nay, doanh nghiệp này đã có hệ thống khách hàng có nhu cầu ổn định, bao gồm các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất gốm sứ, gạch men, thép, giao thông vận tải… Theo kế hoạch, năm 2013 Khu đô thị Nam Sài Gòn sẽ là khu vực dân cư đầu tiên trong cả nước có hệ thống CNG do Gas City xây dựng, lắp đặt và cung cấp.
Ngân An