Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục lo việc xây dựng và hoàn thiện đề án đầu tư xe buýt mới ở TP.HCM giai đoạn 2011-2015 thì đề án thay thế 1.680 xe buýt mới vẫn chưa được các cơ quan thông qua. Từ năm 2011, các doanh nghiệp đã tự đầu tư xe buýt mới sử dụng nhiên liệu sạch như: Công ty TNHH Một thành viên Xe khách Sài Gòn, Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, HTX Vận tải 19-5…
Trong khi các doanh nghiệp tư nhân, xã viên HTX tìm mọi cách để đầu tư xe buýt mới, đến nay đề án thay thế 1.680 xe buýt mới vẫn còn vướng mắc cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư. Để việc phát triển hệ thống xe buýt mới ở TP.HCM được triển khai nhanh, nhiều doanh nghiệp, HTX vận tải cho rằng Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ cũng như thực hiện việc xã hội hóa để thu hút nhà đầu tư. Xăng dầu biến động, giá cả tiêu dùng liên tục tăng và nhân viên lái xe buýt liên tục xin nghỉ việc khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải giảm đầu xe để chuyển hướng đầu tư, nhiều xe buýt của các xã viên đã chuyển sang vận tải du lịch.
Công ty TNHH Vận tải TP.HCM đã đầu tư nhiều xe buýt mới vào cuối năm 2012
Để “cứu” 3.200 xe buýt đang hoạt động trên 160 tuyến hiện nay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị UBND TP.HCM cho quảng cáo trên xe buýt và cho đấu thầu các tuyến. Việc đấu thầu các tuyến xe buýt đã được UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện thử nghiệm từ năm 2006 nhưng đến nay mới chỉ có tám tuyến được đấu thầu. Có những tuyến Sở GTVT TP.HCM tổ chức hai lần đấu thầu nhưng không có đơn vị nào dự thầu nên phải hủy tuyến.
Nhu cầu đầu tư xe buýt mới trong giai đoạn 2012-2015 là 1.680 xe (300 xe sử dụng khí nén thiên nhiên CNG) với tổng vốn đầu tư trên 2,7 nghìn tỉ đồng, trong đó, tổng số xe thay thế cho các xe buýt cũ đang hoạt động trên các tuyến xe buýt hiện nay là 1.520 xe và dự kiến đầu tư thêm 160 xe cho chín tuyến xe buýt mở thêm đến các khu hành chính, khu dân cư mới. Mặc dù vậy, mức độ thu hút các nhà đầu tư tư nhân sẽ phụ thuộc vào sự hấp dẫn của các chính sách và cơ chế hỗ trợ đầu tư, trong đó còn có việc thành phố cần “mở cửa” rộng hơn nữa cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đấu thầu khai thác tuyến xe buýt mới. Các doanh nghiệp tư nhân rất khó tham gia, trong khi tiềm lực về tài chính và con người của không ít doanh nghiệp tư nhân rất mạnh.
Nhằm khuyến khích sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào sự phát triển hệ thống vận tải công cộng, cần làm tốt việc đấu thầu rộng rãi khai thác quảng cáo trên xe buýt, nhằm giảm đáng kể nguồn vốn đầu tư mới và trợ giá từ ngân sách. Nói tóm lại, nếu chỉ hô hào và mơước mà không có một chủ trương nhất quán, một cơ quan trách nhiệm lớn nào đứng ra lo cho dân thì không biết đến bao giờ xã hội mới được hưởng lợi từ những phương tiện văn minh tối thiểu. Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, trung tâm đang tính toán mức hỗ trợ phù hợp để trình cấp có thẩm quyền kịp thời giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do giá nhiên liệu tăng. Nhưng không biết bao giờ sẽ có.
Sở GTVT đã đề nghị UBND thành phố có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư mua xe buýt CNG như: hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi bằng 0% trong thời gian bảy năm đối với 70% nguồn vốn vay đầu tư phương tiện, kiến nghị trung ương miễn thuế nhập khẩu cho buýt CNG. Tuy nhiên, chính sách này chỉ mới được xem xét áp dụng cho một đơn vị quốc doanh. Riêng những doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác như các hợp tác xã đầu tư xe buýt CNG vừa rồi vẫn chưa được hưởng những chính sách ưu đãi này. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã đề nghị thành phố cho các nhà đầu tư xe được hưởng tiền chênh lệch khi sử dụng xe buýt CNG do làm giảm 30 – 40% chi phí nhiên liệu so với xe buýt chạy dầu diesel. Điều này có nghĩa là vẫn tính trợ giá cho xe buýt CNG bằng mức tiền xe buýt chạy dầu. Nhưng đề xuất của Sở GTVT vẫn chưa được đơn vị tham mưu cho UBND TP.HCM là Sở Tài chính đồng ý.
Một trong những giải pháp đưa ra để kéo giảm tiền trợ giá cho xe buýt là tăng giá vé và cho quảng cáo trên xe buýt. Tuy nhiên, sau nhiều lần trình lên UBND TP, đề án quảng cáo trên xe buýt đến nay vẫn chưa được phép triển khai. Theo tính toán, nếu triển khai sớm, tiền quảng cáo trên xe buýt mỗi năm giúp ngân sách giảm hơn 100 tỉ đồng trợ giá cho hoạt động xe buýt.
Điều đáng nói là trong đề án phát triển xe buýt trên cả nước giai đoạn 2012-2020 vừa được Chính phủ phê duyệt có quy định các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo triển khai thực hiện quảng cáo trên xe buýt và sử dụng nguồn thu từ quảng cáo để hỗ trợ, phát triển xe buýt. Quyết định này cho phép thành phố tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong việc thực hiện quảng cáo trên xe buýt. Từ giữa tháng 10-2011, ông Lê Hải Phong, Giám đốc trung tâm, ký văn bản đề nghị các doanh nghiệp xe buýt góp ý dự thảo hợp đồng dịch vụ thực hiện đề án quảng cáo trên xe buýt. Theo đó, trung tâm (bên A) sẽ thực hiện mọi thủ tục xin phép và chịu các chi phí liên quan đến quảng cáo; được thực hiện, khai thác các chương trình quảng cáo; được yêu cầu doanh nghiệp có xe buýt (bên B) cung cấp xe hoặc ngưng quảng cáo để cổ động chính trị…
Có ý kiến cho rằng cách làm này chẳng khác nào trung tâm vừa là “cai” quản lý số lượng, chủng loại xe tham gia cổ động chính trị, vừa là “cò” thực hiện quảng cáo. Trong khi về chức năng, trung tâm là cơ quan quản lý nhà nước, thay mặt Sở GTVT thực hiện quản lý hoạt động xe buýt ở TP chứ không phải là đơn vị kinh tế có chức năng, nhiệm vụ làm dịch vụ quảng cáo. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT, Sở đã nhận ra những điều không phù hợp trong việc trung tâm tham gia làm dịch vụ quảng cáo. Ông nói: “Do đề án đang trong giai đoạn khởi đầu nên có thể tạm giao cho trung tâm làm đầu mối. Sau này, các hợp đồng quảng cáo phải được ký trực tiếp giữa đơn vị chuyên làm quảng cáo hoặc có sản phẩm cần quảng cáo với doanh nghiệp xe buýt thì mới phù hợp pháp luật”. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị, với nguồn thu lên tới hàng trăm tỉ đồng/năm, việc quảng cáo trên xe buýt phải được tổ chức đấu thầu chứ không thể giao cho một đơn vị thực hiện. “Do Công ty Tầm Nhìn đã xây dựng đề án nên trước mắt có thể giao cho đơn vị này thực hiện luôn. Sau khi đề án hoàn chỉnh và đi vào triển khai thì phải tổ chức đấu thầu. Đơn vị trúng thầu sẽ hoàn trả chi phí nghiên cứu xây dựng đề án cho Công ty Tầm Nhìn theo đúng quy định” – ông Dương Hồng Thanh cho biết. Còn về lâu dài, Bộ GTVT cần ban hành sớm những quy định riêng về việc đấu thầu các tuyến xe buýt cũng như quy định các định mức về chi phí, giá thành, nhiên liệu để thu hút các đơn vị vận tải tham gia.
Thanh Nhã