Những mô tả về gia đình trên phương tiện truyền thông thường bị hiểu sai, khi cho rằng để sở hữu một gia đình lành mạnh là không tưởng.
Điều này không đúng, bởi vì thông qua sự đầu tư có chủ đích, được cam kết, bạn và gia đình có thể nhận được những mối quan hệ lành mạnh, bổ ích cho nhau. Thực tế, một gia đình lành mạnh không chỉ có thể, mà còn cần thiết cho bạn, bạn đời và con cái của bạn, để tồn tại và phát triển trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Điều đầu tiên, là tạo một môi trường của sự an toàn trong phạm vi gia đình và ngôi nhà. Trong môi trường an toàn, các thành viên, cá nhân gia đình được tôn trọng, đồng thời những điều khác nhau cũng được xem trọng. Ví dụ, bạn và bạn đời có thể có ý kiến khác nhau về việc tổ chức chuyến dã ngoại cuối tuần.
Thay vì ra sức bảo vệ ý kiến của riêng mình, hãy tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhau chia sẻ, bàn bạc những điều cần thiết cho chuyến đi. Tác giả cuốn sách về tâm lý gia đình Những mối quan hệ ADN, Gary Smalley, giải thích: “Khi tạo ra một môi trường gia đình an toàn, những mối quan hệ của bạn sẽ tăng trưởng và phát triển”.
Mọi thành viên chia sẻ với nhau những trải nghiệm, chẳng hạn như cùng tham gia một trò chơi vào mỗi tối trong tuần hoặc đi cắm trại mỗi tháng một lần. Trong cuốn sách Chìa khóa của những mối quan hệ yêu thương, tác giả Smalley nhấn mạnh việc những gia đình gần gũi nhau cần chia sẻ thời gian chất lượng với nhau, thường xuyên đề ra các hoạt động, sự kiện gia đình để mọi người cùng tham gia.
Thành lập, tôn trọng những giá trị gia đình lành mạnh, như một tổng thể và cho từng thành viên gia đình. Hai tác giả Henry Cloud và John Townsend, của cuốn sách Những ranh giới gia đình, cho biết: “Những ranh giới giúp mọi người hiểu được những gì họ cần làm, có trách nhiệm trong những lĩnh vực, mối quan hệ khác nhau trong chính cuộc sống của mình.
Ví dụ, việc cho phép con cái trải nghiệm những hậu quả tự nhiên về hành vi của chúng, có thể giúp chúng hiểu được vấn đề, trong khi chúng không chịu trách nhiệm về những hành động của người khác, mà phải chịu trách nhiệm về chính lựa chọn của chúng. Những ranh giới lành mạnh sẽ giúp gia đình tận hưởng sự gần gũi, an toàn cao hơn”.
Điều quan trọng khác, là luôn tìm mọi cách để giải quyết những xung đột trong gia đình, như bất đồng về lịch trình, giờ giấc sinh hoạt gia đình, theo những cách lành mạnh, đồng thời tìm cách quan tâm cho từng thành viên gia đình. Ví dụ, nếu gia đình bạn không đồng ý chọn xem một thể loại phim nào đó cho gia đình vào buổi tối, nên sáng tạo bằng cách cùng bàn luận, để chọn ra bộ phim mà mọi người cùng thích.
Đây là một “chính sách không có người thua cuộc”, nơi mà mọi thành viên gia đình đều có tiếng nói cho cách tốt nhất để giải quyết xung đột hoặc khi đối diện một vấn đề mang tính gia đình.
Cuối cùng, hãy thường xuyên chia sẻ, xác nhận những lời khen với mỗi thành viên gia đình.Tìm những cách càng cụ thể, càng tốt, về bất cứ điều gì để đánh giá cao về nhau.Chọn cách luân phiên đánh giá cao mỗi người. Nếu cần, bạn hãy bổ sung thời gian vào thời gian biểu gia đình, để mọi người có dịp chia sẻ với nhau những lời khen ngợi.